Công việc đang “trói chặt” cuộc sống giớ trẻ nước Anh như thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giới trẻ nước Anh đang gặp vấn đề “cuồng” công việc quá mức dẫn đến mất hết toàn bộ năng lượng chăm sóc bản thân, nhu cầu yêu đương và xây dựng gia đình. Vấn đề nan giải này cũng đang hiện hữu trong cuộc sống người trẻ tại Việt Nam nhiều năm nay.
Người trẻ Anh ngày càng cô đơn vì quay cuồng trong vòng xoáy công việc.
Người trẻ Anh ngày càng cô đơn vì quay cuồng trong vòng xoáy công việc.

Nỗi ám ảnh bị công việc … “nuốt chửng”

Theo tờ The Guardian (Anh), thanh thiếu niên và người trưởng thành ở Anh đang có xu hướng không kết hôn hoặc cưới muộn, giảm nhu cầu yêu đương, ham muốn tình dục. Kết quả từ một nghiên cứu năm 2018 cũng chỉ ra có khoảng 2,4 triệu dân “xứ sở sương mù” mắc chứng “cô đơn kinh niên”. Một dự báo khác cho biết, tới năm 2039, cứ 7 người Anh thì sẽ có một người sống một mình và gặp khó khăn về tài chính. Ngày càng nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng tình trạng cô đơn ở người trẻ là đặc trưng của thời hiện đại. 

Một trong những nguyên nhân chính được đưa ra là bởi nhịp lao động kéo dài nhiều giờ, không ổn định, lương thấp khiến phần đông người trẻ bị cuốn vào guồng quay công việc, không còn thời gian, năng lượng để tận hưởng cuộc sống và yêu đương. 

  Sau khi kết thúc những năm tháng ngồi ghế học đường, họ sẵn sàng dành hết năm tháng của tuổi trẻ cho công việc, bỏ mặc những niềm vui khác trong cuộc sống. Họ quyết định theo đuổi đam mê, lao đầu vào làm việc đêm ngày để tích luỹ, bổ sung càng nhiều chứng chỉ nghề nghiệp để tăng thêm uy tín bản thân trước các nhà tuyển dụng … cho đến khi nhận ra bản thân đang có cuộc sống không hề ổn định như kỳ vọng ban đầu.

Trong đó, có những trường hợp phải làm việc quá giờ, quá sức, không có thời gian nghỉ ngơi, luôn trở về nhà trong trạng thái mệt mỏi sau mỗi ngày làm việc, phải hy sinh cuộc sống riêng tư. Tuy nhiên, hầu như mọi người trẻ đều đánh giá quá cao bản thân có thể sẵn sàng cho những thử thách mới, cân bằng giữa công việc và đời tư.

Với những bạn trẻ vừa đi học vừa đi làm để tiến thân – xu hướng rất phổ biến ở các xã hội hiện đại ngày nay, quỹ thời gian của họ dễ dàng bị “nuốt chửng” bởi lịch trình công việc thường nhật, cùng các cuộc gọi giao việc của cấp trên, hàng loạt email báo cáo; bên cạnh những kỳ thi sát hạch, bài kiểm tra, đánh giá, xếp loại tại trường lớp.

Bệnh trầm cảm đang “trẻ hoá” do áp lực cuộc sống.
Bệnh trầm cảm đang “trẻ hoá” do áp lực cuộc sống.

Kết quả của lối sống này, ngày càng nhiều người trung niên tại Anh đang gặp các vấn đề tài chính như không đủ tiền thuê nhà, không có khoản tiết kiệm; vấn đề gia đình như không có vợ/chồng, không con cái; các vấn đề về sức khoẻ, bệnh tật, cô đơn, trầm cảm. Theo các số liệu thống kê của chính phủ Anh năm 2018, có hơn 9 triệu người trong số hơn 65 triệu người dân Anh nói rằng họ luôn luôn hoặc thường xuyên cảm thấy cô đơn.

Phần lớn những người trên 75 tuổi ở Anh sống một mình và khoảng 200.000 người trong số họ không hề trò chuyện với bạn bè hay người thân nào trong hơn một tháng. Khi đại dịch Covid-19 ập tới, nỗi cô đơn của người trẻ Anh ngày càng lan rộng và trầm trọng hơn. Tờ Guardian đưa tin, khoảng 1/3 nữ giới và 1/5 nam giới cho biết họ cảm thấy “bị cô lập” do phải ở nhà tránh dịch suốt nhiều tháng.

Năm 2018, Cựu Thủ tướng Anh Theresa May từng khẳng định rằng nước Anh “phải làm tất cả những gì có thể để chấm dứt tình trạng cô đơn và trầm cảm – một thực tế buồn của đời sống hiện đại”. Cùng năm đó, Bộ trưởng Thể thao, bà Tracey Crouch được kiêm nhiệm thêm chức vụ Bộ trưởng Bộ cô đơn – một chức trách chuyên giải quyết các vấn đề liên quan tới tình trạng sống cô độc của hơn 1/10 cư dân xứ sở sương mù. Theo đó, chứng “cô đơn kinh niên” cũng nằm trong những nguyên nhân dẫn bệnh mất trí, chết sớm và huyết áp cao. 

Nước Anh cũng bổ nhiệm Bộ trưởng Y tế Jackie Doyle-Price giữ chức Bộ trưởng Chống tự tử, nhằm phụ trách giải quyết các vấn đề liên quan tới sức khỏe tâm thần của người dân, đặc biệt là vấn nạn tự tử nhức nhối tại Anh. Theo số liệu của chính phủ, mỗi năm “xứ sở sương mù” có ít nhất 4.500 người tự tử, hầu hết độ tuổi dưới 45.

Năm 2017, có 5.821 người tự tử, và trong số đó là nam giới trẻ và trung niên. Các chuyên gia chỉ ra, dồn nén cảm xúc là nguyên nhân khiến tỷ lệ nam giới tại Anh trầm cảm cao hơn nhiều so với phụ nữ. Trong khi đó, các dịch vụ khám chữa bệnh về sức khỏe tinh thần ở Anh vẫn chưa được quan tâm đúng mức, khiến những người có vấn đề sức khoẻ tâm thần không biết tìm đến đâu để giải toả khúc mắc trong tâm trí.

Trầm cảm cũng đang “trẻ hoá” ở Việt Nam

Dù không bị ảnh hưởng quá nghiêm trọng từ đại dịch Covid-19 như các nước khác, nhưng cô đơn và trầm cảm cũng là hai hiện tượng hiện hữu trong cuộc sống của người Việt Nam nhiều năm nay, đặc biệt người trẻ. Ngày càng nhiều người trẻ, cả nam và nữ, ưu tiên dành thời gian, sức lực cho việc phát triển bản thân, không đặt nặng chuyện yêu đương hay hôn nhân, sinh con. Đặc biệt trong bối cảnh thị trường yêu cầu về bằng cấp, nghiệp vụ, kinh nghiệm ngày càng cao, các bạn trẻ phải tích luỹ cho bản thân nhiều kiến thức và kỹ năng hơn để đáp ứng và “leo thang” trong sự nghiệp.

Đáng nói, ngày càng nhiều người trẻ cảm thấy cô đơn hơn, kể cả những bạn rất hiện đại, năng động. Sự thiếu vắng những tương tác thực và sự phát triển của mạng xã hội đã khiến số đông người trẻ “chìm sâu” vào thói quen “sống ảo” trên những nền tảng công nghệ. 

Mạng xã hội trở thành “tri kỷ” của người trẻ.
Mạng xã hội trở thành “tri kỷ” của người trẻ.  

Đây là một chia sẻ trên blog cá nhân của T.T.M.N (Quy Nhơn): “Cái tuổi mộng mơ mà lại sống ở thành phố suốt ngày chỉ biết làm, làm và làm như thế này thì mình nghĩ đây là lý do khiến nhiều bạn trẻ như mình hay có cảm giác cô đơn, hụt hẫng. Giờ mình không còn cảm giác khao khát có được một người bạn như thời đi học nữa. Buồn, cô đơn là mình lại lên mạng, lướt và viết vu vơ, cũng giải tỏa được phần nào”. Quả thực, không chỉ N. mà rất nhiều bạn trẻ hiện nay có suy nghĩ như vậy. Kể cả những người rất hiện đại vẫn chia sẻ rằng họ cảm thấy cô đơn kể cả khi ở chốn náo nhiệt, đông người. 

Theo một số liệu được Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI), công bố vào năm 2018, Việt Nam có ít nhất 3 triệu thanh thiếu niên có các vấn đề về sức khỏe tâm lý, tâm thần nhưng chỉ có khoảng 20% trong số đó nhận được các hỗ trợ y tế và điều trị cần thiết. Theo đó, trầm cảm cũng là một trong những nguyên nhân làm gia tăng số người tự tử ở Việt Nam. 

Dù vậy, tình trạng của người trẻ Việt cũng phần nào giống như những người trẻ ở Anh, họ bị cuốn theo guồng công việc, cảm thấy cô đơn, bất lực nhưng lại không biết tìm đến đâu, đến ai để giải toả tâm lý. Một viễn cảnh khác, đó là chính những người trẻ cũng không nhận thức được mình có đang gặp khó khăn hay không, họ đã quá quen với việc “trôi theo dòng đời” để khi đến nhiều năm sau đó mới nhận ra cuộc sống của mình không đạt được như mong muốn. Theo đó, vấn nạn cô đơn, trầm cảm vì công việc của người trẻ nếu không có biện pháp can thiệp, vẫn sẽ tiếp diễn đến các “chặng” khác trong cuộc đời của họ, ví như giai đoạn trung niên, cao niên.

Đọc thêm