Đàn ông Trung Quốc nguy cơ ế vợ nếu không có “tiền tỷ” trong tay

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chi phí kết hôn “chỉ tăng không giảm” khiến nhiều thanh niên Trung Quốc méo mặt vì không thể lấy được vợ. Chỉ tính riêng tiền sính lễ cưới hỏi đã 300.000 tệ (tương đương 1,05 tỷ đồng), chưa tính điều kiện cơ bản phải “có nhà, có xe” thì tổng dự chi cũng phải ngót nghét 1 triệu tệ (tương đương 3,5 tỷ đồng).
Đàn ông Trung Quốc nguy cơ ế vợ nếu không có “tiền tỷ” trong tay

Lấy được vợ, nợ chồng chất

Theo số liệu thống kê vào năm 2020 thì tỉnh Giang Tây (Trung Quốc) không phải giàu có, thu nhập bình quân đầu người của người dân tỉnh Giang Tây chỉ đứng thứ 15. Thế nhưng, tiền sính lễ tại tỉnh Giang Tây trung bình là từ 120.000 tệ (tương đương 423 triệu đồng) cho đến 888.000 tệ (tương đương 3,1 tỷ đồng). “Các gia đình ở Giang Tây đều có thói quen tiết kiệm ‘tiền lấy vợ’ cho con trai từ rất sớm, nếu không đủ còn phải đi vay mượn. Ngược lại, nhà nào có con gái thì sẽ chẳng phải lo lắng đến vấn đề đó”, Giang Trù - chàng trai đã lập gia đình ở Giang Tây cho biết.

Vấn đề sính lễ ở tỉnh Giang Tây đang gây tranh cãi khá nhiều, bởi có trường hợp nhà trai đưa sính lễ 300.000 tệ (tương đương 1,05 tỷ đồng) bị nhà gái trả về và đòi gấp 3 lần. Thông thường, sau khi nhà trai chuẩn bị đủ sính lễ thì nhà gái cũng phải chuẩn bị của hồi môn tương ứng. Nhưng đến năm 2011, tiền sính lễ bắt đầu “bùng nổ” và đến năm 2016 leo thang lên cao chót vót. 

Mới đây, Ngân hàng Cửu Giang (thuộc thành phố Cửu Giang, Trung Quốc) đã cho ra mắt dịch vụ “Cho vay sính lễ”. Trong đó, ngân hàng có thể cho khách hàng vay đến 300.000 tệ, thời hạn tối đa 1 năm và lãi suất chỉ 4,9%. Đồng thời, khoản vay có thể được sử dụng cho những việc như đi hưởng tuần trăng mật, mua xe, mua đồ trang sức và các đồ gia dụng. Chỉ trong một thời gian ngắn, gói sản phẩm mới ấy đã nhận được rất nhiều phản hồi tích cực. Tuy nhiên, đáp lại sự nồng nhiệt của khách, ngân hàng lại đưa ra thông báo sản phẩm vẫn đang trong giai đoạn thiết kế và tính toán.

Tiền vàng, lễ vật thách cưới thường rất cao.
Tiền vàng, lễ vật thách cưới thường rất cao.  

Giang Trù là một trong số rất nhiều những thanh niên phải đi vay mượn tiền để cưới vợ. Anh là người quê gốc ở tỉnh Giang Tây, sau khi trở thành “con nợ” bèn lên đường đến Bắc Kinh để làm việc kiếm tiền trả nợ sính lễ. “Nếu như điều kiện kinh tế kém, trình độ học vấn thấp và không có công ăn việc làm ổn định thì rất khó để lấy được vợ”, Giang Trù nói.

Vào tháng 6/2020, thị trấn Nghi Xuân, tỉnh Giang Tây đã ban hành văn bản nhằm khống chế sính lễ giá cao. Trong đó có quy định quà cưới không được vượt quá 99.000 tệ, tiệc không quá 10 bàn, mỗi bàn không quá 380 tệ (tương đương 1,3 triệu đồng). “Thực tế khi cưới hỏi, nhà gái vẫn đòi sính lễ cao và chẳng cơ quan pháp luật nào điều tra việc đó”, Giang Trù thẳng thắng chia sẻ.

Ngoại trừ các quy định của địa phương. Bộ luật Dân sự Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 1/1/2021 cũng áp dụng các hạn chế đối với “lạm phát sính lễ”. Điều 1042 của Bộ luật Dân sự này quy định rằng không được đẩy phí kết hôn lên cao, đồng thời nếu hai bên chưa làm thủ tục đăng ký kết hôn hoặc có làm thủ tục kết hôn nhưng chưa chung sống với nhau thì vẫn được quyền yêu cầu trả lại tiền sính lễ. Tuy nhiên, các quy định của Bộ luật Dân sự có rất ít ảnh hưởng đến tỉnh Giang Tây, bởi yêu cầu sính lễ là phong tục đã tồn tại lâu đời ở nơi đây.

Không ngần ngại thách cưới

Số tiền thách cưới mặt bằng chung ngày càng cao là vấn đề khiến nhiều gia đình Trung Quốc có con trai đau đầu. Ở một số địa phương, nếu nhà trai chỉ có một người con, nhà gái sẽ không đòi nhiều sính lễ. Song nếu nhà trai có 2 người con trai, nhà gái sẽ “không khách khí”, có thể đòi bao nhiêu thì đòi bấy nhiêu.

Hồi tháng 10/2020, tại tỉnh Giang Tô (Trung Quốc), đoạn video ghi lại cảnh một chú rể đến nhà gái rước dâu trong sự reo hò, cổ vũ được lan truyền trên mạng. Theo phong tục, nhà gái sẽ chặn cửa, không cho vào, chú rể phải đưa một bao lì xì mới có thể đi qua.

Tuy nhiên, dù bên trong chứa tới 18.000 NDT (2.600 USD), bao lì xì của chú rể vẫn bị mẹ cô dâu chê ít, ngăn không cho tân lang vào đón dâu. Trước đó, chàng trai đã chi khoảng 800.000 NDT (119.000 USD) để mua quà cưới, sính lễ cho nhà gái. “18.000 NDT vẫn ít quá, không đủ tiêu chuẩn làm con rể tôi”, bà thẳng thừng. Cuối cùng, chú rể phải nhờ người nhà về lấy thêm 10.000 NDT mới được đưa vợ đi.

Không chỉ gây tranh cãi về thái độ của gia đình cô dâu, đoạn video còn cho thấy tình cảnh chung của nhiều đàn ông Trung Quốc. Tiền quà cáp, sính lễ, thách cưới quá cao từ phía nhà gái khiến hàng triệu nam giới độc thân nước này chật vật kiếm vợ.

Một cô dâu Trung Quốc đeo chồng chất vàng bạc là những lễ vật thách cưới.
Một cô dâu Trung Quốc đeo chồng chất vàng bạc là những lễ vật thách cưới.   

Được biết, hồi tháng 6/2013, “bản đồ” giá thách cưới ở đất nước tỷ dân lần đầu được Sina đăng tải. Theo đó, tiền thách cưới cao nhất là ở Thượng Hải, bao gồm một căn nhà và 100.000 NDT (14.900 USD). Tại tỉnh Hắc Long Giang, Cát Lâm, Liêu Ninh, Giang Tây và Thanh Hải vào khoảng 500.000 NDT (gần 75.000 USD); Sơn Đông, Hồ Nam, Chiết Giang có “giá chung” là 100.000 NDT... 

Dựa trên báo cáo của Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc năm 2014, tổng thu nhập bình quân đầu người hàng năm của công dân thành thị là 27.000 NDT và 8.900 NDT đối với người ở nông thôn. Như vậy, nếu bị nhà gái thách cưới 100.000 NDT, một chàng trai thành thị Trung Quốc phải tiết kiệm tiền trong khoảng 4 năm, còn anh chàng ở nông thôn phải tốn hơn 12 năm, chưa kể các loại phí khác. 

Từng xảy ra nhiều bi kịch 

Đã có nhiều cặp đôi tan đàn xẻ nghé vì chuyện thách cưới, thậm chí tình trạng thách cưới “cắt cổ” còn là nguyên nhân gây ra nhiều sự việc đau lòng ở Trung Quốc. Cuối tháng 11/2015, cộng đồng mạng Trung Quốc được phen xôn xao về vụ việc chàng trai tên Tiểu Lôi nhảy lầu tự tử ở Thượng Hải vì không thể lo nổi số tiền thách cưới quá cao theo yêu cầu của nhà gái. Tiểu Lôi và bạn gái Lan Lan quen nhau hồi tháng 10/2014 và đính hôn 3 tháng sau đó. Gia đình cô gái yêu cầu Tiểu Lôi phải đưa 10.000 NDT tiền mặt kèm quà tặng với tổng giá trị lên tới 30.000 NDT (khoảng 105 triệu đồng) thì mới cho đôi trẻ kết hôn.

Tuy nhiên, một tháng sau đó, gia đình cô dâu lại “đòi” thêm 20.000 NDT (khoảng 70 triệu đồng) và những thứ khác như thuốc lá, rượu. Những đòi hỏi thái quá từ phía gia đình cô dâu đã khiến Tiểu Lôi trở nên căng thẳng, bế tắc tới mức quyết định nhảy lầu tự tử.

Sự việc đã gây nên một làn sóng phẫn nộ trên các trang mạng xã hội của nước này. Nhiều người chỉ trích phong tục thách cưới này không khác gì “tống tiền” hoặc “rao bán con gái”.

Năm 2017, cuộc tranh cãi về món quà đính hôn đã khiến một chú rể ở tỉnh Hà Nam tức giận, giết vợ ngay trong đêm tân hôn. Gia đình anh đã phải gánh khoản nợ gần 45.000 USD để lo số tiền thách cưới 16.300 USD và trang trải chi phí tiệc cưới.

Trước đó 2 năm, chàng trai tên Xiao Lei, sống tại tỉnh An Huy, bị nhà bạn gái thách cưới và tiền sính lễ khoảng 30.000 NDT (gần 4.500 USD) kèm một điện thoại iPhone cho mỗi thành viên trong gia đình. Sau khi nỗ lực đáp ứng các yêu cầu, nhà gái lại yêu cầu Xiao mua thêm rượu, thuốc lá cùng 20.000 NDT nữa. Quẫn trí, Xiao đã tự sát. Sau khi bố mẹ anh đâm đơn kiện, nhà gái đã trả lại tiền mặt song giữ lại trang sức, điện thoại.

Hay một trường hợp nữa liên quan tới hủ tục thách cưới xảy ra tại tỉnh Tứ Xuyên. Chàng trai họ Tôn đã liều mình ăn cắp 50.000 NDT để trang trải cho lễ cưới sắp tổ chức và hậu quả là hạnh phúc lứa đôi tan nát và chàng thanh niên phải lâm vào cảnh tù tội...

Đọc thêm