Hội chứng "nghiện dao kéo” của các cô gái Trung Quốc

(PLVN) - Trung Quốc hiện được xem là thị trường tiềm năng cho ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Xu hướng trẻ hóa, kỳ vọng nhiều vào ngoại hình cùng với sự phát triển của những ứng dụng phẫu thuật thẩm mỹ càng khiến việc dao kéo trở nên phổ biến hơn ở quốc gia tỉ dân này. 
Một cô gái trẻ vừa trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Bắc Kinh.
Một cô gái trẻ vừa trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ ở Bắc Kinh.

“Không đủ đẹp”

Wu Xiaochen kể lại rằng cô đã trải qua ca phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên vào năm 14 tuổi. Khi đó, cô đã được mẹ cho tiền để phẫu thuật hút mỡ ở đùi. Lớn lên trong một gia đình trung lưu ở Thẩm Dương - một thành phố công nghiệp lớn nằm ở phía Đông Bắc Trung Quốc, khi còn là một thiếu niên, Wu đã theo đuổi nghệ thuật và mơ ước được trở nên nổi tiếng. Cô luôn muốn được trở thành một nữ diễn viên hoặc một người mẫu. 

Tuy nhiên, Wu lại cảm thấy mình chưa đủ độ xinh đẹp và không hài lòng về đôi mắt nhỏ cũng như khuôn mặt bầu bĩnh của mình. Vào thời điểm đó, Wu được chẩn đoán mắc một bệnh tự miễn dịch buộc phải dùng glucocorticoid - một loại hormone steroid. “Tôi đã tăng cân rất nhiều và luôn cảm thấy khó chịu trên da”, cô Wu - hiện là một người mẫu kiêm doanh nhân 30 tuổi đang sống ở Bắc Kinh – kể lại. 

Sau ca phẫu thuật, Wu cho hay cô cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Cô đã đi hút mỡ trên mặt để có một khuôn mặt thon gọn hơn rồi tiếp tục phẫu thuật tạo đường nét trên khuôn mặt, cấy thêm silicone vào xương gò má để có được một vẻ ngoài góc cạnh hơn. 

Đến năm 16 tuổi, Wu tiếp tục nâng mũi để làm cho mũi của cô ấy trông trở nên cao hơn và dài hơn. Chưa dừng lại ở đó, cô gái trẻ còn tiếp tục thực hiện thêm nhiều các cuộc “dao kéo” nữa như gọt hàm để tạo hình khuôn mặt V-line, nâng ngực, nhấn mí. 

“Cứ 2 đến 3 năm, tôi lại làm thêm vài cuộc phẫu thuật nữa. Tôi đã trở thành một con nghiện phẫu thuật thẩm mỹ”, cô Wu thú nhận. Tổng cộng, trong vòng 16 năm kể từ ca phẫu thuật thẩm mỹ đầu tiên, Wu đã thực hiện hơn 100 ca phẫu thuật khác, tiêu tốn khoảng 4 triệu nhân dân tệ (574.000 USD). Cô gái này hiện rất tích cực ủng hộ ngành công nghiệp phẫu thuật thẩm mỹ. Cô cũng đã mở 2 trung tâm chuyên cung cấp dịch vụ phẫu thuật thẩm mỹ ở Bắc Kinh, Trung Quốc. 

Thị trường tiềm năng của cô gái trẻ này được đánh giá là khá lớn. Lý do là bởi ngày càng có nhiều phụ nữ Trung Quốc sử dụng phẫu thuật thẩm mỹ để có được đôi mắt to hơn, gò má cao, mũi hẹp hay một đôi chân nhỏ nhắn. Theo thống kê của Hiệp hội Thẩm mỹ và Chỉnh hình Trung Quốc, vào năm 2014, hơn 7 triệu người Trung Quốc đã làm phẫu thuật thẩm mỹ. Chỉ 3 năm sau, dữ liệu do các chuyên gia tư vấn của công ty nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan tại Thượng Hải tổng hợp được cho thấy con số này đã lên tới gần 16,3 triệu người. 

Theo một cuốn sách trắng của ứng dụng hỗ trợ phẫu thuật thẩm mỹ So-Young được đưa ra vào năm 2019 dựa trên việc phân tích dữ liệu của chính công ty này và ở các phòng khám, phẫu thuật thẩm mỹ đang có xu hướng trẻ hóa và phổ biến ở những người đang sống tại các thành phố cấp 2 và 3 của Trung Quốc hơn. Báo cáo này cho hay, hơn một nửa phụ nữ Trung Quốc dưới 26 tuổi đã đi phẫu thuật thẩm mỹ. Để so sánh, theo một thống kê khác, tổng số phụ nữ Mỹ dưới 30 tuổi đi phẫu thuật thẩm mỹ chỉ là 6%. 

Với những người trẻ thuộc thế hệ Z – tức những người sinh từ giữa những năm 1990 đến đầu những năm 2010 - ở Trung Quốc, phẫu thuật thẩm mỹ là một cách để trở nên nổi bật hơn trong những buổi hẹn hò và trong thị trường việc làm. 

Để có được vẻ ngoài như mong muốn, một số phụ nữ cần đến phẫu thuật, trong khi những người khác chuyển sang dùng chất làm đầy rẻ tiền để làm đầy xương gò má, cằm nhọn hơn thậm chí là nâng mũi. Một số phụ nữ khác lại dùng những thủ thuật phức tạp hơn như sử dụng chính xương sườn hoặc xương hông của mình để nâng mũi.

Công cụ “tiếp tay” tích cực

Theo các chuyên gia được hãng tin CNN phỏng vấn, một phần lý do dẫn tới sự gia tăng số lượng người phẫu thuật thẩm mỹ ở Trung Quốc nằm ở các ứng dụng hỗ trợ phẫu thuật thẩm mỹ như So-Young và GengMei. Đây là những ứng dụng cho phép các khách hàng tiềm năng xem xét những bức ảnh trước và sau khi phẫu thuật, đặt lịch phẫu thuật, thậm chí là đăng ký thẻ tín dụng để thanh toán cho dịch vụ này. 

“Ở Trung Quốc, rất khó để tìm kiếm được các thông tin đáng tin cậy về các phòng khám, đặc biệt là những cơ sở nằm ở các thành phố nhỏ hơn”, ông Tony DeGennaro - đồng sáng lập công ty phân tích thị trường của Trung Quốc Dragon Social - cho biết. Lý giải thêm, ông Tony cho hay, sau một số vụ bê bối y tế liên quan đến Baidu, nhiều người đã không còn tin tưởng vào các kết quả tìm kiếm trên nền tảng tìm kiếm này. Do đó, những ứng dụng mới được sử dụng như một hướng dẫn không chính thức của các bác sĩ phẫu thuật.

Sự phổ biến của mạng internet, với những nhân vật có ngoại hình hấp dẫn thường xuyên lên mạng phát trực tiếp về việc phẫu thuật thẩm mỹ và những ứng dụng chỉnh sửa ảnh như Meitu, chúng cho phép người dùng chỉnh sửa ảnh selfie bằng cách loại bỏ những khuyết điểm trên khuôn mặt, khiến nhiều người muốn phẫu thuật thẩm mỹ hơn. 

Các ứng dụng này cung cấp các thông tin chứng thực từ các bệnh nhân đã từng phẫu thuật thẩm mỹ với các bức ảnh trước và sau khi thẩm mỹ cũng như các đánh giá về các bác sĩ phẫu thuật. GengMei còn có một tính năng phân tích và chấm điểm khuôn mặt của người dùng dựa trên các tiêu chí như tính linh hoạt, hấp dẫn và đối xứng của khuôn mặt. 

Sau đó, nó sẽ đưa ra các gợi ý phẫu thuật như làm lại mí hay tiêm chất làm đầy trên một số bộ phận. “Qua ứng dụng GengMei, chúng tôi chỉ cần ở nhà mà vẫn có thể truy cập vào tất cả các thông tin của các cơ sở làm đẹp. Đó là sự phản ánh sự phát triển của xã hội và là một mô hình thu nhỏ cho sự thay đổi lối sống của chúng tôi”, cô Wu cho hay. Với những người không đủ kinh phí thực hiện phẫu thuật, các ứng dụng này thậm chí còn cung cấp cho người dùng quyền truy cập vào các khoản vay từ dịch vụ cho vay Huabei của Alipay để trả tiền cho việc phẫu thuật thẩm mỹ.

Kỳ nghỉ hè là thời gian được nhiều cô gái trẻ ở Trung Quốc lựa chọn để đi phẫu thuật nhằm tìm kiếm một diện mạo mới trước khi năm học mới bắt đầu. Tranh thủ điều đó, một số phòng khám đã tung ra các gói khuyến mại đặc biệt.

“Các cô gái thường đi phẫu thuật theo nhóm để hưởng lợi từ các gói ưu đãi như 3 người phẫu thuật nhưng chỉ tính tiền 2 người”, giảng viên Alegre của Đại học Hongkong cho hay. Tại các phòng khám này, chi phí phẫu thuật mắt 2 mí chỉ tốn khoảng 1.000 NDT (142 USD). Còn những người giàu có lại thường tìm đến các cơ sở thẩm mỹ viện ở Hàn Quốc, Thái Lan hoặc Hong Kong - nơi tin rằng có các bác sĩ đáng tin cậy hơn. 

Tuy nhiên, không phải tất cả các ca phẫu thuật đều thành công. Truyền thông Trung Quốc thường xuyên đưa tin về các ca phẫu thuật “hỏng” hay thậm chí là tử vong ngay trên bàn mổ. Các sai sót y khoa cũng thường xảy ra ở những phòng khám nhỏ không có giấy phép phẫu thuật. 

Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc trong một cuộc điều tra kéo dài một năm bắt đầu từ tháng 5/2017 đã xác định có 2.772 trường hợp phẫu thuật thẩm mỹ bất hợp pháp. Hơn 1.200 vụ đã bị khởi tố trách nhiệm hình sự. Ủy ban này cũng đang xem xét việc tạo ra một danh sách đen các bác sĩ phẫu thuật rởm. Tuy nhiên, bất chấp những rủi ro, Trung Quốc vẫn đã nhanh chóng nổi lên như một thiên đường thẩm mỹ. Đến năm 2023, tổng doanh thu dự kiến của ngành công nghiệp này được dự kiến sẽ vượt quá 360 tỷ NDT (52 triệu USD).

Đọc thêm