Cuộc chia ly được định đoạt

(PLVN) - Ngay trước ngày Giáng sinh năm nay, Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Anh đã kết thúc thành công tiến trình đàm phán suốt cả năm qua về khuôn khổ quan hệ hợp tác song phương cho thời kỳ sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit). 
(Hình minh họa).
(Hình minh họa).

Hai bên không còn có đủ thời gian để hoàn tất các thủ tục cần thiết cho việc phê chuẩn thỏa thuận trước thời hạn ngày 31/12 tới như đã dự định và buộc phải làm việc này trong tháng Giêng năm tới, nhưng nhất trí để cho thoả thuận vừa đạt được tạm thời có hiệu lực ngay từ ngày 1/1/2021. Như thế có nghĩa là từ đầu năm mới sắp đến, nước Anh hoàn toàn ra khỏi EU và từ đó chỉ còn liên kết và ràng buộc với EU bởi những quy định của thoả thuận. Cuộc chia ly chính thức được định đoạt, chuyện Brexit chính thức kết thúc đối với cả hai bên sau hơn 47 năm nước Anh tham gia EU.

Việc hai bên cuối cùng rồi cũng đạt được thỏa thuận với nhau thật ra không gây bất ngờ, cho dù cả hai phía đều công khai không loại trừ khả năng cũng như tuyên bố sẵn sàng chấp nhận và đã chuẩn bị cho khả năng xảy ra kịch bản Brexit không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào về khuôn khổ quan hệ song phương cho thời kỳ hậu Brexit. Cả hai bên đều nhận thức được rằng việc đạt được thỏa thuận nếu không có lợi thì cũng ít bất lợi nhất cho cả hai bên. Hai bên không khác nhau ở chỗ khi đàm phán thì để cho tình cảm chi phối nhưng khi cần quyết định thì lại chịu sự dẫn dắt của lý trí.

Nếu nhìn nhận một cách tổng quát thì ở thỏa thuận này cả hai bên đều phải trả giá đắt nhưng phía Anh trả giá đắt hơn EU. Tuy không còn là thành viên EU nữa nhưng với thỏa thuận này, nước Anh trên thực tế vẫn được tiếp cận và tận lợi từ thị trường nội địa chung và liên minh thuế quan chung của EU như trước đó.

Ngoài ra, vẫn còn có một số chuyện mới chỉ được hai bên thỏa thuận là giải pháp tạm thời mà trong đấy đặc biệt quan trọng đối với EU là việc tiếp cận thị trường tài chính nước Anh và quy chế pháp lý cho công dân các nước thành viên EU khi nhập cảnh vào Anh và lưu trú dài hạn ở Anh. Cả hai chuyện này đều rất nhạy cảm về chính trị đối nội và kinh tế đối ngoại trong EU.

Giá đắt nhất mà Thủ tướng Anh Boris Johnson phải trả cho thỏa thuận này là phải chấp nhận đảm bảo thông thương cho người và hàng hóa ở khu vực biên giới giữa Ireland (thành viên EU) và vùng Bắc Ireland (do nước Anh quản lý) ở thời sau Brexit, tức là vẫn được như ở thời nước Anh là thành viên EU, cũng như phải nhượng bộ cho EU về hạn ngạch đánh bắt hải sản ở vùng biển xung quanh nước Anh. Ông Johnson đòi EU phải giảm ngay 60% mức độ hiện tại nhưng rồi phải nhượng bộ EU xuống còn 25% mà lại còn giảm trong khoảng thời gian 5 năm và sau đấy hai bên sẽ đàm phán lại.

Cả hai bên đều coi thỏa thuận này có ý nghĩa lịch sử. Thật ra, bản thân nó không có điều đó mà việc nước Anh ra khỏi EU mới có ý nghĩa lịch sử. Brexit theo kịch bản nào thì cũng đều có ý nghĩa lịch sử đối với EU và nước Anh. Ông Johnson đề cao việc nước Anh giành lại chủ quyền quốc gia hoàn toàn và kiểm soát biên giới.

Đúng là người Anh muốn như thế nhưng cách hiểu của họ về chủ quyền quốc gia và kiểm soát biên giới là cách hiểu truyền thống trên đảo quốc trong khi cách hiểu về hai khái niệm và phạm trù ấy trên châu lục đến nay đã thay đổi rất cơ bản. Ông Johnson phác nên viễn cảnh phát triển thịnh vượng huy hoàng cho đảo quốc sau khi ra khỏi EU.

Người Anh rất muốn nghe và rất muốn tin viễn cảnh ấy. Nhưng thực tế rồi đây có thật sự được như vậy không đối với nước Anh lại là chuyện phải hạ hồi mới phân giải vì hiện không ai ở Anh hay châu Âu hoặc trên thế giới dám chắc chắn.

Cả hai bên đều kịp thời có quà Giáng sinh nhưng tâm trạng chung chỉ có thể là pha trộn nhiều cung bậc cảm xúc. Cuộc chia ly này làm tổn hại ghê gớm thể diện và uy danh quốc tế của EU. Tổn hại về chính trị đối với EU lớn hơn rất nhiều so với tác động tiêu cực về kinh tế. EU từ nay phải phòng ngừa nguy cơ tiền lệ ly khai trở thành thông lệ. Còn đảo quốc đứng trước thời kỳ rất bất định trên mọi phương diện.

Đọc thêm