Commesso Fiorentino – nghệ thuật tranh khảm Ý

(PLVN) - Đến Florence, những ai đã một lần ghé vào xưởng Scarpelli Mosaici của gia đình Scarpelli ở Florence, Italy đều đã nghe kể về lịch sử “Commesso Fiorentino” hay còn gọi là môn nghệ thuật tranh khảm đá cổ điển truyền thống Ý.
Ảnh 1 - Gia đình Scarpelli trong xưởng ở Florence, Ý.
Ảnh 1 - Gia đình Scarpelli trong xưởng ở Florence, Ý.

Nguồn gốc về “Commesso Fiorentino”

Nghệ thuật tạo ra những bức tranh bằng đá, bắt nguồn từ cái nôi của thời Phục hưng, trong tiếng Ý gọi là commesso - "tập hợp". Nó ngụ ý một sự phù hợp đặc biệt chính xác của các bộ phận tạo nên khảm. Bức tranh Florentine được lắp ráp từ các tấm đá mỏng để không thể nhận thấy một đường nối giữa các yếu tố. Trong trường hợp này, tấm đá được chọn không chỉ dựa trên màu sắc mong muốn mà còn tính đến kết cấu tự nhiên.

Điều thú vị là đa phần khách đến với Scarpelli Mosaici, 90-95% đều là người Mỹ. Bà Catia chia sẻ: “Các du khách Mỹ khi đến Florence, họ muốn được đi tìm hiểu về lịch sử lâu đời và nền văn hóa truyền thống ở đây”. Và cả hai điều ấy đều có mặt trong xưởng Scarpelli Mosaici. Gia đình Scarpelli có niềm đam mê, yêu thích rất lớn đối tranh khảm đá và họ cũng là những nghệ nhân có tay nghề rất cừ khôi tạo ra những bức tranh sống động và mang vẻ đẹp nghệ thuật. 

Khác với loại hình tranh khảm của La Mã cổ đại thường dùng các viên gạch ô vuông hoặc hình chữ nhật để khảm vào tranh, còn tranh Commesso thì dùng những miếng đá bán quý làm nguyên liệu chính. Trong số đó, đá bán quý chủ yếu đến từ vùng đất Toscana .

“Vương cung thánh đường Santa Maria del Fiore”, tác phẩm của Renzo Scarpelli.
“Vương cung thánh đường Santa Maria del Fiore”, tác phẩm của Renzo Scarpelli.  

Những viên đá bán quý sẽ được cắt thành các miếng có kích thước và hình dạng khác nhau. Tranh khảm hoàn toàn được tạo nên từ đá, không sử dụng bất kỳ màu sơn hay thuốc màu nào. “Thiên nhiên cung cấp cho chúng ta một hệ thống bảng màu. Mỗi một sắc tố trong viên đá sẽ chỉ cho người nghệ nhân biết chúng đến từ vùng đất nào. Để tìm được một miếng đá mang sắc tố màu phù hợp với bức tranh, người nghệ sĩ sẽ phải mất một tuần, hoặc thậm chí là vài tháng để tìm ra. Rất kỳ công”, Catia chia sẻ quá trình chuẩn bị.

Các kỹ thuật làm tranh Commesso đã xuất hiện trong thời kỳ Phục Hưng. Tác phẩm tranh khảm đầu tiên được công nhận vào những năm cuối thế kỷ 14, nhưng phải đến tận thế kỷ 17, loại hình nghệ thuật này mới được phổ biến ra ngoài xã hội nhờ gia đình Medici. Đại Công tước xứ Toscana đệ nhị, Francesco I (1541-1587) đã yêu cầu các họa sĩ theo phong cách Italy sáng tác các bức tranh bằng đá, gọi là “Commesso”.

Đến năm 1588, Đại Công tước xứ Toscana đệ tam, Ferdinando I (1549-1609) đã thành lập nên Opificio delle Pietre Dure, xưởng sản xuất tranh khảm Commesso để sáng tác tranh khảm đá và buôn bán, thương mại tranh khảm.

Vào thế kỷ 17, phần lớn các bức tranh khảm đến từ xưởng đều được chuyển đến nhà nguyện Medici ở nhà thờ San Lorenzo. Rất nhiều các nghệ sĩ ở Florence được thuê đến từ châu Âu, từ đó, tranh Commesso ngày càng phổ biến trong những năm thế kỷ 18.

Bén duyên với tranh Commesso 

Cha của Catia, ông Renzo Scarpelli là một trong số ít ỏi những nghệ nhân làm tranh Commesso ở Florence. Ông yêu và say đắm với loại hình nghệ thuật này, nhưng một cách thật tình cờ, như duyên phận, ông được là quen với tranh khảm.

Năm 13 tuổi, Renzo nhận ra cậu không phù hợp với trường học, cậu đã suy nghĩ rất nhiều về tương lai mình, cậu không biết mình nên làm gì và mình có thể làm gì. Nhưng có một điều cậu biết, đó là cậu thích những nghề liên quan đến tay nghề. Tình cờ, một ngày, cậu gặp một bậc thầy đang đứng trước cửa nhà xưởng của ông ấy. Tò mò, Renzo đã xin phép ông thầy được vào xem xưởng của ông, cậu tò mò không biết bên trong các ông đang làm là cái gì.

Bức tranh “Cơn bão” của Leonardo Scarpelli.
Bức tranh “Cơn bão” của Leonardo Scarpelli.  

Sau đó, cậu đã hoàn toàn bị thu hút bởi nghệ thuật tạo tranh khảm Commesso bên trong xưởng của người đàn ông đó. Renzo vẫn luôn biết cậu có năng khiếu nghệ thuật, vì vậy cậu đã hỏi ông thầy liệu mình có thể quay lại đây học nghề không. Người nghệ nhân đồng ý nhưng nói rằng cậu phải dẫn cha tới để thảo luận về chuyện học nghề của cậu. Tuy nhiên cha ông lại không đồng ý với quyết định của con trai mình. Vi vậy ông đã tuyên bố nếu Renzo muốn trở thành nghệ nhân thì ông sẽ từ mặt con trai.

Nhưng Renzo rất quyết tâm trước quyết định này, và sự đam mê của cậu đã nhận được sự đồng ý của cha. Chứng minh cho sự quyết tâm của mình, Renzo làm việc bất kể ngày đêm trong một xưởng in để có đủ tiền trang trải cho cuộc sống và học nghề. Sau nhiều năm học việc tại nhà xưởng, vị bậc thầy nghệ nhân kia đã nói với cậu: “Cậu đã không còn cần tiếp tục học nghề ở đây nữa. Hãy rời đi, tự mình khám phá ra nghệ thuật của riêng mình trong chính nhà xưởng của riêng mình”. Vì vậy, sau 11 năm học nghề, Renzo đã quyết định rời đi.

Cây cầu cổ Vecchio nổi tiếng ở Florence, tác phẩm của Leonardo Scarpelli.
Cây cầu cổ Vecchio nổi tiếng ở Florence, tác phẩm của Leonardo Scarpelli.  

Sau đó, ông đã lập nên một nhà xưởng mới tại một thành phố khác, với sự hỗ trợ về tài chính từ gia đình người yêu, nay là vợ ông. Thời gian đầu, gặp rất nhiều khó khăn, nhưng với tài năng của mình, niềm đam mê cùng sự kiên trì và sự tin tưởng tuyệt đối của gia đình, đã giúp ông và nhà xưởng thu được nhiều thành công. Catia nói: “Tôi muốn gửi lời cảm ơn đến cha mình vì tất cả những gì ông ấy đã cố gắng suốt bao nhiêu năm qua, kể cả khi gặp những khó khăn rất lớn”.

Giờ đây, nhà xưởng Scarpelli Mosaici nằm ở trung tâm Florence, cách không xa là Vương cung thánh đường nổi tiếng Santa Maria del Fiore, thường được biết đến với cái tên “Doumo”. Rất nhiều các nhà xưởng, công ty phải rời khỏi Florence bởi chi phí ở nơi này quá cao. Tuy vậy theo Catia chia sẻ, việc nhà xưởng Scarpelli Mosaici di chuyển đến trung tâm Florence là điều cần thiết, bởi ước mơ của ông Renzo đó là có thể mở một nhà xưởng của riêng mình ở trung tâm Florence và được tiếp xúc trực tiếp với các khách hàng đến đây đặt hàng. Renzo hi vọng có thể để cho các khách hàng được quan sát quá trình tạo ra một bức tranh Commesso kỳ công ra sao và thái độ, tinh thần của người nghệ nhân thế nào.

Vào thời Phục Hưng, trong mỗi nhà xưởng, ngoài nghệ nhân chính ra còn có thêm những trợ lý bên cạnh giúp đỡ trong quá trình làm việc, ở Scarpelli Mosaici cũng như thế. Ông Renzo có hai người trợ lý, trong số đó, có một người năm nay đã gần 60 tuổi, ông đã làm việc với Renzo từ năm 16 tuổi. Ngay cả người phụ trách bán hàng cũng đã làm việc ở Scarpelli Mosaici được 12 năm. Vì thế có thể hiểu tại sao Catia lại nói rằng: “Ở Scarpelli Mosaici, tất cả đều là gia đình, người thân của nhau”.

Ngoài Catia, mẹ cô, bà Gabriella cũng phụ trách buôn bán và làm một số món trang sức từ đá; còn Leonardo Scarpelli, anh trai của Catia kế thừa cha, trở thành nghệ nhân nổi tiếng sáng tạo tranh khảm. Renzo có xu hướng tạo ra những bức tranh Commesso thiên về vẻ đẹp truyền thống, còn Leonardo thì muốn những bức tranh của anh ấy mang hơi thở đương đại, tiếp cận với nhiều vị khách hiện nay hơn nữa. Catia chia sẻ, cô hi vọng, sẽ có một ngày, bọn họ sẽ truyền vẻ đẹp truyền thống, cổ điển của tranh khảm Commesso đến với nhiều người hơn nữa.

Đọc thêm