Đổi thời, luật lấn lệ

(PLVN) - Việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit) trên danh nghĩa đã kết thúc từ đầy năm 2020 và trên thực tế cơ bản cũng đã xong ngay trước khi năm mới 2021 bắt đầu. Nhưng như thế không có nghĩa là giữa hai bên đã hết sạch mọi chuyện lằng nhằng với nhau mà gốc rễ ở thời nước Anh còn là thành viên EU. 
Anh rời EU.
Anh rời EU.

Mới đây nhất là chuyện liên quan đến quy chế ngoại giao và nhân viên phái đoàn cho đại diện của EU ở Anh. Chính phủ Anh coi những người này không phải các nhân viên ngoại giao thực thụ theo tinh thần và định nghĩa của Công ước của Liên Hợp quốc về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trên thế giới.

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng công ước nói trên xử lý quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia trong khi EU không phải là quốc gia. Ông Johnson khẳng định nhân viên phái bộ EU ở Anh được hưởng những quyền ưu đãi miễn trừ ngoại giao nhất định, nhưng không thể bình đẳng như nhân viên ngoại giao của các quốc gia thực thụ.

Chẻ hoe ngôn từ trong công ước nói trên ra mà suy diễn và luận giải thì phát ngôn của ông Johnson và cách đối xử của phía Anh đối với các nhân viên phái bộ EU ở Anh đúng với tinh thần và lời văn của công ước. Đối với các nhân viên ngoại giao của các nước có quan hệ ngoại giao thì Chính phủ Anh buộc phải thực thi và tuân thủ công ước nói trên. Còn đối với các tổ chức quốc tế hay diện cá nhân nào đó thì việc họ có được hưởng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao đến đâu và có ngang bằng các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của các quốc gia hay không là chuyện riêng của chính phủ Anh. Có thể coi đấy là luật.

Khi thiết lập quan hệ ngoại giao với các đối tác, EU và các đối tác thoả thuận với nhau về mức độ và phạm vi áp dụng các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao. Tất cả các đối tác của EU đều coi phái đoàn đại diện của EU như Đại sứ quán một quốc gia và dành cho nhân viên phái bộ của EU tại đó tất cả các quyền ưu đãi và miễn trừ ngoại giao bình đẳng như nhân viên ngoại giao ở các cơ quan đại diện ngoại giao quốc gia. Thời nước Anh là thành viên EU, thoả thuận này cũng được áp dụng. 

Thật ra, bản chất của thoả thuận như thế không phải là luật mà chỉ là lệ, nhưng là cái lệ dựa trên nền tảng là luật pháp quốc tế và phù hợp với tinh thần của luật pháp quốc tế liên quan. Thời nước Anh tham gia EU, việc các nước thành viên EU coi nhân viên của phái bộ của EU tại các nước thành viên như các nhân viên ngoại giao của các quốc gia được tiếp cận và xử lý như một sự đương nhiên.

Nhân viên làm việc trong phái đoàn đại diện ngoại giao của EU ở Anh được chính phủ Anh đối xử bình đẳng với nhân viên ngoại giao của các đại sứ quán nước ngoài ở Anh. Ngay đến cả Mỹ cũng áp dụng cách đối xử bình đẳng này. Năm ngoái, chính quyền của tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định không coi phái đoàn đại diện của EU ở Mỹ như một đại sứ quán của quốc gia có quan hệ ngoại giao chính thức với Mỹ, nhưng rồi sau một thời gian đã rút lại quyết định này.

Chuyện là ở chỗ sau khi nước Anh ra khỏi EU thì mọi cái lệ về chính trị, ngoại giao hay pháp lý tồn tại hiển nhiên giữa Anh và EU trở nên không còn nghĩa lý và giá trị gì nữa đối với Anh. Một khi lệ mất giá trị sử dụng, thậm chí lại còn gây bất lợi thì nó không bị luật lật lại cũng sẽ bị chính trị đào thải.

Một khi đã đổi thời bởi Brexit thì mối quan hệ tương tác, ràng buộc hay chi phối giữa luật và lệ dẫu không phải luôn luôn thì cũng luôn sẵn sàng tự thay đổi hoặc bị thay đổi. EU và chính phủ Anh rồi lại phải tiếp tục ngồi vào bàn đàm phán với nhau và không biết chuyện này có phải là chuyện lằng nhằng cuối cùng giữa hai bên sau Brexit hay không đây?

Đọc thêm