Điều chưa biết về nữ cao thủ võ thuật lợi hại hơn Lý Tiểu Long, Diệp Vấn

(PLVN) - Nữ cao thủ huyền thoại này có tầm ảnh hưởng trong võ thuật còn hơn cả Lý Tiểu Long, Diệp Vấn. Người đó chính là Ngũ Mai (Wu Mei) - một nữ tu tại chùa Thiếu Lâm và sống vào khoảng thế kỷ 16.
Hình ảnh Ngũ Mai sư thái truyền võ công cho Nghiêm Vịnh Xuân trong phim ảnh.
Hình ảnh Ngũ Mai sư thái truyền võ công cho Nghiêm Vịnh Xuân trong phim ảnh.

Thống lĩnh 5 môn phái Trung Quốc

Nhắc tới võ thuật Trung Quốc, Lý Tiểu Long người sáng lập ra phái Triệt Quyền Đạo, hay sư phụ của ông Diệp Vấn (phái Vịnh Xuân Quyền) là những nhân vật có sức hút và tầm ảnh hưởng cực lớn. Nhưng lịch sử võ thuật nước này không chỉ có những vị võ sư nam giới mà còn có nhiều cao thủ nữ “khét tiếng”.

Họ ít được người ta biết tới hay đơn giản là ít được đưa lên phim như Lý Tiểu Long hay Diệp Vấn. Trong số những nhân vật kiệt xuất đó phải kể tới nữ cao thủ Ngũ Mai. Các nhà sử học kể rằng Ngũ Mai sư thái là một nữ tu tại Thiếu Lâm, một trong những thành viên cuối cùng của ngôi chùa huyền thoại bị phá bỏ vào năm 1570.

Huyền thoại võ thuật nữ là học trò của một bậc thầy về nhiều môn phái như Thiếu Lâm, Võ Đang... dạy dỗ. Bà sáng lập ra 5 phái võ, đầu tiên làNgũ Mai phái, Vịnh Xuân quyền, Long hình quyền, Bạch Hạc quyền và Ngũ hình Hồng quyền..

5 môn phái do huyền thoại Ngũ Mai sáng lập ra đã trở thành nền tảng vững chắc cho nhiều môn võ cổ truyền tại Trung Quốc. Và có thể coi Diệp Vấn cũng như Lý Tiểu Long là những “đệ tử”, hậu bối có công phát triển môn võ của huyền thoại Ngũ Mai.

Ngũ Mai (phải) và nhân vật đóng vai Lý Tiểu Long (trái), Diệp Vấn (giữa).
Ngũ Mai (phải) và nhân vật đóng vai Lý Tiểu Long (trái), Diệp Vấn (giữa). 

Có 2 bộ phim tại Trung Quốc nói về huyền thoại Ngũ Mai đó là phim “Vịnh Xuân năm” 1994 và “Kungfu Vịnh Xuân” năm 2010. Trong các giai thoại võ thuật Trung Hoa, bà được xem là có ảnh hưởng đến lịch sử của nhiều đại phái võ thuật như Thiếu Lâm (Hà Nam hoặc Phúc Kiến), Võ Đang (Hồ Bắc), Nga Mi, Nhạc gia quyền...

Trong các tài liệu lịch sử không có bất kỳ ghi chép gì về Ngũ Mai. Hành trạng của bà chủ yếu lưu truyền trong dân gian. Theo đó, bà là con gái của một võ quan nhà Minh, sau khi quân Thanh chiếm Trung Nguyên, đã xuất gia và tu học võ công. 

Về sau, bà trở thành một trong những cao đồ của chùa Nam Thiếu Lâm Toàn Châu (Phúc Kiến). Khi chùa bị các tướng Mãn Thanh hỏa thiêu, bà cùng 4 cao đồ khác là Chí Thiện, Bạch Minh Đạo nhân, Phùng Đạo Đức và Miêu Hiển trốn thoát rồi tản đi khắp miền Nam Trung Hoa (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Tứ Xuyên, Vân Nam) để truyền bá võ thuật. Do sự khác biệt về kỹ thuật của 5 người mà hình thành nhiều môn phái Nam quyền ngày nay. Do đó, bà cùng 4 người kia được tôn xưng là “Ngũ tổ Nam Thiếu Lâm”.

Ngũ Mai thường được coi là người sáng lập của nhiều hệ phái võ như Mai Hoa quyền (có thuyết cho rằng bà chỉ sáng tạo Mai hoa thung pháp), Long hình quyền, Chu gia Đường lang, Cẩu quyền, Bạch hạc quyền, Ngũ Mai phái và Vịnh Xuân quyền. Đồng thời có những dị bản cho rằng bà là tăng ni của Thiếu Lâm tự ở Phúc Kiến chứ không phải Hà Nam (Trung Quốc), hoặc là đạo sĩ núi Võ Đang tại Hồ Bắc.

Ngũ Mai sư thái có thật hay không?

Viện nghiên cứu Vịnh Xuân cho rằng Ngũ Mai Sư Thái là một người thật, mặc dù bà có thể không phải là một thầy tu mà đó chỉ đơn thuần là vỏ bọc cho cuộc cách mạng chống nhà Thanh từ những năm 1600. Họ cũng cho rằng bà có thể là con gái của một vị tướng nhà Minh đã cố gắng ám sát hoàng đế nhà Thanh bằng cách sử dụng các kỹ năng võ thuật thượng thừa. Viện nghiên cứu còn cho rằng bà không phải là người khởi xướng ra hệ thống võ thuật, mà có thể là một học viên thế hệ thứ năm của Bạch Hạc Quyền ở Vĩnh Xuân (Tuyền Châu, Trung Quốc) và sau đó đã truyền dạy lại cho Nghiêm Nhị, cha của Nghiêm Vịnh Xuân.

Một phiên bản khác nói rằng Vịnh Xuân được thành lập bởi một người phụ nữ sống ở huyệnVĩnh Xuân hoặc một nhà sư đến từ ngôi đền Vĩnh Xuân. Cả hai câu chuyện đều không liên quan đến Ngũ Mai sư thái.

Benny Meng, người quản lý của Bảo tàng Ving Tsun (một cách viết khác của Wing Chun - Vịnh Xuân) ở Ohio, đã xuất bản một ấp phẩm cùng với Steve Rudnicki để giải thích một số câu hỏi đằng sau câu chuyện huyền thoại này. Meng đã từng tập luyện với Moy Yat, một trong những đệ tử của Diệp Vấn.

Meng và Rudnicki tuyên bố rằng “không có bằng chứng ghi chép” là 5 người đã trốn thoát khỏi Thiếu Lâm Tự là những người thật, và truyền thuyết nói về họ có từ những năm 1800, trong khi Vịnh Xuân đã tồn tại từ những năm 1600.

Họ tiếp tục đặt câu hỏi về sự tồn tại của Nghiêm Vịnh Xuân, trong đó cũng không có bằng chứng lịch sử: “Nếu không có 5 người đó, thì Ngũ Mai sư thái là không tồn tại. Nếu 5 người đó là những người hoạt động cách mạng của thời đại, thì khi đó, họ cũng được lịch sử ghi lại”.

Đến nay, việc Ngũ Mai sư thái có phải là một người thật trong lịch sử hay chỉ là giai thoại hư cấu vẫn là một câu hỏi chưa có lời giải đáp do việc thiếu những chứng cứ sử liệu xác đáng. Dù vậy, hầu hết các giai thoại đều đề cập đến, hoặc bà là sáng tổ của Vịnh Xuân quyền, hoặc có đóng góp đáng kể vào việc hình thành Vịnh Xuân quyền, và nhờ sự xiển dương, nhuận sắc của Nghiêm Vĩnh Xuân hay Miêu Hiển mà sáng tạo thành môn phái.

Theo thuyết của tôn sư Vịnh Xuân Diệp Vấn, Ngũ Mai chính là sư tổ sáng tạo ra những chiêu thức tiền khởi của Vịnh Xuân Quyền. Phát xuất từ một lần quan sát một trận chiến đấu giữa rắn và hạc (xà hạc tương tranh), với căn bản võ công uyên thâm, bà đã kết hợp những yếu tố độc đáo của xà (âm nhu, tượng trưng cho đất, chủ về khí) và hạc (thanh cao, tượng trưng cho trời, chủ luyện tinh) để tạo ra một hệ thống kỹ thuật chiến đấu mới đặc biệt nhưng chưa đặt tên. 

Sau khi hoàn thiện hệ thống kỹ thuật mới này, bà đã truyền lại cho một nữ đệ tử có tên là Nghiêm Vịnh Xuân để cô có thể tự vệ trước những tên cường đạo. Về sau, Nghiêm Vịnh Xuân đã truyền lại môn võ này cho chồng mình là Lương Bác Trù. Ông này về sau đã lấy tên vợ mình để đặt cho môn võ mới khi truyền dạy cho các đệ tử.

Một số thuyết khác lại cho là Vịnh Xuân quyền không phải bắt nguồn như trên mà từ Bạch Hạc quyền. Những câu chuyện dân gian kể rằng Ngũ Mai ở tại chùa Bạch Hạc và ở đó bà chứng kiến một trận xà hạc trương tranh. Nghiên cứu những kỹ thuật của hai con vật này, bà chế tác một môn võ mới đặt tên là Bạch Hạc quyền. Sau đó bà vân du đến Quảng Tây và gặp Miêu Hiển tại đó. Sau này, Miêu Hiển đã phối hợp Bạch Hạc quyền với võ công sẵn có của mình để hình thành Vịnh Xuân quyền.

Một truyền thuyết cổ khác cho là võ công của Ngũ Mai có nguồn gốc từ Nhạc gia quyền, do danh tướng nhà Tống là Nhạc Phi đã sáng chế ra. Một trong những kỹ thuật đó mang tên Hình ý quyền, được các đạo sĩ tu luyện tại núi Nga Mi tập luyện và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Ngũ Mai và Bạch Mi Đạo nhân là hai cao thủ chân truyền cuối cùng. Về sau, Bạch Mi lập ra môn võ mang tên mình (Bạch Mi phái), còn Ngũ Mai truyền dạy môn võ này cho các đệ tử và họ đặt tên môn võ là Vịnh Xuân (khúc ca ca ngợi mùa xuân).

Đọc thêm