Đồng minh đối phó lẫn nhau

(PLVN) - Bất đồng quan điểm cơ bản và xung khắc lợi ích chiến lược giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Hy Lạp, Síp, Pháp và Italy tiếp tục dai dẳng và leo thang mức độ quyết liệt, đồng thời khiến cho cả NATO lẫn EU càng ngày càng thêm khó xử. 
Tàu khoan Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ (giữa) và nhóm chiến hạm hộ tống hôm 12/8.
Tàu khoan Oruc Reis của Thổ Nhĩ Kỳ (giữa) và nhóm chiến hạm hộ tống hôm 12/8.

Thổ Nhĩ Kỳ không phải là thành viên EU như mấy nước kia nhưng đã xin gia nhập EU từ lâu mà chưa được. NATO thì khó xử khi các đồng minh quân sự chiến lược truyền thống trong cùng đội ngũ mà đối đầu nhau kịch liệt đến thế. EU khó xử vì phải thể hiện quan điểm, không thể không ủng hộ các thành viên của liên minh nhưng lại rất cần Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết ổn thỏa vấn đề người nhập cư và tỵ nạn.

Diễn biến mới đây nhất bộc lộ sự leo thang mức độ căng thẳng và quyết liệt giữa hai bên là cả hai phía đều tiến hành tập trận quân sự ở Địa Trung Hải. Thực chất trong chuyện này có 3 vấn đề vướng mắc cụ thể. 

Thứ nhất là chuyện chia cắt đảo Síp từ năm 1974. Năm ấy, Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân đội sang đảo Síp và hiện vẫn còn đồn trú khoảng 35.000 binh lính ở vùng miền Bắc đảo này. Vì bị chia cắt từ đấy mà hiện tại chỉ có phần phía Nam đảo Síp là thành viên trên thực tế của EU.

Mối quan hệ giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ trắc trở không dứt từ đấy cho dù cả đều là thành viên của NATO. Hy Lạp cũng vì chuyện đảo Síp mà luôn dọaạ sẽ dùng quyền phủ quyết để cản trở việc Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập EU. Hiện tại chưa thể biết khi nào hai miền trên đảo Síp tái thống nhất và chừng nào đảo này chưa tái thống nhất thì chừng đó sẽ chưa có chuyện quân đội Thổ Nhĩ Kỳ triệt thoái hoàn toàn ra khỏi đảo. Nói theo cách khác, mối bất hoà này giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp sẽ vẫn còn luôn thường trực.

Thứ hai, bản thân giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp cũng tồn tại cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ đối với một vài hòn đảo ở Địa Trung Hải. Cuộc tranh chấp này trở nên quyết liệt và nhạy cảm hơn khi phát hiện ra ở vùng biển tranh chấp và chồng lấn giữa Hy Lạp và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Síp có mỏ khí đốt với trữ lượng lớn.

Thổ Nhĩ Kỳ đã tiến hành thăm khoan tại đây và đã ký kết với chính phủ Libya thoả thuận hợp tác cùng khai thác. Trong khi đó, Síp, Israel và Ai Cập cũng như Síp, Hy Lạp và Italy cũng đã ký kết với nhau những thoả thuận cần thiết để hợp tác cùng khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên này. Xung khắc và cọ sát lợi ích về kinh tế khiến cho mối bất hòa trở nên thêm đối kháng và khó hóa giải.

Thứ ba, giữa Thổ Nhĩ Kỳ với Pháp và Italy lại còn có cuộc đối kháng về địa chính trị ở Libya. Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn phe chính phủ ở Libya, trong khi Pháp và Italy lại ủng hộ trực tiếp cũng như gián tiếp, cả công khai lẫn ngấm ngầm với phe chống đối chính phủ này ở Libya. LHQ đã có nghị quyết cấm vận vũ khí đối với mọi phe phái ở Libya và Pháp cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm quy định cấm vận vũ khí này.

Với việc tiến hành tập trận đồng thời như thế, hai bên không theo đuổi mục đích chuẩn bị sẵn sàng cho việc sử dụng biện pháp quân sự để đối phó và đối đầu nhau bởi cả hai đèu không dám và không thể sử dụng bất cứ biện pháp quân sự nào đối với nhau. Họ làm vậy chỉ để khẳng định chủ ý không khoan nhượng và răn đe lẫn nhau. 

NATO không thể lựa chọn ủng hộ bên nào vì tất cả đều là thành viên của liên minh. EU cũng không thể ủng hộ các thành viên của EU vì vẫn còn phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ để vượt qua không ít khó khăn và thách thức hiện đang phải trực diện. 

Mỗi phe có thế mạnh và điểm yếu khác nhau nên cái hơn hay kém lẫn nhau về thế và lực trên thực địa, về chính trị hay pháp lý quốc tế hiện đều chỉ là tương đối. Cả thời cuộc lẫn tình thế hiện tại đều không thuận lợi gì cho bất cứ vai trò hay mức độ trung gian hoà giải nào của EU hay NATO. Vì thế, chuyện đồng minh đối phó và đối đầu lẫn nhau này còn leo thang mức độ quyết liệt và vẫn còn cách xa đoạn kết.

Đọc thêm