Giá trị của đồng tiền gắn liền với chung kết Champions League

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Chẳng ai thống kê được số tiền cụ thể mà những ông chủ hiện tại của Man City và Chelsea đã đổ ra kể từ khi nắm quyền, chỉ biết nó lên đến hàng tỷ Euro. Hai đội bóng được coi là bạo chi nhất của giới bóng đá hiện đại sắp chiến đấu trận cuối cùng tại chung kết cúp UEFA, đây là minh chứng cho việc vô địch cúp UEFA không thể mua được bằng tiền mà chỉ có thể mua được bằng rất nhiều tiền. 
Một trận đấu giữa Man City và Chelsea.
Một trận đấu giữa Man City và Chelsea.

Những đồng tiền tỏa sáng

Kể từ chiếc cúp vô địch Premier League ở mùa giải 2011-2012, người hâm mộ Man City đã quá quen với những danh hiệu quốc nội. Một thập kỷ qua, bao nhiêu hợp đồng bom tấn đã được ký kết, mở màn cho đó là bản hợp đồng chiêu mộ Robinnho từ Real Madrid vào năm 2008 hay Carlos Tevez một năm sau đó. Tiếp bước đến Etihad là những ngôi sao hàng đầu đến sân Etihad như Dvid Silva, Sergio Aguero, Yaya Toure… Man City chưa bao giờ ngại chi tiền, bởi hầu bao không đáy đến từ các ông chủ xứ dầu mỏ.

Tuy nhiên, ngoài những danh hiệu quốc nội, chiếc cúp châu Âu vẫn là thứ gì đó tưởng như rất xa xôi đối với Man xanh. Bởi vậy, họ không thể thoát khỏi cái mác “thiếu gia” luôn đeo đẳng. Thậm chí, Sir Alex Ferguson chỉ coi họ là một “gã hàng xóm ồn ào”, hay nhiều kẻ khác chế nhạo đội bóng chỉ là những kẻ khôn nhà dại chợ, thậm chí là đội bóng chưa bao giờ vươn đến tầm là một đội bóng lớn. 

Năm 2016 Pep Guardiola xuất hiện, để khẳng định tham vọng vươn tới danh hiệu cao quý nhất châu Âu của Man City. Nói đến Pep, chẳng ai xa lạ gì nữa. CV của ông là 2 chiếc cúp UEFA Champions League vào các mùa giải 2008-2009 và 2010-2011 cùng Barcelona. Ông cũng nổi tiếng với tư cách là người phát triển lối đá Tiki-taka của cố huyền thoại Johan Cruyff lên tầm chuẩn mực, giúp Barca thống trị châu Âu trong nhiều năm.

Chẳng ai dám nghi ngờ năng lực của Guadiola. Tuy nhiên, phải đến thời điểm này, sau 5 năm từ khi HLV người Tây Ban Nha đến, những đồng tiền của Man City mới thể hiện giá trị. Ở mùa giải này, tại Champions League, Man City đã thắng 11 trận, trở thành đội bóng Anh đầu tiên trong lịch sử thắng nhiều như thế trong một mùa ở Cúp C1/Champions League. Đội bóng cũng đã thắng 7 trận liên tiếp ở Champions League, là đội bóng Anh đầu tiên làm được điều này trong lịch sử đấu trường này. 

Guadiola và Tuchel đều là những chiến lược gia đại tài.
Guadiola và Tuchel đều là những chiến lược gia đại tài.  

Khác hẳn với hình ảnh bị coi là thiếu bản lĩnh, năm nay, hành trình tới trận chung kết Champions League của Man City là sự ổn định đến khó tin. Chưa kể, bản lĩnh của một đội bóng lớn cũng được thể hiện ở việc không ít lần họ bị dồn vào tình thế bất lợi (bị Dortmund, PSG dẫn trước), nhưng rồi sau cùng, họ vượt qua tất cả để vươn tới chiến thắng. 

Với Chelsea, thật ra, đây đã là lần thứ 3 họ được chơi ở trận chung kết Champions League và một lần đăng quang mùa giải 2011-2012. Tuy nhiên, nếu nhìn lại cả mùa giải này, khi ông chủ Abramovic không tiếc hầu bao đầu tư vào những bản hợp đồng chất lượng thì việc vào đến trận đấu cuối cùng của “the Blue” cũng thể hiện sự hiệu quả của những đồng Euro. 

Đầu mùa giải, dù đầu tư hàng trăm triệu Euro cho các bản hợp đồng như Timo Werner, Kai Havertz… nhưng có vẻ như HLV Lampard đã thật sự lạc lối khi không thể kết nối các ngôi sao. Chiến lược gia người Anh thể hiện sự non yếu về kinh nghiệm, cuối cùng, chủ tịch Abramovic không còn kiên nhẫn được nữa. Cái tên Thomas Tuchel được đưa về sân Stamford Bridge, ông thầy người Đức đã thay đổi tất cả. Chỉ cần 100 ngày, Tuchel đã đưa Chelsea vào chung kết FA Cup, gần như chắc suất vào top 4 ở Premier League và có mặt ở Istanbul dự trận chung kết Champions League. 

Dưới thời Lampard, Chelsea bị thủng lưới 23 lần sau 19 trận tại Premier League, trong khi 24 trận đầu tiên của Tuchel, đội bóng giữ sạch lưới đến 18 trận. Điều đó cho thấy hàng thủ đã được gia cố một cách triệt để. Sự chắc chắn, an toàn ở tuyến dưới đã trở thành nền tảng cho sự lột xác mạnh mẽ của Chelsea dưới thời Tuchel. Ngay phía trên là hàng tiền vệ ổn định, với N’Golo Kanté trở lại cùng phong độ xuất sắc nhất của mình.

Trên mặt trận tấn công, Chelsea đã cho thấy khả năng tổ chức của mình với những pha phối hợp đẹp mắt. Khi Kai Havertz dần thể hiện được giá trị, Mason Mount vẫn hay như thường lệ, Werner dù thi thoảng vẫn vô duyên, nhưng cũng có những đóng góp không hề nhỏ, Christian Pulisic vào sân là gây ấn tượng thì hiệu quả thể hiện rõ là điều đương nhiên.

Lần đầu cho Man City hay lần 2 cho Chelsea?

Một điều thú vị là giữa tuần, Man City và Chelsea cùng dắt tay nhau vào chơi trận chung kết UEFA Champions League thì chỉ mấy ngày sau đó, họ lại gặp nhau tại Ngoại hạng Anh trong trận cầu tại vòng 35. Nhiều người gọi vui đây là trận “chung kết nháp” của Champions League. Điều đáng nói, nếu thắng trận đấu này, Man City sẽ đăng quang tại Champions League.

Tuy nhiên, cuối cùng Chelsea lại giành chiến thắng dù họ bị dẫn trước. Guardiola thể hiện sự chán nản thấy rõ, bởi họ sẽ bị lùi thời điểm đăng quang thêm ít nhất 1 vòng đấu nữa. Chelsea cũng cho thấy họ sẽ là “kỳ đà cản mũi” cho thành công của đội bóng thành Manchester bởi cách đây không lâu, cũng chính họ loại Man xanh ra khỏi FA Cup ở trận bán kết. 

Điều thú vị nhất liên quan đến Chelsea là trong cả 3 lần vào chung kết Champions League, họ đều thay tướng ở giữa mùa giải. Cụ thể, mùa giải 2007-2008, sau những sự chuệch choạc của Mourinho, Abramovic ngay lập tức đưa Avram Grant, một người còn vô danh lên nắm quyền. Grant đưa Chelsea đến trận chung kết, nhưng đáng buồn thay, họ thua Man United ở trận chung kết với cú sút penalty bị trượt chân đi vào lịch sử của John Terry. 

Lần thứ 2, ở mùa giải 2011-2012, với thành tích quá nghèo nàn, Villas Boas phải ra đi, nhường chỗ cho một người còn rất ít kinh nghiệm trên băng ghế huấn luyện là Roberto Di Matteo. Ấy vậy mà Di Matteo đã làm nên điều không tưởng khi giành chiến thắng trước Bayern Munich để đưa Chelsea lên đỉnh châu Âu lần đầu và cũng là duy nhất cho đến nay trong lịch sử. 

Ở lần 3 này, Thomas Tuchel tiếp quản đội bóng rệu rã từ tay Frank Lampard và Chelsea băng băng tiến vào trận chung kết Champions League. Một số người mê tín, thích sự so sánh chỉ ra rằng Chelsea mùa này có cái gì đó giống với Chelsea mùa giải 2011/2012. Giống ở chỗ họ đều dẫn đầu tại vòng bảng, cùng thắng đội Bồ Đào Nha tại tứ kết (Benfica mùa 2011/12 và Porto mùa này), thắng đội Tây Ban Nha ở bán kết (Barcelona mùa 2011/12 và Real Madrid mùa này).

Thậm chí, không ít người còn nói vui, cả hai thời điểm, họ đều có một “chân gỗ” là Fernando Torres mùa 2011-2012 và Timo Werner mùa này. Thêm một điều thú vị, cả hai “chân gỗ” đều góp công vào chiến thắng ở các trận bán kết lượt về với một bàn thắng ghi được. Tuchel đang thể hiện sự xuất sắc trên băng ghế huấn luyện, Chelsea đang mơ về lần thứ 2 đăng quang tại châu Âu.

Tuy nhiên, kẻ ngáng đường của Tuchel lại là một tay đáng gờm không kém, Guardiola. Khi Pep chưa bao giờ biết mùi thất bại tại chung kết Champions League. Thêm nữa, cả 2 chiến thắng của ông thầy người Tây Ban Nha tại chung kết giải đấu này đều trước các đội bóng Anh (Man United). Tuy nhiên, lần này có chút khác, khi Pep cầm một đội bóng Anh để chiến đấu với một đội bóng Anh khác.

Man City cũng như Chelsea cách đây chục năm, chiến đấu “khô máu” trong trận chung kết không với mục đích gì khác ngoài tìm sự khẳng định. Ông chủ, huấn luyện viên, cầu thủ và tất nhiên rồi, khán giả đều mong chờ khoảnh khắc Man City đánh bại Chelsea ở trận chng kết sắp tới. Chỉ có chiến thắng họ mới trở thành quyền lực số 1 tại châu Âu, xóa tan những định kiến về một đội bóng “khôn nhà dại chợ”. Hơn 1 tỷ Euro đã đổ ra rồi, giờ là lúc để nghĩ về cái lần đầu tiên đấy. Nhưng đừng quên, Chelsea cũng đang khao khát cho lần thứ 2. 

Đọc thêm