Lệ lợi dụng luật

(PLVN) - Mới rồi ở Thụy Sỹ, cử tri trong cuộc trưng cầu dân ý đã thông qua ý tưởng luật về cấm trùm kín đầu và che mặt như thường thấy ở phụ nữ theo đạo Hồi tại những nơi công cộng. Trước đấy, có hai bang của đất nước châu Âu này luật hoá quy định cấm tương tự. Nhưng phải sau cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi thì quy định cấm mới được áp dụng trên khắp đất nước Thụy Sỹ.
Thụy Sĩ bị cấm mặc trang phục của người Hồi giáo xuất hiện tại nơi công cộng.
Thụy Sĩ bị cấm mặc trang phục của người Hồi giáo xuất hiện tại nơi công cộng.

Điều đáng nói ở chuyện này của Thụy Sỹ là sáng kiến luật cấm là sản phẩm của một tổ chức nhỏ và ít được biết đến chứ không phải là đề nghị của đảng phái chính trị nào. Tỷ lệ cử tri tham gia cuộc trưng cầu dân ý chỉ có 51,4% và tỷ lệ cử tri ủng hộ ý tưởng luật cấm cũng chỉ có 51,24%. Người theo đạo Hồi chiếm khoảng 5% dân số hiện tại ở Thụy Sỹ và họ được nhìn nhận chung là không cực đoan thái quá trong tôn giáo, hòa nhập khá thành công vào xã hội Thụy Sỹ.

Kết quả điều tra ở Thụy Sỹ trong năm ngoái cho thấy trên khắp đất nước thường chỉ thấy có vài chục trường hợp đeo khăn choàng kín đầu hay che phủ kín mặt mà phần đông trong số người này lại là người từ tôn giáo khác gia nhập đạo Hồi.

Thụy Sỹ là một trong những nơi trên thế giới sử dụng thường xuyên nhất cách thức lập pháp thông qua trưng cầu dân ý, nếu như không muốn nói là nơi sử dụng này nhiều nhất. Người ta gọi đấy là dân chủ trực tiếp. Trong ý nghĩa nguyên thuỷ của ngôn từ thì cách thức lập pháp này rất hay bởi phản ánh được thực chất và trực tiếp ý nguyện của cử tri. Nhưng câu hỏi được đặt ra là tỷ lệ cử tri tham gia trưng cầu dân ý phải cao tối thiểu bao nhiêu và tỷ lệ ủng hộ tối thiểu phải là bao nhiêu thì mới phản ánh chính xác nhất, đầy đủ nhất và khách quan nhất ý nguyện chung của cử tri mà đa số trên 50% chút ít chắc chắn không thể thích hợp.

Ở Thụy Sỹ, việc có thể lập pháp bằng cách trưng cầu dân ý được luật hoá. Nhưng trong trường hợp cuộc trưng cầu dân ý vừa rồi ở Thụy Sỹ lại có thể dễ dàng nhận thấy luật ấy bị lợi dụng và lạm dụng bởi cái lệ chung rất phổ biến ở châu Âu là dùng luật cấm đoán để đẩy lùi phạm vi ảnh hưởng của đạo Hồi. Trong thực chất, đấy là việc bài xích đạo Hồi theo cách tránh bị tai tiếng là phân biệt đối xử, chống đạo Hồi nhưng lại giữ tiếng là đảm bảo và cổ suý cho tự do tín ngưỡng và tôn giáo. 

Vì không thể có luật cấm hẳn và hoàn toàn đạo Hồi nên ở các nơi này dùng luật cấm những biểu tượng đặc trưng cho đạo Hồi ở các nơi công cộng như các tháp nhà thờ đạo Hồi, hay hình ảnh phụ nữ theo đạo Hồi đội khăn trùm kín đầu hay che kín mặt.

Tôn giáo nào cũng có quy định riêng về đạo lý và ứng xử mà nhìn vào thì người ngoài có thể nhận ra được ngay tôn giáo, tín ngưỡng của họ. Cấm những biểu hiện này ở nơi công cộng được các nước ở châu Âu sử dụng để thu hẹp phạm vi hiện diện trực tiếp của đạo Hồi trong xã hội ở những nơi ấy, không để cho tôn giáo này có cơ hội và điều kiện dùng chính sự hiện diện trực tiếp và biểu hiện ra bên ngoài để tự khẳng định và có thể mở rộng phạm vi ảnh hưởng nữa, tạo ra trạng thái và hình ảnh trong xã hội không có bất cử biểu hiện hay biểu tượng gì của đạo Hồi.

Một thành tố của cái lệ nói trên là viện dẫn lẫn nhau. Lập luận cho những hành động như nhau liên quan đến việc dùng luật để loại bỏ những biểu tượng và biểu hiện của đạo Hồi dù là ở Pháp hay Bỉ, Đan Mạch hay Thụy Sỹ... đều rất giống nhau. Những lập luận ấy thường là lý do an ninh, nhằm chống khủng bố, để đảm bảo nhập gia phải tuỳ tục... Nhưng dù có thế nào thì bản chất chung vẫn là lệ lợi dụng luật.

Đọc thêm