Cảnh sát New York đã làm gì để “tón gáy” trùm ma túy Preacher?

(PLVN) - Khi nói về những tên tội phạm khét tiếng nhất, ám ảnh cả thành phố New York (Mỹ) thì ai cũng nhắc đến cái tên “Preacher” (nghĩa là Người thuyết giáo). Chỉ cần nghe đến cái biệt danh đó, ai ai cũng phải kinh sợ vì những tội ác mà ông trùm này gây ra được đồn đại khắp các con phố, thế nhưng Preacher là ai, hình dáng như thế nào thì không mấy ai biết.
(Hình minh họa)
(Hình minh họa)

Theo dấu ông trùm

Trong khoảng những năm 80-90 của thế kỷ trước, băng đảng của Preacher đã thực sự là nỗi kinh hoàng của người dân, xã hội đen và cả cảnh sát. Chúng sẵn sàng giết, kể cả phụ nữ hay trẻ em chỉ để kiếm tiền và khiến cho các băng nhóm khác phải run sợ. Vậy nhưng cảnh sát lại gần như bó tay bởi không một ai dám đứng ra tố cáo bọn chúng, bởi họ quá sợ hãi trước những gì được nghe về độ tàn bạo của băng đảng Preacher.

Thậm chí, chiếc xe Mercedes đen mà Preacher thường dùng để đi lại là hắn “xin đểu” của một ông trùm ma túy khác, người này cũng là dạng có máu mặt, nhưng nghe thấy cái tên Preacher thì cũng phải “ngậm bồ hòn làm ngọt” mà dâng xe cho hắn. Trước sự ngang tàng và lộng hành của Preacher, các lực lượng hành pháp tại New York đã phải thành lập một lực lượng mang bí số C11 để điều tra và thu thập chứng cứ về băng đảng tội ác này. Người đầu tiên mà lực lượng C11 nhắm đến là John Cuff, cánh tay đắc lực nhất của ông trùm Preacher. John như một vệ sĩ luôn bảo vệ Preacher khỏi các cuộc điều tra cũng như bị các băng đảng khác tấn công, ngoài ra hắn còn là “phán quan” trong băng đảng, chuyên được giao nhiệm vụ trừng phạt, thậm chí là xử tử những thành viên phạm lỗi hoặc không hoàn thành nhiệm vụ.

Vậy nhưng, dù nghe rất nhiều lời đồn về việc thành viên này, xã hội đen nọ bị Preacher thanh trừng hay hành quyết nhưng cảnh sát lại không tìm được một thi thể hay xác chết nào. Qua nhiều ngày điều tra và theo dõi, lực lượng C11 bắt được 1 thành viên của băng đảng Preacher và tiến hành thẩm vấn người này, hy vọng có thể lần ra chút manh mối nào đó để phanh phui tội ác của ông trùm. Tuy nhiên, ngay khi biết tin, Clarence đã tìm cách “bịt đầu mối”, hắn cùng với John và vài đàn em khác đã túm được “kẻ chỉ điểm” ngay trước cửa tòa án và lôi lên một chiếc xe thùng chở đi.

Rất may, sự việc được các thành viên lực lượng C11 nhìn thấy, họ đuổi theo chặn được chiếc xe đó lại và giải cứu được người kia. Trên xe cảnh sát thu giữ được nhiều gậy sắt, băng keo, dây thừng, người “chỉ điểm” đã sợ đến vỡ mật sau khi từ “Quỷ môn quan” trở về nên im thin thít, không dám hé môi nửa lời với cảnh sát. Thiếu chứng cứ, cảnh sát buộc phải thả Preacher cùng đám đàn em. Không nản lòng, lực lượng C11 tiếp tục theo dấu các thành viên khác của băng đảng Preacher.

Trả giá cho tội ác của mình, trùm ma túy Preacher đã bị tuyên án tù chung thân cộng thêm 225 năm tù cho các tội trạng khác
Trả giá cho tội ác của mình, trùm ma túy Preacher đã bị tuyên án tù chung thân cộng thêm 225 năm tù cho các tội trạng khác

Trong một lần tình cờ, họ bắt giữ được một con nghiện tàng trữ vũ khí trái phép, đây là một thành viên trong băng đảng của Preacher và đã đưa đến một bước ngoặt trong việc phá án. Người này vì sợ tội và nhìn thấy “tấm gương” nhãn tiền của người trước đó bị cảnh sát bắt mà suýt bị Preacher giết để bịt đầu mối nên đã chấp nhận khai ra tất cả để đổi lấy cuộc sống ở trong tù, còn hơn là im lặng để được thả rồi biết đâu đó lại bị “giết người diệt khẩu”.

Từ những lời khai của người này, lực lượng C11 nắm được thông tin tương đối đầy đủ về tổ chức của băng đảng Preacher, thêm vào đó là một chi tiết vô cùng đắt giá, đó là chúng thường sử dụng tầng hầm của tòa nhà 2075 Grand Concourse để làm nơi tra tấn người khác và thực hiện các vụ hành quyết.

Từ bước đột phá này, ngày 15/7/1996, lệnh bắt Clarence Heatley “Preacher, John Cuff và Anthony Boatwright đã được ban bố. Họ bắt được John Cuff ngay sau đó, nhưng Anthony Boatwright thì đã “bốc hơi” theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Hóa ra, khi biết “có biến”, Preacher và John đã bàn bạc với nhau, bọn chúng gần như không thể bị lần ra và cảnh sát thì không có đủ chứng cứ để kết tội chúng, nhưng mối nguy lớn nhất đó là Anthony, người này đã để lộ nhiều sơ hở và khó chối tội khi bị cảnh sát bắt giữ.

Để cho “yên tâm”, Preacher và John đã quyết định giết Anthony để “chặt đứt mắt xích” yếu nhất này, tránh bị cảnh sát lần ra. John Cuff đã rủ Anthony xuống tầng hầm tòa nhà 2075 Grand Concourse để uống bia, Anthony không mảy may biết được điều gì sẽ xảy ra nên hồn nhiên đi cùng John. Xuống tới nơi, John vờ nhờ Anthony quay ra bật đài, khi Anthony vừa quay đi thì cũng là lúc người này bị bắn một phát đạn vào đầu từ phía sau.

Sau khi giết Anthony, bọn chúng dùng cưa máy để phân xác đồng bọn rồi phi tang rải khắp thành phố, đây cũng chính là lý do mà cảnh sát không bao giờ tìm thấy Anthony, ngay cả một tấm hình của người này cũng chưa từng xuất hiện trong hồ sơ của cảnh sát.

 Đền tội thích đáng

Đến ngày 12/8/1996, Clarence “Preacher” bị bắt giữ và điều tra về các cáo buộc giết người, tống tiền và hoạt động tội phạm có tổ chức. Trong quá trình điều tra, danh sách tội trạng của Preacher ngày một dài ra, bao gồm: buôn bán ma túy, liên quan trực tiếp đến 11 vụ giết người.

Đến ngày 7/12/1997, danh sách các tội trạng bị cáo buộc của Preacher đã lên đến con số 86 tội, bản cáo trạng chỉ ra rằng ông trùm này có liên quan đến cái chết của 45 người trong quá trình hoạt động buôn bán ma túy. Bên cạnh đó là các tội danh tống tiền, cướp và bắt cóc.

Thậm chí, trong số những nạn nhân từng bị Preacher bắt cóc còn có cả Bobby Brown - chồng của cố nữ ca sĩ lừng danh thế giới Whitney Houston. Theo hồ sơ điều tra, Bobby là một ca sĩ nổi tiếng nhưng lại có cuộc sống trụy lạc và đắm chìm trong ma túy. Chỉ vì các bữa tiệc tùng liên miên mà Bobby đã mắc nợ một đầu nậu bán ma túy số tiền 25.000 USD.

Tuy nhiên, Bobby tiền nợ thì không trả nhưng vẫn tiếp tục tổ chức các cuộc ăn chơi vô độ và hút hít triền miên, chính điều này đã khiến cho tay ma cô kia “cay mũi” và mách với Preacher. Theo lời kể của một thành viên trong băng đảng của Preacher, vào tháng 4/1993, bọn chúng đã bắt Bobby và đưa đến căn hầm thường dùng để thực hiện các vụ tra tấn và giết người phi tang, chúng lột trần anh ta và trói nghiến lại.

Tiếp đó, Preacher gí súng vào đầu Bobby và đe dọa sẽ giết anh này vì dám “xù nợ” tiền ma túy. Lúc đó, vì quá hoảng sợ và đã nghe danh Preacher từ lâu, Bobby cầu xin tha mạng và xin được gọi điện cho vợ là Whitney Houston để trả tiền. Sau khi nhận được điện thoại của chồng, Whitney Houston đã phải thu xếp một khoản tiền lên đến 400.000 USD và mang đến đưa cho Preacher để chuộc người. Vụ việc khi đó đã được các báo chí đồn đoán nhưng vợ chồng Whitney Houston đã lên tiếng phủ nhận và từ chối thông tin về việc này.

Trước những chứng cứ không thể chối cãi và qua quá trình xét xử kéo dài, Clarence Heatley đã chấp nhận khai ra tất cả để đổi lấy việc được hưởng án tù chung thân thay vì bị tử hình. Tháng 2/1999, ông trùm Clarence Heatley “Preacher” đã bị tuyên án tù chung thân cộng thêm 225 năm cho các tội ác của mình, có thể nói, với những tội ác đã gây ra trong quá khứ, ông trùm này đừng mong thể còn sống mà ra khỏi nhà tù được.

Đọc thêm