Kiếm hiệp Kim Dung - (Kỳ 11): Bí ẩn Kiếm ma “Độc Cô cầu bại”

(PLVN) - Độc Cô cầu bại là nhân vật không trực tiếp xuất hiện trong bất cứ bộ tiểu thuyết nào của nhà văn Kim Dung mà chỉ được thể hiện qua lời kể trong các bộ “Thần Điêu đại hiệp”, “Tiếu ngạo giang hồ” và “Lộc đỉnh ký”. Tuy nhiên, chỉ chừng đó thôi cũng đủ khái quát về võ công độc bá thiên hạ của nhân vật này. Bên cạnh đó, dù không nhận đệ tử, nhưng Độc Cô cầu bại vẫn có những truyền nhân đều thuộc hàng đệ nhất cao thủ. 
Kiếm hiệp Kim Dung - (Kỳ 11): Bí ẩn Kiếm ma “Độc Cô cầu bại”

Nhân vật bí ẩn

Qua các lời kể có phần bí ẩn của các nhân vật trong tiểu thuyết Kim Dung, Độc Cô cầu bại có hiệu là Kiếm ma. Về cái tên “Độc Cô cầu bại”, nguồn gốc của nó cũng không rõ ràng. Với võ công cao cường, đệ nhất thiên hạ của mình, ông rong ruổi khắp giang hồ tìm đối thủ xứng tầm. Niềm khao khát của vị võ lâm cao thủ này cũng chỉ là… được thua một lần. Ấy vậy mà tìm khắp thiên hạ cũng chẳng thấy ai là người có thể sánh cùng để đọ sức. Chữ “cầu bại” cũng từ đó mà ra. 

Còn chữ “Độc Cô”, có thể hiểu là cô độc một mình trên giang hồ tìm đối thủ. Tuy nhiên, cũng có thể hiểu là một người mang họ “Độc Cô”, đi cầu một lần được thất bại. Cách giải thích này cũng có phần hợp lý, bởi Độc Cô là một dòng họ của người châu Á. Họ này xuất hiện chủ yếu ở Trung Quốc. Có nhiều người mang họ Độc Cô nổi tiếng trong lịch sử nước này như Độc Cô Già La, hoàng hậu dưới triều Tùy Văn Đế; Độc Cô quý phi (Đường Đại Tông), sủng phi của Đường Đại Tông hay Độc Cô Tổn, Tiết độ sứ An Nam bị vua Đường truất chức. 

Kim Dung không nói rõ cách hiểu nào là đúng, nhưng rõ ràng cuộc đời của vị đệ nhất võ lâm này vô cùng cô độc dù  ông được người trên giang hồ tôn là đệ nhất cao thủ bởi bộ kiếm pháp tuyệt học Độc Cô cửu kiếm, đặc tính dùng vô chiêu chiến thắng hữu chiêu. Ông cũng được gọi là Kiếm ma bởi uy lực Độc Cô cửu kiếm gần như bao trùm mọi loại võ công khác trên thiên hạ, khi có thể khắc chế mọi môn binh khí, chưởng pháp, nội công.

Trong Thần điêu đại hiệp, Dương Quá gặp con chim điêu khổng lồ (thần điêu), cũng là lúc Độc Cô cầu bại đã trở thành người thiên cổ từ lâu. Con chim điêu được cho là người bạn cuối cùng của Kiếm Ma thuở nào. Sau cuộc hội ngộ, Dương Quá tìm đến mộ mới biết Độc Cô cầu bại chính là người sở hữu kiếm thuật vô song trong thiên hạ. Sau khi biết không thể tìm được đối thủ, Kiếm Ma quy ẩn giang hồ, sống cô độc cùng vấn thần điêu.

Minh họa Đông Phương bất bại.
Minh họa Đông Phương bất bại. 

Ông cũng sở hữu 5 cây kiếm vô địch thiên hạ, và đều được ông lập mộ chôn trước khi chết và chú giải triết lý cặn kẽ ở mỗi thanh kiếm. Trong đó, có 1 thanh Huyền thiết trọng kiếm có sức nặng nghìn cân, là thanh tạo nên bộ “Độc Cô cửu kiếm”. Cũng có 1 “thanh kiếm”, thực ra chỉ là một cành liễu mục, kèm chú thích: “Sau bốn mươi tuổi, không mang binh khí, thảo mộc trúc thạch đều có thể dùng làm kiếm…” “Thanh kiếm” cuối cùng mới thật là độc đáo, nó giải triết lý “dùng vô chiêu thắng hữu chiêu”, chính vì vậy, dưới mộ kiếm, Dương Quá không tìm thấy bất cứ thứ gì cả, cảnh giới của kiếm thuật chính là không dùng kiếm mà biến tay không mà như một thanh gươm sắc bén.

Trong bộ Tiếu ngạo giang hồ, Độc Cô cầu bại xuất hiện có phần mờ nhạt hơn, nhưng cũng cho thấy được sự “vô địch” của nhân vật này. Như lời kể của Phong Thanh Dương phái Hoa Sơn thì Kiếm Ma là một người thông minh tuyệt đỉnh, là người đã sáng tạo ra Độc cô cửu kiếm và nhờ kiếm pháp vô địch thiên hạ này, Độc cô cầu bại cũng không có địch thủ và ông ta thậm chí còn vui mừng biết bao khi có một người có khả năng khiến cho ông ta phải quay kiếm trở lại phòng thủ. 

Trong bộ Lộc đỉnh ký, nhân vật này lại càng xuất hiện bí ẩn, chỉ qua lời kể của Trừng Quan đại sư với Vi Tiểu Bảo rằng: “Cổ nhân nói võ công luyện tới mức xuất thần nhập hóa thì như linh dương móc sừng lên cây để ngủ, không có dấu vết nào mà tìm được. Nghe nói ngày trước có vị Độc Cô cầu bại đại hiệp và dùng vô chiêu thắng hữu chiêu, vô địch trên đời...”.

Những truyền nhân vô địch

Không để lại nhiều dấu tích, nhưng lạ thay, Độc Cô cầu bại cũng gián tiếp để lại những truyền nhân,và họ đều là những người vô địch trong giang hồ. 

Người đầu tiên không thể không nhắc đến đó là Thần điêu đại hiệp Dương Quá. Cần phải nói thêm rằng, tuyệt kỹ mạnh nhất của Dương Quá chính là Ám nhiên tiêu hồn chưởng. Chàng cũng rất giỏi trong việc sử dụng Toàn Chân kiếm pháp, Cổ Mộ kiếm pháp và Lạc anh thần kiếm chưởng. Chẳng có thông tin nào nói chàng học được Độc Cô cửu kiếm và quả thật, chàng cũng chưa bao giờ sử dụng loại kiếm pháp này. Tuy nhiên, chàng vẫn được coi là truyền nhân của Độc Cô cầu bại. 

Như đã nói ở trên, Dương Quá vô tình gặp thần điêu, biết được phần mộ của Độc Cô cầu bại và lĩnh hội được yếu chỉ của võ thuật “dùng vô chiêu thắng hữu chiêu”. Dù không còn Kiếm Ma, nhưng nhờ thần điêu và trí thông minh của mình, Dương Quá cũng học được từ tiền bối rất nhiều. Nhờ chân lý ngộ ra được ở mộc Kiếm Ma, chàng đã trở thành vô địch thiên hạ bởi dùng Huyền thiết trọng kiếm để luyện nội công dưới thác nước dưới sự trợ giúp của thần điêu.

Nếu như Dương Quá không học đọc Độc Cô cửu kiếm thì 2 người Phong Thanh Dương và Lệnh Hồ Xung trong bộ Tiếu ngạo giang hồ đều lĩnh hội được môn võ công này và là truyền nhân chính thức của Kiếm Ma. Phong Thanh Dương là sư thúc của Chưởng môn phái Hoa Sơn Nhạc Bất Quần. Ông ẩn cư trên đỉnh Ngọc Nữ Phong bởi ghét các luật lệ, quy củ trong giới giang hồ.

Thuở trẻ, ông là một cao thủ dùng kiếm bậc nhất và được giang hồ ca tụng về cả tài năng lẫn tư cách. Nhờ sớm ẩn cư, lại không ham đấu đá tranh giành cho nên ông không tham gia cuộc đấu huynh đệ tương tàn giữa hai phe Kiếm tông và Khí tông của phái Hoa Sơn. Trong khi đó, Lệnh Hồ Xung tình cờ gặp Phong Thanh Dương trên Ngọc Nữ Phong. Và có lẽ cũng bởi tính cách 2 người giống nhau cho nên Phong Thanh Dương đã truyền thụ “Độc Cô cửu kiếm” cho Lệnh Hồ Xung. 

Chỉ cần học 1 chiêu nửa thức từ Phong Thanh Dương, Lệnh Hồ Xung đã đánh bại được đại cao thủ Điền Bá Quang, trong khi trước đó không lâu, võ công chàng còn thua xa y. Sau này, dù chưa luyện đến cảnh giới “dùng vô chiêu thắng hữu chiêu” nhưng với 9 chiêu thức được Phong Thanh Dương truyền thụ, Lệnh Hồ Xung cũng không tìm thấy đối thủ dù trước đó chàng chỉ là người có võ công bình thường. Sau khi xuống núi, dù mất đi toàn bộ nội lực, lại mang trọng bệnh, nhưng hàng loạt cao thủ đã phải chịu thất bại trước chàng.

Thậm chí ngay cả Xung Hư đạo trưởng, Chưởng môn phái Võ Đang, người được coi là vô địch về kiếm thuật nhưng Thái cực kiếm của ông cũng không thắng nổi kiếm pháp của Lệnh Hồ Xung. Kể cả nhạc Bất Quần sau khi luyện được Tịch tà kiếm pháp cũng bị thua dưới tay đệ tử Lệnh Hồ Xung với môn Độc Cô cửu kiếm. Tuy nhiên, vì không lĩnh hội được hết võ công của tiền nhân cho nên trên đỉnh Hoắc Mộc Nhai, Lệnh Hồ Xung cùng với Nhậm Ngã Hành, Hướng Vấn Thiên, Thượng Quan Long, Nhậm Doanh Doanh cũng không làm gì được Đông Phương bất bại và chỉ hạ được y nhờ dùng mưu. 

Đọc thêm