Giả thiết gây tranh cãi về băng đảng Tiếu diện sát nhân (Tiếp theo và hết)

(PLVN) - Mặc dù các nhà thám tử đã chỉ ra những điểm hoài nghi về băng đảng giết người hàng loạt để lại ký hiệu mặt cười nhưng cảnh sát Mỹ lại bỏ qua, không điều tra. Đến nay, sát nhân giấu mặt mang tên "Tiếu diện sát nhân" vẫn đang là ẩn số.
Hình vẽ mặt cười được tìm thấy gần hiện trường các vụ đuối nước bí ẩn
Hình vẽ mặt cười được tìm thấy gần hiện trường các vụ đuối nước bí ẩn

Chỉ không lâu sau tuyên bố của Frank Gannon và Anthony Duarte về giả thuyết “Tiếu diện sát nhân”, Cục Điều tra Liên bang (FBI) đã ban hành một tuyên bố vào ngày 29/4/2008 để phủ nhận giả thuyết này.  FBI đã xem xét thông tin về các nạn nhân được cung cấp bởi hai thám tử cảnh sát đã nghỉ hưu, người đã đặt tên cho các vụ việc này là “Tiếu diện sát nhân” và phỏng vấn một vài người đã cung cấp thông tin cho các thám tử.

Theo công bố của FBI, cho tới nay chưa phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy có mối liên quan giữa những cái chết của các nạn nhân này, hoặc bất kỳ bằng chứng nào chứng minh cho giả thuyết đây là một vụ giết người hàng loạt. Phần lớn các trường hợp này dường như là những vụ chết đuối liên quan đến rượu. Ngay sau đó, các sở cảnh sát địa phương khác cũng đã đưa ra các tuyên bố tương tự. Những người theo giả thuyết về “Tiếu diện sát nhân” thì cho rằng đó là phản ứng dây chuyền để che giấu sự bất tài, thiếu trách nhiệm của cơ quan điều tra và nhằm trấn an người dân.

Hai năm sau, một trung tâm phi lợi nhuận nghiên cứu về giết người (CHR) ở thành phố Minneapolis đã phát hành một nghiên cứu toàn diện hơn mang tên “Giả thuyết ẩn sau giả thuyết về Sát nhân mặt cười”. Các nhà nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu giết người (CHR) của Mỹ đã xác định một cơ sở dữ liệu Internet trong số 40 trường hợp tử vong liên quan đến nước và đã tiếp tục thêm các trường hợp vào đó. Các nhà nghiên cứu CHR đã sử dụng dữ liệu này làm tư liệu để giúp hình thành một bài phê bình về những thiếu sót và sai lầm của giả thuyết “Tiếu diện sát nhân”.

Một số vấn đề tồn tại với giả thuyết này được các nhà nghiên cứu tại trung tâm CHR chỉ ra: Thứ nhất, vấn đề về trật tự thời gian, hình vẽ mặt cười phải được chứng minh là đã được vẽ sơn tại thời điểm nạn nhân bị giết hoặc sau đó. Tuy nhiên tại hiện trường một số vụ thì các hình vẽ mặt cười này có thể đã được vẽ từ trước đó. Hoặc có một số trường hợp thì hình vẽ xuất hiện sau thời điểm phát hiện vụ tử vong nhiều tháng, thậm chí một số vụ không hề xuất hiện các hình vẽ mặt cười. Do đó, việc xuất hiện những hình vẽ mặt cười này này có thể chỉ là sự trùng hợp.

Thứ hai, các nhà nghiên cứu chỉ ra rằng, các hình vẽ kiểu như thế có mặt khắp nơi. Smiley Faces - Biểu tượng hình mặt cười, được phát minh lần đầu tiên vào năm 1964 và kể từ đó đã lan rộng ở khắp mọi nơi. Mặt cười giờ đã trở thành một biểu tượng phổ biến thể hiện sự vui vẻ, hạnh phúc. Chúng tồn tại ở bất cứ đâu, từ nhãn dán của trẻ em đến logo thương mại. Hình vẽ này được tìm thấy ở khắp mọi nơi cũng bởi nó đơn giản và dễ vẽ nhất, đến đứa trẻ con cũng có thể vẽ được.

Thêm nữa, những người phản bác giả thuyết về “Tiếu diện sát nhân” cũng chỉ ra rằng, một người đàn ông da trắng ở độ tuổi đại học có nguy cơ say rượu cao, từ đó có thể có các hành vi nguy hiểm và dẫn đến chết đuối do tai nạn. Theo báo cáo năm 2015 của Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh của Mỹ, hai nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho nam giới da trắng dưới 44 tuổi là tai nạn và tự tử. Một số liệu khác khác cho thấy đàn ông ở độ tuổi 18-34 có tỉ lệ lạm dụng đồ uống có cồn nhiều nhất. Uống nhiều lần là phổ biến ở nam giới so với phụ nữ và rủi ro của nó bao gồm cả những thương tích không chủ ý.

Một báo cáo năm 2010 của cảnh sát ở La Crosse (Wisconsin) được một số phản đối giả thuyết về “Tiếu diện sát nhân” viện dẫn, đó là từ năm 2006 đến năm 2010, cảnh sát và lực lượng tuần tra ở thành phố La Crosse (thuộc tiểu bang Wisconsin, Hoa Kỳ) đã phải ngăn cản ít nhất 65 người say xỉn tìm cách lang thang đến gần các con sông vào buổi đêm.

Báo cáo đã đi vào chi tiết các trường hợp của 20 nạn nhân suýt chết đuối sống sót và lời khai của họ chỉ ra sự táo bạo, cố gắng tự tử và phổ biến nhất là tai nạn. Nhóm nghiên cứu của CHR đã phát hiện ra rằng dấu giày trượt là phổ biến trên các bờ sông của thành phố Minneapolis. Mặc dù vấp phải những phản đối và phủ nhận từ chính quyền nhưng giả thuyết về “Tiếu diện sát nhân” của Frank Gannon và Anthony Duarte vẫn được rất nhiều người tin tưởng.

Bởi con người luôn có bản năng hoài nghi về những điều họ không thực sự chắc chắn, hơn nữa, đó lại là một chủ để bí ẩn liên quan tới những vụ chết đuối “mù mờ” thông tin. Miễn là các vụ việc đó không xác định rõ nguyên nhân tử vong của các nạn nhân niềm tin vào giả thuyết “Tiếu diện sát nhân” sẽ vẫn còn tồn tại.

Đọc thêm