Giới siêu giàu Mỹ đổ xô chi tiền mua trực thăng, hầm ngầm trốn dịch Covid-19

(PLVN) - Khi đại dịch Covid-19 bùng nổ mạnh mẽ ở Mỹ, người dân nước này đua nhau tích trữ nhu yếu phẩm, từ giấy vệ sinh, thực phẩm, súng đạn… Trong khi đó, giới nhà giàu lại nghĩ ra những biện pháp tránh dịch khá độc mà ít người thực hiện được. 
Nội thất chuẩn 5 sao trong một căn hầm trú ẩn tránh Covid-19 của giới siêu giàu ở Mỹ.
Nội thất chuẩn 5 sao trong một căn hầm trú ẩn tránh Covid-19 của giới siêu giàu ở Mỹ.

Trốn dịch trong hầm trú ẩn 

Khi bệnh dịch gia tăng ở Mỹ, các chuỗi cung ứng hàng hóa bắt đầu sụp đổ. Hàng triệu người Mỹ mất việc làm. Các cửa hàng tạp hóa hết thức ăn. Với cặp vợ chồng đã gần đến tuổi nghỉ hưu Tom và Mary, thực tế đó giống hệt như ngày tận thế mà họ từng mường tượng. 

Không ngồi im chịu trận, cặp vợ chồng chất đồ đạc lên xe và lái một mạch 19 giờ đồng hồ đến bang nam Dakota. Tại đó, họ dừng chân ở một hầm trú ẩn đề phòng ngày tận thế ở Vivos xPoint – khu vực trước kia là một cơ sở quân sự bị bỏ hoang nhưng gần đây đã được nhiều người đến đây sinh sống, lấp đầy thành khu dân cư.

Những dải đất bằng phẳng ở khu vực đó chạy xa tới hàng cây số, tỏa ra tất cả các hướng và được kết nối với nhau bằng một con đường do tư nhân làm dài tới 160km. Vivos xPoint là sản phẩm của Tập đoàn Vivos. 

Những căn hầm trú ẩn được thiết kế ngầm dưới lòng đất.
 Những căn hầm trú ẩn được thiết kế ngầm dưới lòng đất. 

Dọc theo đường chân trời, người ta có thể thấy những cánh cửa thép nằm nhô lên so với thảm cỏ xanh, cho thấy lối vào các hầm trú ẩn. Nơi này nhìn giống như một trang trại bị bỏ hoang và thực tế, vùng đất này đã từng bị bỏ hoang suốt một thời gian dài, cho tới khi một trùm bất động sản mua lại nó với giá 1 USD và xây dựng nơi đây thành một khu vực đặc biệt. 

Giám đốc điều hành Vivos Robert Vicino đã nảy ra ý tưởng thành lập khu hầm ngầm trú ẩn thảm họa Vivos cách đây 4 thập kỷ. Khi ấy, ông ta nghe thấy một giọng nói của phụ nữ vang lên trong đầu rằng ông ta phải xây những hầm trú ẩn nằm sâu dưới lòng đất để những người sống sót sau một thảm họa nào đó có nơi lánh nạn. Vicino nói rằng ông ta đã nung nấu ý tưởng trên tới tận năm 2008 mới bắt đầu triển khai xây dựng. 

Vivos có các khu hầm sinh tồn ở South Dakota và ở Indiana. Những chiếc hầm như vậy tại Mỹ có giá cho thuê khoảng 35.000 USD mỗi căn trong vòng 99 năm. Tuy nhiên, tại châu Âu, khách hàng của công ty lại là những gia đình giàu có, với giá của mỗi căn hầm được họ quảng cáo là “giải pháp bảo hiểm sinh mạng tối thượng” như vậy lên tới 2 triệu USD. 

Nhiều hòn đảo thiên đường cũng được giới siêu giàu mua trọn gói để tránh dịch Covid-19.
Nhiều hòn đảo thiên đường cũng được giới siêu giàu mua trọn gói để tránh dịch Covid-19.  

Dù Vivos quảng cáo họ là doanh nghiệp bán hầm sinh tồn xa xỉ nhưng CEO của hãng Vicino cho biết, phần lớn khách hàng của ông là người thuộc tầng lớp trung lưu – những người mà ông ta mô tả là “bình thường, có học thức, nhạy bén về các sự kiện đang diễn ra trên toàn cầu và nhận thức tốt về trách nhiệm, biết rằng họ phải quan tâm, bảo vệ gia đình trong trường hợp xảy ra thảm họa”. Khách hàng khi mua các hầm ngầm của công ty sẽ được bàn giao một chiếc hầm với cửa thép chống phá và không gian “thô” bên trong, để cho họ mặc sức tự hoàn thiện công trình theo ý thích của mình. 

Vicino cho biết, dịch Covid-19 đã khiến thị trường bất động sản đóng băng nhưng nhu cầu mua hầm sinh tồn lại trở nên cao chưa từng thấy. Trước đây, những căn hầm kiểu này thường chỉ thu hút sự quan tâm của cộng đồng rất nhỏ những người luôn có tư tưởng phải chuẩn bị ho các kịch bản xấu nhất, bao gồm cả ngày tận thế. 

Tuy nhiên, khi dịch bệnh xảy ra, nhiều người bình thường dường như đã suy nghĩ lại và chuyển sang coi hầm ngầm là lựa chọn an toàn bậc nhất. Tại xPoint, Vivos chỉ trong 1 thời gian ngắn đã bán đc hơn 50 hầm sinh tồn và đã xây thêm 500 công trình khác chờ người mua. Trung bình mỗi ngày công ty bán được 1 chiếc hầm như vậy. 

Thuê máy bay riêng, du thuyền để tránh dịch

Công ty Rising S Bunkers có trụ sở tại Texas, Mỹ cũng cho hay, sau khi dịch bệnh bùng phát mạnh tại Mỹ, điện thoại của họ đã reo đến cháy máy vì những cuộc gọi hỏi thăm. Những căn hầm mà Rising S Bunkers cung cấp được gọi là Aristocrat, bao gồm phòng tập thể dục, phòng tắm hơi, bể bơi, bể sục, vườn nhà kính và nhà để xe. Giá của một căn hầm như vậy lên tới 8,35 triệu USD. 

Cùng với đó, “trong vài tuần qua đã có sự gia tăng nhu cầu thuê máy bay riêng ngắn hạn do dịch Covid-19”, ông Adam Twidell - Giám đốc điều hành dịch vụ đặt vé máy bay riêng Private¬Fly - cho biết hồi đầu tháng 3 vừa qua. Theo ông này, nhiều người trong số những khách hàng tìm đến công ty để thuê máy bay riêng là những hành khách cao tuổi hoặc những người có vấn đề về sức khỏe khiến họ đặc biệt lo lắng về việc tiếp xúc với đám đông trên các chuyến bay của hãng hàng không. 

Nhiều khách hàng giàu có khác thuê các chuyến bay khỏi các vùng có dịch để tránh nguy cơ bị cách ly. Ngoài ra, với những người không đủ khả năng để thuê máy bay riêng, họ cũng bỏ tiền để được tiếp cận các phòng chờ của sân bay tư nhân để tránh nguy cơ tương tác với số lượng lớn hành khách. 

Ví dụ, tại các nhà ga tư nhân, hành khách sẽ được chào đón và được cung cấp các quy trình riêng. Việc kàm thủ tục, hải quan và an ninh đều được thực hiện riêng tư và khách sau đó được đưa đến cửa máy bay. Họ có thể yêu cầu cầu sắp xếp để có thể giảm thiểu các tương tác với các hành khách khác trên đường đến chỗ ngồi của họ. 

Nhiều người khác chọn thuê cả khách sạn hoặc khu nghỉ dưỡng để tránh xa các thành phố đông đúc để tránh bị lây nhiễm. “Đang có xu hướng đi du lịch cả gia đình và chỗ chúng tôi là một trong những lựa chọn”, quản lý khu nghỉ dưỡng Stephen Benson cho biết. 

Khu nghỉ dưỡng này mở cửa vào năm ngoái và hiện đang tiếp nhận khách đặt cả khu với giá 38.000 USD (tương đương khoảng 897 triệu đồng)/ngày. Khách sạn Cape Arundel ở Maine cũng rao cho thuê với mức giá 19.500 USD cho toàn bộ khách sạn với 14 phòng hướng nhìn ra biển, có người dọn phòng hàng tuần và các bữa ăn trong 1 tuần. Một số gia đình giàu có ở Mỹ còn thuê cả một khu vực lớn hoặc một thị trấn ở nông thôn để tránh dịch Covid-19. 

Trùm truyền thông Mỹ David Geffen vào cuối tháng 3 vừa qua cũng đã khiến dư luận phẫn nộ khi đăng trên tài khoản Instagram cá nhân bức ảnh một chiếc du thuyền khổng lồ đang bơi trong vùng nước yên tĩnh ngoài khơi các đảo ở Caribbean. “Hoàng hôn đêm qua... cách ly ở Grenadines để tránh virus. Tôi hy vọng mọi người đều an toàn”, Gef¬fen viết. Bức ảnh cùng dòng chú thích của Geffen khiến dư luận bất bình bởi nó xoáy sâu vào sự bất bình đẳng giữa người giàu và người nghèo, khi người nghèo phải chật tìm sinh kế trong lúc dịch bệnh thì những người giàu vẫn có thể ung dung bảo vệ bản thân họ theo những cách vô cùng dễ chịu. 

Còn tại châu Á, tờ SCMP dẫn thông tin từ các đại lý trung gian về môi giới mua bán đảo cho biết, giới siêu giàu tại đây lại để mắt đến việc mua đảo riêng để tránh dịch bệnh. Ông Edward de Mallet Morgan - một người môi giới mua bán đảo - cho biết, mối quan tâm của các khách hàng tiềm năng với việc mua đảo đã tăng đáng kể từ khi dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở thành phố Vũ Hán của tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc cuối năm ngoái. 

“Với nhiều người mua châu Á, mua đảo riêng đồng nghĩa với việc họ có thể tận hưởng môi trường không ô nhiễm và trong lành nhất có thể”, ông Morgan cho hay. 

Ông Chris Krolow - Giám đốc điều hành của Công ty Private Islands của Canada - cũng cho hay, nhu cầu mua đảo riêng đã gia tăng trong những tháng qua, đặc biệt với những hòn đảo ở vùng Caribbean và Trung Mỹ. “Người mua châu Á là những nhà đầu tư thận trọng, họ đang tìm kiếm một nơi để ẩn náu cũng như cơ hội để thu hồi lợi nhuận trong tương lai. Hòn đảo là nơi họ có thể phát triển hoặc bán lại”, ông này cho biết.

Đọc thêm