Hé lộ “hồ sơ mật” những ngày đầu dịch tại Vũ Hán

(PLVN) - Theo CNN, tài liệu rò rỉ từ giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc tiết lộ những góc khuất trong giai đoạn bùng phát ổ dịch Covid-19 đầu tiên trên thế giới. Báo cáo rò rỉ này được đánh dấu “nội bộ, tuyệt đối giữ kín”.
Theo CNN chỉ 2/3 số ca nhiễm mới trong ngày 10/2/2020 tại Hồ Bắc (Trung Quốc) được công bố.
Theo CNN chỉ 2/3 số ca nhiễm mới trong ngày 10/2/2020 tại Hồ Bắc (Trung Quốc) được công bố.

Rò rỉ 177 trang tài liệu từ Hồ Bắc

Tài liệu cho thấy giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc ghi nhận tổng cộng 5.918 ca nhiễm Covid-19 mới chỉ trong ngày 10/2, gấp đôi con số 2.478 mà chính quyền Trung Quốc công bố.Cũng theo tài liệu trên, tổng số người chết vì Covid-19 ở tỉnh Hồ Bắc từ khi bùng dịch đến ngày 7/3 là 3.456 - cao hơn hẳn so với mức 2.986 ca tử vong mà giới chức y tế Trung Quốc tuyên bố.

Hồ sơ nói trên nằm trong số 177 trang tài liệu rò rỉ từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh tỉnh Hồ Bắc, được xác minh bởi 6 chuyên gia thẩm định độc lập và công bố bởi CNN. Người tố giác yêu cầu giữ kín danh tính để đảm bảo an toàn cá nhân.Tập “hồ sơ Vũ Hán” rò rỉ trong bối cảnh Mỹ và nhiều nước phương Tây đang áp lực yêu cầu Trung Quốc tiết lộ thông tin đầy đủ với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) để nghiên cứu về nguồn gốc chủng virus đã lây nhiễm cho gần 65 triệu người với 1,5 triệu ca tử vong trên toàn thế giới.

Đến nay, khả năng tiếp cận của các chuyên gia y tế thế giới đối với cơ sở dữ liệu thô về diễn biến dịch thời điểm mới bùng phát ở tỉnh Hồ Bắc vẫn còn hạn chế, dù giới chức Trung Quốc nhiều lần cam kết sẽ cho phép các điều tra viên tiếp cận thực địa tâm dịch.Từ khi dịch Covid-19 bùng phát tại thành phố Vũ Hán - thủ phủ của tỉnh Hồ Bắc, chính quyền Bắc Kinh đã một mực bác bỏ các cáo buộc từ phía Mỹ và một số nước phương Tây rằng thông tin chi tiết về đại dịch đã bị che giấu và giảm nhẹ.

Số tài liệu nói trên ghi lại một số diễn biến nổi bật của quá trình bùng dịch trong 6 tháng, bắt đầu từ tháng 4/2019.Hồ sơ này phản ánh sự thiếu linh hoạt, tính chất quan liêu và khả năng hạn chế trong việc phản ứng với đại dịch của giới chức Trung Quốc, CNN nhận định.

Trong đó, việc chẩn đoán các bệnh nhân tại Vũ Hán có dấu hiệu viêm phổi cấp được cho là tốn quá nhiều thời gian và cho ra kết quả chưa chính xác.Ngay cả khi các nhà chức trách tỉnh Hồ Bắc khẳng định với công chúng rằng quy trình xử lý dịch được thực hiện một cách hiệu quả và minh bạch, các tài liệu rò rỉ đã chứng minh điều ngược lại.

Một ghi chép vào đầu tháng 3 cho biết thời gian trung bình từ lúc một bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng phơi nhiễm chủng virus “lạ” cho đến khi được xác định viêm phổi cấp lên đến 23,3 ngày.Nhiều chuyên gia y tế cho rằng việc quá trình chẩn đoán bệnh kéo dài đã cản trở công tác thăm khám và điều trị sau đó.

“Rõ ràng là họ (giới chức y tế Trung Quốc-PV) đã mắc sai lầm”, chuyên viên Yanzhong Huang tại Hội đồng Quan hệ Đối ngoại (CFR) nhận định. Tuy nhiên, ông Huang cũng nói thêm rằng nhiều khả năng tình trạng sai lệch trong các bản báo cáo xuất phát từ bộ tiêu chí đo lường số ca nhiễm khắt khe của giới chức y tế tỉnh Hồ Bắc.

Theo đó, một số bệnh nhân thuộc diện “nghi vấn” dương tính với SARS-CoV-2. Các quan chức y tế không gộp các trường hợp này vào tổng số ca nhiễm Covid-19 được ghi nhận, do đó gây ra sự chênh lệch trong các tài liệu nội bộ và báo cáo công khai.“Tình trạng này phản ánh sự hỗn loạn, phức tạp và khó lường của tình hình dịch bệnh thời điểm đó”, ông Huang nhận xét.

Giám đốc Chương trình nghiên cứu Trung Quốc Andrew Mertha tại Đại học John Hopkins cho rằng giới chức Vũ Hán đã cố tình công bố số ca nhiễm ở mức thấp nhất có thể để che đậy những vấn đề về sự thiếu chuẩn bị và thiếu hụt kinh phí của các cơ sở y tế địa phương.Ông Mertha cũng cho rằng sự chênh lệch giữa số trường hợp tử vong ghi nhận trong tài liệu nội bố và số liệu được công bố phản ánh sự thiếu minh bạch.

“Trung Quốc cần bảo vệ hình ảnh của họ trên trường quốc tế. Các quan chức địa phương hiểu điều này, do đó có động cơ để giảm nhẹ mức độ nghiêm trọng của diễn biến dịch”, giáo sư Mertha nhận định. Hiện Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc và Ủy ban Y tế tỉnh Hồ Bắc đều từ chối bình luận về số tài liệu rò rỉ nói trên.

Đại dịch “chết chóc” kéo dài cả năm 2020 và chưa có dấu hiệu chấm dứt

Đại dịch Covid-19  là một đại dịch bệnh truyền nhiễm với tác nhân là virus SARS-CoV-2, đang diễn ra trên phạm vi toàn cầu. Khởi nguồn vào cuối tháng 12/2019 với tâm dịch đầu tiên được ghi nhận tại thành phố Vũ Hán thuộc miền Trung Trung Quốc, bắt nguồn từ một nhóm người mắc viêm phổi không rõ nguyên nhân (với các triệu chứng đầu tiên xuất hiện khoảng hơn ba tuần trước đó - ngày 8/12/2019). 

Giới chức y tế địa phương xác nhận rằng trước đó họ đã từng tiếp xúc, chủ yếu với những thương nhân buôn bán và làm việc tại chợ bán buôn hải sản Hoa Nam. Các nhà khoa học Trung Quốc đã tiến hành nghiên cứu và phân lập được một chủng coronavirus mới, được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lúc đó tạm thời gọi là 2019-nCoV, có trình tự gen giống với SARS-CoV trước đây với mức tương đồng lên tới 79,5%.

Các ca nghi nhiễm đầu tiên ở Vũ Hán được báo cáo vào ngày 31/12/2019. Trường hợp tử vong do SARS-CoV-2 đầu tiên xảy ra ở Vũ Hán vào ngày 9/1/2020. Thống kê mới nhất cho thấy, số ca tử vong trên toàn cầu do hoặc có liên quan tới Covid-19 đã hơn 1,5 triệu người.

Các ca nhiễm virus đầu tiên được xác nhận bên ngoài Trung Quốc bao gồm hai người phụ nữ ở Thái Lan và một người đàn ông ở Nhật Bản. Sự lây nhiễm virus từ người sang người đã được xác nhận cùng với tỷ lệ bùng phát dịch tăng nhanh vào giữa tháng 1/2020.

Ngày 23/1/2020, Trung Quốc quyết định phong tỏa Vũ Hán, toàn bộ hệ thống giao thông công cộng và hoạt động xuất - nhập khẩu đều bị tạm ngưng. Ngày 11/3/2020, WHO ra tuyên bố gọi "Covid-19" là "Đại dịch toàn cầu” trong bối cảnh số ca nhiễm trên toàn cầu khi ấy vượt mốc 126.000 và dịch đã lan ra 123 quốc gia, vùng lãnh thổ.

Chính phủ các quốc gia trên thế giới đã có nhiều phản ứng nhằm bảo vệ sức khỏe người dân cũng như các nhóm cộng đồng trên toàn cầu, bao gồm: hạn chế đi lại, phong tỏa kiểm dịch, ban bố tình trạng khẩn cấp, sử dụng lệnh giới nghiêm, tiến hành cách ly xã hội, hủy bỏ các sự kiện đông người, đóng cửa trường học và những cơ sở dịch vụ, kinh doanh ít quan trọng, khuyến khích người dân tự nâng cao ý thức phòng bệnh, đeo khẩu trang, hạn chế ra ngoài khi không cần thiết, đồng thời chuyển đổi mô hình hoạt động kinh doanh, học tập, làm việc từ truyền thống sang trực tuyến. 

Một số ví dụ tiêu biểu có thể kể đến như: phong tỏa để kiểm dịch toàn bộ tại Ý và tỉnh Hồ Bắc của Trung Quốc; các biện pháp giới nghiêm khác nhau ở Trung Quốc và Hàn Quốc; phương pháp sàng lọc tại các sân bay và nhà ga; hạn chế hoặc hủy bỏ các hoạt động du lịch tới những khu vực, vùng, quốc gia có nguy cơ nhiễm dịch bệnh ở mức cao. Ngoài ra, các trường học cũng đã phải đóng cửa trên toàn quốc hoặc ở một số vùng tại hơn 160 quốc gia, ảnh hưởng đến 87% học sinh, sinh viên trên toàn thế giới.

Những ảnh hưởng trên toàn thế giới của đại dịch Covid-19 bao gồm: thiệt hại sinh mạng con người, sự bất ổn về kinh tế và xã hội, tình trạng bài ngoại và phân biệt chủng tộc đối với người gốc Trung Quốc và Đông Á, việc truyền bá thông tin sai lệch trực tuyến và thuyết âm mưu về virus. Đáng buồn là trong suốt 1 năm hoành hành, đến nay đại dịch Covid-19 vẫn chưa có dấu hiệu chững lại mà còn tiếp tục diễn biến phức tạp hơn bởi châu Âu bước vào mùa Đông khắc nghiệt.

Đọc thêm