Chuyện ít biết về “ông Vua ẩn dật” của đế chế Samsung

(PLVN) - Nhà công nghiệp giàu có và quyền lực nhất Hàn Quốc Lee Kun-hee đã biến Samsung Electronics thành một trong những công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Tuy nhiên, ông lại chọn cho mình cách sống ẩn dật.
 Ông Lee Kun-hee.
Ông Lee Kun-hee.

“Hãy thay đổi mọi thứ”

Ông Lee Kun-hee sinh năm 1942 tại thành phố Daegu, là con trai út trong gia đình gồm 7 người con (3 nam, 4 nữ). Ông là con trai thứ ba của ông Lee Byung-chull - người sáng lập tập đoàn Samsung. 

Khi còn trẻ, ông Lee từng theo học tại Đại học Waseda danh tiếng của Nhật Bản và lấy bằng MBA tại Đại học George Washington, Mỹ. Năm 1968, ông gia nhập công ty gia đình. Ở tuổi 36, ông trở thành Phó Giám đốc bộ phận xây dựng và kinh doanh của tập đoàn. Năm 1987, ông tiếp quản vị trí Chủ tịch Samsung sau khi người cha qua đời. 

Thực ra, ban đầu, cha của ông định giao lại tập đoàn cho người con trai cả là cố Chủ tịch công ty phân bón Cheil Lee Maeng-hee. Tuy nhiên, người con trai cả đã bị “thất sủng” do vướng vào vụ bê bối buôn lậu đường hóa học, khiến ông Lee Byung-chull quyết định trao lại quyền kinh doanh tập đoàn cho con trai út. 

Tập đoàn Samsung do ông Lee Byung-chull thành lập ban đầu phát triển bằng cách sản xuất các mặt hàng tiêu dùng như đường, dệt may và nhiều thứ khác mà đất nước rất cần sau thời chiến. Sau đó, công ty mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm, đóng tàu, xây dựng, chất bán dẫn và gần như tất cả mọi thứ. 

Đến khi ông Lee tiếp quản, Samsung đã trở thành tập đoàn lớn nhất Hàn Quốc, hoạt động trong nhiều lĩnh vực, bao gồm từ điện tử tiêu dùng đến xây dựng. Tuy nhiên, ông này mới là người có công biến Samsung thành một tập đoàn có sức mạnh toàn cầu như hiện nay. 

Ban đầu, khi ông Lee lên nắm quyền chủ tịch, Samsung bị coi là nhà sản xuất kém chất lượng với giá rẻ, chất lượng thấp. Không bằng lòng với việc đó, ông quyết tâm cải cách triệt để công ty. “Hãy thay đổi mọi thứ ngoại trừ vợ và con của chúng ta”, ông nói vào năm 1993. 

Theo chỉ đạo của ông, Samsung đã có một bước nhảy vọt lớn, theo đuổi đường lối kinh doanh đặt trọng tâm vào chất lượng. Tập đoàn này từng nổi tiếng với chuyện gom các sản phẩm lại và đốt toàn bộ 150.000 chiếc điện thoại di động đang có trong kho để bắt tay vào những sản phẩm mới, mở đường cho sự tái sinh của chiếc điện thoại “Anycall” rất thành công. 

Phong cách lãnh đạo có tầm nhìn xa của ông Lee đã được công nhận rộng rãi trong việc biến Samsung Electronics - hiện là công ty con hàng đầu của tập đoàn, thành một trong những nhà phát triển và sản xuất chất bán dẫn, điện thoại di động và màn hình LCD hàng đầu thế giới.

Nói đến ông Lee, ngoài kinh doanh và điều hành, người ta cũng nhớ nhiều đến phong cách sống nổi tiếng ẩn dật của mình. Ông sống rất kín tiếng, hiếm khi rời nhà để đến trụ sở công ty. Ông cũng được biết đến với những chuyến đi kéo dài hàng tháng tới Hawaii và Nhật Bản trước các quyết định kinh doanh quan trọng, bao gồm cả việc thăng chức con trai của mình là Lee Jae-yong lên làm Phó Chủ tịch Samsung Electronics vào năm 2013. 

Hiếm khi phát biểu với giới truyền thông nhưng bất cứ khi nào ông Lee phá vỡ sự im lặng kéo dài của mình, những “lời vàng ý ngọc” của ông đều được chú ý rất kỹ. Trong các cuộc họp với cấp dưới và các cuộc phỏng vấn hiếm hoi, ông Lee luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của những bộ óc sáng suốt trong kinh doanh.

“Cho dù có điều gì xảy ra đi chăng nữa thì cũng không có gì phải sợ nếu chúng ta có được những tài năng thực thụ. Trong thời đại cạnh tranh không giới hạn, chiến thắng hay thất bại sẽ phụ thuộc vào một số ít thiên tài... Một thiên tài sẽ nuôi sống 100.000 người”, ông nói.

Những lùm xùm đáng chú ý

Tại Hàn Quốc, các doanh nghiệp lớn và những nhân vật có quyền lực chính trị được cho là thường có mối liên hệ chặt chẽ với nhau. Với trường hợp của ông Lee, những đồn đoán về việc này cũng không ít. Trong đó, vào năm 1996, ông Lee Kun-hee bị kết tội hối lộ cựu tổng thống Roh Tae-woo. 

Theo phán quyết của tòa án, khi ông Roh còn tại vị, ông Lee đã trả cho ông này “một khoản tiền lớn hối lộ trong một thời gian dài” nhằm tìm kiếm sự ủng hộ cho Samsung trong các quyết định chính sách kinh doanh của tổng thống.

Ông Lee cũng bị kết tội tham ô và trốn thuế trong một vụ bê bối gây quỹ năm 2008, khiến ông từ chức lãnh đạo công ty trong một thời gian ngắn. Tuy nhiên, ông này chỉ bị kết án tù treo. Ông Lee cũng đã nhận được 2 lệnh ân xá của tổng thống, trong đó có một lần vào năm 2009. Năm 2010, ông ta quay trở lại làm chủ tịch Tập đoàn Samsung. Sau đó, ông ta tiếp tục dẫn dắt Hàn Quốc thành công trong việc đăng cai Thế vận hội Mùa đông 2018. 

Ngoài ra, ông này còn đối mặt với vụ kiện do anh trai và chị gái của ông ta đệ trình, đòi số cổ phiếu Samsung trị giá hàng tỷ USD. Về đời sống gia đình, ông Lee kết hôn với bà Hong Ra-hee - con gái của một Bộ trưởng Tư pháp Hàn Quốc. 

Ông Lee nổi tiếng là rất thích chó, niềm yêu thích đã bộc lộ ngay khi ông còn ở Nhật Bản - nơi ông theo học từ năm 11 tuổi. “Mối tình đầu của tôi là với chú chó giống Nhật của mình”, ông Lee viết trong một tuyển tập các bài tiểu luận xuất bản năm 1997. “Khi đó tôi biết được rằng một cuộc đối thoại đầy cảm xúc giữa một người đàn ông và một con chó là có thể”, ông nói tiếp. Doanh nhân đầy quyền lực này cũng nổi tiếng là người thích phim ảnh, cưỡi ngựa và những chiếc siêu xe kỳ lạ.

Tháng 5/2014, ông Lee Kun-hee được phát hiện trong trạng thái bất tỉnh tại nhà riêng (phường Itaewon, quận Yongsan, Seoul) do nhồi máu cơ tim. Rất ít thông tin về tình trạng của ông được tiết lộ kể từ đó, càng khiến những bí ẩn liên quan đến ông trở nên nhiều thêm ngay cả trong những ngày cuối cùng của ông ta. 

Có thông tin cho biết ông Lee đã phải nằm liệt giường trong những năm cuối đời. Cũng có tin cho biết, sau khi được đưa nhập viện năm 2014, ông đã được đưa đến bệnh viện gần nhà để hồi sức tim phổi rồi được chuyển tới Bệnh viện Samsung Seoul và được can thiệp bằng đặt stent động mạch vành tim. Ông được điều trị ở phòng chăm sóc bệnh nhân nặng cho tới khi tim, phổi và não ổn định trở lại rồi được chuyển đến phòng bệnh thường để chăm sóc và bình phục trở lại sau 15 ngày hôn mê. Sau nửa năm điều trị, sức khỏe ông ta dần ổn định và có thể ngồi được xe lăn, tập vật lý trị liệu.

Ngày 25/10 vừa qua, gia đình thông báo ông đã qua đời, hưởng thọ 78 tuổi. Theo Forbes, ông Lee Kun-hee là người giàu nhất Hàn Quốc với giá trị tài sản ròng gần 21 tỷ USD. Còn Samsung cho đến nay vẫn là tập đoàn lớn nhất của Hàn Quốc - tập đoàn do gia đình sở hữu chi phối nền kinh tế nước này.

Đọc thêm