Hé lộ kế hoạch nổ bom hạt nhân trên Mặt Trăng của Mỹ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Kích nổ vũ khí nhiệt hạch trên Mặt Trăng nghe có vẻ giống như một kế hoạch kỳ quái của một nhân vật phản diện trong truyện tranh nhưng vào năm 1958, khi cuộc chạy đua vào không gian thời Chiến tranh Lạnh đang nóng lên, Không quân Mỹ đã thực hiện một nỗ lực như vậy, được gọi là Dự án A119.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Kế hoạch của sự tuyệt vọng

Vào cuối những năm 1950, sự ngờ vực và mất lòng tin ở cả hai phía của Bức màn sắt đã lên đến đỉnh điểm. Đó cũng là thời điểm mà Mỹ và Liên Xô cạnh tranh gay gắt để giành vị thế siêu cường số 1 trên toàn cầu. Cuộc cạnh tranh chuyển sang cao độ vào năm 1957, khi Liên Xô phóng vệ tinh Sputnik lên quỹ đạo Trái Đất, trở thành vệ tinh nhân tạo đầu tiên của thế giới làm nhiệm vụ như vậy. Sự kiện này không chỉ là một thành tựu công nghệ tuyệt vời mà còn được coi là biểu tượng cho sự vượt trội của Nga. 

Lầu Năm Góc và các nhà hoạch định chính sách trở nên rối bời, lo ngại. Với họ, nước Mỹ đang chậm chân so với Liên Xô trong cuộc đua không gian. Cảm giác bị đe dọa của người Mỹ càng tăng thêm bởi thực tế vệ tinh Sputnik đã được phóng lên quỹ đạo trên một tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Người Mỹ cần một dấu hiệu trấn an rằng Liên Xô không có thế thượng phong lâu dài và viễn cảnh tên lửa hạt nhân của Liên Xô dội xuống đất Mỹ sẽ không xảy ra sau sự kiện Sputnik, đồng thời cũng là để cho thế giới thấy rằng họ là người đứng đầu trong cuộc đua. Để làm được điều đó, họ cần một thứ gì đó lớn lao - như tác động lên mặt Trăng.

Trong hoàn cảnh đó, Dự án A119 đã ra đời. Điểm cốt lõi của dự án này là kế hoạch cho nổ bom hạt nhân ở MặtTrăng. Đây là “sản phẩm” của Tổ chức Nghiên cứu Quân sự (ARF) - hiện nay là Học viện Công nghệ Illinois. Ý tưởng đằng sau dự án đầy tham vọng này đơn giản là để tạo ra một vụ nổ và đám mây kinh hoàng trên Mặt Trăng đủ để khiến cho con người dù sống ở đâu trên Trái Đất cũng đều nhận thấy, từ đó khẳng định sức mạnh quân sự và công nghệ của Mỹ.

Khía cạnh phụ của dự án là cung cấp những hiểu biết sâu sắc về cấu trúc địa chất của bề mặt Mặt Trăng.Ngoài ra, vụ nổ cũng là cơ hội để các nhà khoa học và quân đội Mỹ hiểu rõ hơn về tính hiệu quả của vũ khí hạt nhân trong không gian. Có một số ý kiến cho biết, một số thành viên trong dự án tham gia bởi họ muốnxem xem liệu một vụ nổ như vậy có thể phát hiện ra các dấu hiệu của các dạng sống chưa biết bên dưới lớp vỏ Mặt Trăng hay không.

Người phụ trách dự án này là một nhà vật lý tên là Leonard Reiffel, người sau này trở thành phó giám đốc của Chương trình Apollo tại NASA.“Không quân Mỹ muốn thực hiện một vụ nổ bất ngờ, vừa lấy lòng người dân trong nước, vừa tạo ưu thế tốt hơn trong cuộc Chiến tranh Lạnh với Nga.Mỹ muốn thực hiện vụ nổ để tạo ra đám mây hình nấm lớn đến mức có thể nhìn thấy từ Trái Đất. Bởi khi đó, Mỹ đang tụt hậu trong cuộc đua không gian với Nga”, ông Reiffel từng xác nhận.

Kế hoạch “chết yểu”

Tuy nhiên, Bộ Tư lệnh Không quân Mỹ đã quyết định hủy đề án này mà không đưa ra bất kỳ lý do nào. Tiến sĩ Houghton (người phụ trách Bảo tàng Gián điệp Quốc tế ở Washington)khi đưa ra những phát hiện ban đầu về dự án vào tháng 6/1959 cho hay, chi phí là một trong những lý do chính khiến dự án bị hủy bỏ. Tuy nhiên, ông này cũng cho hay, cũng có những lo ngại về việc làm hỏng cảnh quan Mặt Trăng. 

Các nhà nghiên cứu khác cho rằng, có thể do Washington lo ngại phá vỡ tính toàn vẹn của Mặt Trăng, ít nhất sẽ dẫn đến sự mất ổn định của chu kỳ thủy triều lên xuống trên Trái Đất. Cũng có một luồng ý kiến phân tích, trở ngại lớn nhất trong việc triển khai ý tưởng này là thách thức trong việc tạo ra một tên lửa đủ lớn để đưa một quả bom hydro khổng lồ trong quãng đường dài về phía bề mặt mặt Trăng.

Nhà thiên văn học Carl Sagan - một thành viên từng tham gia dự án là người đã vô tình tiết lộ bí mật của đề án này.Năm 1959, Sagan khi đó là sinh viên mới tốt nghiệp với mục tiêu đặt chân đến Đại học California (UC), Berkeley, Mỹ. Trong đơn xin học bổng vào Viện Miller của UC, Sagan tiết lộ một số công việc đã làm cho ARF, trong đó có báo cáo có tựa đề “Những đóng góp cho vụ nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng”. Báo cáo đã đưa ra các tính toán về vụ nổ như vậy, bao gồm hậu quả ô nhiễm phóng xạ... Một số ý kiến cho biết, Sagan muốn “khoe” công việc trong các dự án tuyệt mật như vậy để có cơ hội nhận được học bổng. 

Lầu Năm Góc cho đến nay vẫn chưa đưa ra bình luận về vụ việc trên. Nhưng các kế hoạch cho nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng thời Chiến tranh Lạnh và nhiều báo cáo vào thời điểm đó đã bị hủy. Rất may, dự án chỉ nằm trên giấy. Và Mỹ quyết định rằng, không cần cho nổ bom hạt nhân trên đó mà chỉ cần đưa người lên Mặt Trăng.

Kế hoạch tương tự của Nga

Đáng ngạc nhiên là Mỹ không phải là quốc gia duy nhất có kế hoạch “điên rồ” để chứng tỏ là quốc gia đầu tiên chinh phục Mặt Trăng.Các tài liệu được giải mật cho thấy, năm 1958, sau thành công của vệ tinh Sputnik, hai nhà khoa học người Liên Xô là Sergei Pavlovich Korolev và Mstislav Vsyevolodovich Keldysh cũng đã đề xuất một loạt kế hoạch táo bạo để đánh dấu ấn Liên Xô ở Mặt Trăng và cho thế giới biết người Liên Xô đã ở đó. Kế hoạch được đặt tên là Dự án E, trong đó E-1 nhắm mục tiêu đưa tàu vũ trụ lên Mặt Trăng. E-2 và E-3 là các dự án khám phá Mặt Trăng và chụp ảnh bề mặt của nó. E-4 là kế hoạch kích nổ hạt nhân trên bề mặt Mặt Trăng.

Trên Reuters vào năm 1999, kỹ sư tên lửa nổi tiếng người Nga Boris Chertok đã tiết lộ về dự án E-4 như sau:“Năm 1958, chúng tôi có kế hoạch cho nổ bom hạt nhân ở Mặt Trăng để các nhà thiên văn học trên khắp thế giới có thể chụp ảnh vụ nổ. Bằng cách đó, không ai có thể nghi ngờ việc Liên Xô đã chinh phục được Mặt Trăng. Song, ý tưởng này đã bị bác bỏ khi các nhà vật lý cho rằng rất khó để chụp ảnh vì vụ nổ sẽ không tạo ra một đám mây hình nấm như trên Trái Đất và tia sáng vụ nổ sẽ tồn tại rất ngắn vì trên Mặt Trăng không có khí quyển.Nhờ vậy mà thiên thể này vẫn giữ được nguyên vẹn cho đến nay”.

Đến năm 1969, Mỹ đã đưa các phi hành gia đổ bộ lên Mặt Trăng, đáp trả những thành công trước đó của Liên Xô trong công cuộc chinh phục vũ trụ như lần đầu tiên đưa thành công động vật vào không gian (chó Laika), phóng thành công vệ tinh nhân tạo lên quỹ đạo và Gagarin là người đầu tiên bay vào vũ trụ.

Đọc thêm