Khi đàn ông Âu - Mỹ dấn thân vào lĩnh vực trang điểm và làm đẹp

(PLVN) - Dù còn nhiều ác cảm đối với đàn ông sử dụng mỹ phẩm, xã hội phương Tây ít nhiều đang biến chuyển. Trước đây, quan niệm phổ biến là đàn ông ghét make-up (trang điểm), giờ đây phái mạnh, đặc biệt ở Mỹ cùng châu Âu đã “lấn sân” nốt vào lĩnh vực gần như “độc quyền” cuối cùng đó của phụ nữ.
Khi đàn ông Âu - Mỹ dấn thân vào lĩnh vực trang điểm và làm đẹp

Sở thích giấu kín 

Trên thực tế, ngành công nghiệp thời trang và mỹ phẩm nam giới đã và đang bùng nổ, thậm chí lấn lướt mảng dành cho nữ từ năm 2010. Khảo sát năm 2016 của tập đoàn tư vấn Mintel chỉ ra 50% đàn ông Anh sử dụng sản phẩm dưỡng da hàng ngày và 59% đồng ý rằng ngoại hình vô cùng quan trọng.  Dù không được các hãng mỹ phẩm “tạo điều kiện”, nhiều nam thanh niên thế hệ trẻ của Mỹ đang nỗ lực tìm cách phá vỡ điều cấm kỵ về việc nam giới trang điểm.

Ví dụ như câu chuyện của Elliot Ceretti (18 tuổi), sau một lần cùng bạn bước vào một cửa hàng tiện lợi. Khi đó, cậu đang theo dõi một chương trình truyền hình thực tế và một trong những drag queen (nhân vật nam ăn mặc và trang điểm như phụ nữ) được yêu thích của chương trình, đã khơi dậy trong lòng Ceretti một khao khát lạ lẫm nhưng đầy phấn khích. Cậu nhặt vào giỏ những mỹ phẩm rẻ tiền nhất và một lọ hồ khô để ẩn lông mày.

Phun săm mày, cấy râu là dịch vụ được phái mạnh sử dụng nhiều.
Phun săm mày, cấy râu là dịch vụ được phái mạnh sử dụng nhiều.  

Tối đó, Ceretti đợi mẹ và em gái ngủ say mới lẻn vào phòng tắm và trang điểm để trông giống các nhân vật trong chương trình truyền hình thực tế. Đêm hôm đó, lần đầu tiên cậu hóa trang thành nhân vật Ella Souflee - một “hóa thân” mà cậu hằng mong ước. Trong 4 tháng sau đó, các đêm của Ceretti tiếp tục diễn ra như vậy. Cậu vào phòng tắm sau khi đèn tắt và hóa trang thành Ella Souflee. Cho tới một hôm mẹ Ceretti bước vào phòng và nhìn thấy cậu đang trang điểm. Bà tỏ ra ngạc nhiên nhưng vẫn ủng hộ con trai.

Đến tháng 6/2019, Ceretti lập một tài khoản Instagram để “trưng” các thành quả hóa trang của mình trong hình tượng Ella Souflee. “Instagram đã từng và vẫn đang là con đường duy nhất để tôi giao tiếp và chia sẻ với những người giống như tôi”, Ceretti chia sẻ. “Tất cả chúng tôi đều ủng hộ và nâng đỡ nhau bởi lẽ chúng tôi không nhận được điều đó từ những người bên ngoài cộng đồng chúng tôi. Chúng tôi phải tiếp tục điều đó và tự tán thưởng những gì mà chúng tôi đã làm cho bản thân mình”, cậu tâm sự. 

“Phân biệt đối xử” trong làm đẹp

Ngay cả trong thời đại dư luận ngày càng thoải mái hơn về vấn đề giới tính, các nam thanh niên có sở thích trang điểm vẫn e ngại vì sợ người ngoài chế nhạo và hắt hủi. Giống như Ceretti, họ không dám chắc liệu có được gia đình ủng hộ. Ngay cả ngành công nghiệp làm đẹp chính thống cũng chưa chắc đã ủng hộ các thanh niên này. Ví dụ như trong số 19 ấn bản và các chương trình quảng cáo về làm đẹp cho mùa hè 2020 của Cosmopolitan và Bazaar, không có sự xuất hiện của một nam giới nào.

Thực tế thì có một chuyên gia nam xuất hiện trong mục làm đẹp của tạp chí này nhưng chỉ là một mục nhỏ về chăm sóc tóc. Tại trung tâm thương mại Newport ở thành phố Jersey, nơi xuất hiện các thương hiệu thời trang và mỹ phẩm lớn như Dior và Charlotte Tilbury, không có lấy một biển quảng cáo nào có sự xuất hiện của mẫu nam. Ngay cả trong gian hàng của Milk Makeup - thương hiệu từng đăng quảng cáo thể hiện quan điểm không phân biệt giới tính vào năm 2017 - cũng không có hình ảnh nam giới nào.

Nhiều quý ông cảm thấy tự tin hơn khi được trang điểm để tham gia các sự kiện.
Nhiều quý ông cảm thấy tự tin hơn khi được trang điểm để tham gia các sự kiện. 

Lẽ ra ngành công nghiệp mỹ phẩm ngày nay phải khác rất nhiều. Vào năm 2016, James Charles (17 tuổi), đã trở thành mẫu nam đầu tiên của thương hiệu CoverGirl. Sự kiện đó dường như đã đánh dấu một thay đổi lớn về tư tưởng của giới mỹ phẩm. Năm 2017, hãng Maybelline hợp tác với một chuyên gia trang điểm nam giới là Manny MUA...

Sau đó, các thương hiệu mỹ phẩm tiến dần từng bước tới việc chấp nhận nam giới. Tuy vậy, sau khởi đầu ầm ĩ, nhiều thương hiệu bắt đầu tỏ ra không còn hứng thú nữa. Thay vì đón nhận các nam thanh niên này và giúp họ trở thành các mẫu nam chuyên nghiệp, hầu hết các thương hiệu đã “hắt hủi” họ. Đối với họ, nam thanh niên trang điểm chỉ là một trào lưu nhất thời và không còn thịnh hành nữa.

Tiềm năng và cạnh tranh

Trên thực tế, nam giới trang điểm không phải là ý tưởng mới mẻ. Từ thế kỷ 17, trong các vở kịch của Shakespeare, đàn ông đã trang điểm và ăn mặc như phụ nữ. Ở nước Anh, đàn ông trong giới quý tộc thường đội tóc giả và trang điểm bằng phấn trắng, đánh má hồng và thoa son đỏ.

Đến nay, các nhân vật nổi tiếng trên Instagram và YouTube đã làm thay đổi căn bản quan điểm của nam giới. Bằng cách công khai tuyên bố sẽ coi trang điểm là một phần của cuộc sống hàng ngày, các nam thanh niên thuộc cộng đồng làm đẹp trên Instagram và YouTube đã tỏ ra táo bạo hơn.

“Tôi tuân thủ các quy tắc sao cho mọi người thấy rằng trang điểm không phải là để che đậy mà là cách thể hiện bản thân. Tôi không thay đổi các chi tiết trên gương mặt mà muốn làm nổi bật các chi tiết đó”, Adam Marshall, một nam chuyên gia trang điểm chia sẻ. Trên mạng nhận được nhiều người theo dõi nhưng ở ngoài đời thực, các nam thanh niên yêu trang điểm không được chào đón nồng nhiệt như vậy. “Tôi cảm thấy không thoải mái khi tới các cửa hàng mỹ phẩm.

Ngành công nghệ làm đẹp cũng là lĩnh vực ngành nghề được phái mạnh đầu tư, lựa chọn.
Ngành công nghệ làm đẹp cũng là lĩnh vực ngành nghề được phái mạnh đầu tư, lựa chọn.  

Tôi thấy nhiều phụ nữ liếc nhìn và có vẻ họ không hiểu tôi đang làm gì. Thật xấu hổ vì đáng lẽ đó là nơi tôi phải được là chính mình. Tôi cũng chưa từng nhìn thấy nam thanh niên nào đi mua mỹ phẩm cả”, một nam thanh niên thích trang điểm cho biết. “Đối với nam giới, mỗi khi bạn trang điểm thì đó như là một tiến bộ chính trị vậy. Nam giới trang điểm không phải là điều cấm kỵ, đó là điều bình thường và không nên bị soi mói”, Ceretti nói.

“Bất chấp tuổi tác, đấng mày râu hiện đại dành khoản đầu tư nhất định cho nhan sắc”, Brendan Gough, giáo sư tâm lý học xã hội tại Đại học Leeds Beckett (Anh) nói với CNN. Dành hơn 20 năm nghiên cứu hành vi nam giới Anh, ông phát hiện thái độ của họ về bề ngoài thay đổi một cách đáng kể. “Vài năm trước, kem dưỡng ẩm còn bị cấm kỵ thì nay lại vô cùng phổ biến”, vị giáo sư giải thích. Tuy nhiên, cách thức đàn ông trang điểm rất khác biệt. “Thông thường, họ suy nghĩ đến việc sử dụng mỹ phẩm nhằm ngụy trang, che giấu điều gì đó khiến bản thân phiền lòng”,  Garrett Munce - Giám đốc mảng làm đẹp của tạp chí GQ (Mỹ) đánh giá.

Cụ thể, đấng mày râu có xu hướng dùng kem để che khuyết điểm như mụn, hoặc kem nền nhằm làm đều tông da.  David Yi, người sáng lập website về sắc đẹp phái nam ‘Very Good Light’ thì cho rằng hầu hết nam giới coi mỹ phẩm như công cụ thay đổi cảm giác. Chính Yi cũng thừa nhận make up đem lại sự tự tin. “Tôi yêu trang điểm và cách nó làm tôi quyền lực, sexy, nam tính hơn”, người đàn ông tâm sự. Các sản phẩm được Yi ưa chuộng bao gồm kem nền và son môi.

So với Mỹ, Hàn Quốc thoáng hơn nhiều về việc đàn ông dùng mỹ phẩm. Họ không những không bị hạ thấp mà chuyện chăm sóc bản thân trở thành lẽ đương nhiên. “Kem nền thậm chí không bị coi là trang điểm mà chỉ như một bước dưỡng da”, Yi chia sẻ về trải nghiệm sau thời gian sống ở Seoul. Về cơ bản, xứ sở kim chi không gắn liền make-up với nữ tính.

Đấng mày râu nơi đây cũng không hẳn tìm đến make-up do tự ti, lo lắng. Nhờ mạng xã hội, khái niệm “giới” không còn quá khắt khe khiến sự khác biệt giữa thị trường làm đẹp nam và nữ dần mờ nhạt. Nắm bắt xu thế, các hãng làm đẹp tạo ra loạt sản phẩm “trung tính” do  người mẫu thuộc những giới khác nhau quảng bá.  Có lẽ trong tương lai không xa, “thành trì độc quyền” cuối cùng của nữ giới là trang điểm và làm đẹp cũng sẽ bị “xâm chiếm” các đáng mày râu.

Đọc thêm