Lời đồn về thị trấn Italy không ai dám gọi tên vì sợ gặp xui xẻo

(PLVN) - Nằm ở miền nam Italy, Colobraro được biết đến là thị trấn “quỷ ám” rùng rợn, khét tiếng ở châu Âu. Những đứa trẻ sơ sinh có hai quả tim, những vụ lở đất, tai nạn bí ẩn... là những câu chuyện luôn khiến nhiều người hoang mang ở thị trấn này. Người dân địa phương không dám gọi thẳng tên Colobraro vì lo sợ nếu gọi sẽ bị “ma quỷ” đeo bám, hành hạ và gặp chuyện xui xẻo.
Thị trấn Colobraro xinh đẹp và bí ẩn.
Thị trấn Colobraro xinh đẹp và bí ẩn.

Những truyền thuyết về thị trấn “quỷ ám” 

Colobraro là một phần của tỉnh Matera - trung tâm nông nghiệp ở thung lũng sông Sinni, vùng Basilicata, Italia. Nó nằm trên sườn phía Nam của núi Calvario ở độ cao 630m. Từ chiều cao này, người ta có thể nhìn thấy toàn bộ thung lũng Ionian với cảnh quan tuyệt đẹp vào lúc mặt trời mọc và hoàng hôn.

Ngày nay, ở Italy, người ta luôn tránh nhắc đến tên của thị trấn này do sợ gặp phải những lời nguyền và vận hạn đen đủi. Và nếu vô tình nghe được từ miệng của du khách, họ sẽ nhanh chóng chạm tay vào gỗ như một hành động lấy lại điềm may. Tuy nhiên, tiếng dữ đó không ngăn được bước chân của những du khách ưa phiêu lưu mỗi khi lễ hội “biến những điều xui xẻo thành kỳ diệu” được tổ chức vào mùa hè hằng năm.

Dù những điều đáng sợ về “thị trấn ấy” đã lan truyền từ lâu nhưng lời nguyền mới bắt đầu vào nửa đầu thế kỷ XX. Theo truyền thuyết, vào những năm 1940, Biagio Virgilio là trưởng làng, đồng thời là một luật sư giàu có và không vụ án nào ông biện hộ thất bại. Tuy nhiên, trong một lần bào chữa trước tòa, Virgilio đã nói: “Nếu tôi nói sai, chiếc đèn chùm trên đầu tôi sẽ rơi xuống”.

Hình ảnh về thị trấn Colobraro.
 Hình ảnh về thị trấn Colobraro. 

Ngay sau những lời nói đó, chiếc đèn chùm bất ngờ rơi xuống thật và kể từ đó, thị trấn của Virgilio nhanh chóng bị đánh đồng với những điềm gở. Từ đó về sau, bất cứ chuyện gì không may xảy ra trong làng người ta đều gán cho ông. Bản thân trưởng làng và gia đình ông ta cũng phải chuyển đi nơi khác vì bị mọi người cho là xúi quẩy.

Ngoài ra còn có một câu chuyện về lời nguyền cũng lâu đời như thị trấn cổ xưa này. Theo đó, mọi người cũng đã luôn e ngại mỗi khi nhắc đến thị trấn này, do họ tin rằng cái tên Colobraro bắt nguồn từ chữ Coluber. Trong tiếng Latin từ này có nghĩa là con “rắn”, vốn được tin là tượng trưng của quỷ dữ. Cư dân hàng xóm tại vùng Basilicata chỉ đơn giản gọi Colobraro là “thị trấn ấy” và tránh đi qua những “mê lộ” của mảnh đất này. Và chỉ cần nghe thấy cái tên đó vô tình được nhắc đến, họ sẽ lập tức chạm tay vào gỗ như cách để xua đuổi những điều bất hạnh, không may.

 

Bên cạnh chiếc đèn chùm, thế hệ người dân ở Colobraro từ lâu cũng được nghe kể về những câu chuyện liên quan đến phù thủy, pháp sư, được biết đến với tên gọi masciare. Đó là những phụ nữ nổi tiếng và quyền lực ở miền nam Italy vào thập kỷ 1950. Họ là những người đã nắm quyền kiểm soát chính của thị trấn thông qua các lời nguyền, phép thuật. Nhiều người tin vào những câu chuyện này, do đó, Colobraro thực sự trở thành một nơi đáng sợ.

Về sau, một nhà nhân chủng học tới thị trấn và tìm kiếm phù thủy hóa giải lời nguyền. Khi gặp La Cattre - một bà lão gầy guộc, da sạm nắng với những vết nhăn chằng chịt - nhà khoa học tin rằng đó chính là người mà ông tìm kiếm. Không chỉ vậy, nhóm nghiên cứu lại trở thành nạn nhân của những tai nạn bí ẩn. Sau đó, vì quá sợ hãi họ đã gọi bà La Cattre là phù thủy và tố cáo vùng đất Colobraro đã bị quỷ ám. Colobraro vì thế có thêm tiếng xấu là hang ổ của phù thủy.

Tuy nhiên, cô Elena di Napoli - chắt của bà La Cattre và hiện nằm trong ban quản trị du lịch địa phương - đã chối bỏ điều đó. “Bà tôi là một người phụ nữ tuyệt vời và không phải là phù thủy như đồn đại. Chỉ vì có bề ngoài già nua, da sạm nắng với những vết nhăn chằng chịt mà bà bị hiểu nhầm”, cô nói. Theo Elena, những điều không hay ho chỉ xảy đến với những ai yếu bóng vía hay mới tới thị trấn lần đầu. 

Những câu chuyện kỳ lạ

Người Italy khá mê tín và những vụ việc được đồn thổi xung quanh thị trấn càng làm cho người ta tin rằng nó thực sự bị quỷ ám. Qua nhiều thế kỷ, sạt lở đất, những vụ thương tích kỳ lạ, tai nạn tai nạn xe hơi bất ngờ hay thậm chí là việc một em bé sinh ra với hai trái tim hoặc 3 lá phổi, máy bay rơi trúng thị trấn…cũng như câu chuyện về phù thủy càng khiến cho người ta tin vào truyền thuyết mơ hồ.

Đến mức, cảnh sát cũng không nỡ phạt nếu ai đó chạy xe quá tốc độ ở Colobraro vì sợ gặp chuyện đen đủi. Dân số của làng cũng giảm đáng kể từ sau khi những đồn đoán lan rộng, từ 5.000 người hiện giờ chỉ còn khoảng 1.500 người.

Anh Gaetano Virgallito, một người con của Colobraro đang sống ở Rome chia sẻ rằng do ở vùng đất này không có trường trung học, anh ấy phải đến một ngôi làng Tursi, hàng xóm của Colobaro để học. Tuy nhiên, ở nơi đây anh bị bạn bè và mọi người cho rằng “kẻ mang điềm gở”.

Chân dung bà La Cattre, người bị gọi là phù thủy ở làng.
Chân dung bà La Cattre, người bị gọi là phù thủy ở làng. 

Tuy nhiên, bí ẩn và lời nguyền của thị trấn chỉ là những lời đồn. Ngày nay, người dân quanh vùng không mấy quan tâm đến chúng. Bằng chứng là họ vẫn sống ở Colobraro nhiều năm nay và không cảm nhận thấy cái gọi là không may. “Don Biagio Virgilio ư? Tất nhiên là tôi còn nhớ ông ấy! Ông ấy chỉ mang lại bất hạnh ư? Những câu chuyện truyền miệng đã thêu dệt lên điều đó. Khi một ai đó gặp bất cứ vấn đề gì, họ lại đổ lỗi cho thị trấn của chúng tôi”, Matteo, một người dân trong làng Colobraro cho hay. “Mọi người chỉ gặp những điều kỳ lạ khi mà bạn tin vào sự mê tín”, cô Elena di Napoli cho hay.

Thậm chí, người dân nơi đây còn dựa vào danh tiếng của thị trấn để tổ chức các lễ hội, hoạt động liên quan đến truyền thuyết nhằm thu hút du khách. Kể từ năm 2011, họ tổ chức lễ hội đường phố thường niên với tên gọi A dream of night... That village (Giấc mơ ban đêm ở ngôi làng đó). 

Vào tháng 8 hàng năm, du khách từ khắp nơi sẽ đổ xô đến đây để xem các hoạt động của lễ hội, ngắm nhìn người dân hóa trang thành phù thủy, pháp sư và quỷ dữ. Mọi người cũng được người dân trong làng phát bùa hộ mệnh nhằm chống lại điềm đen đủi.

Trong lễ hội thường có 2 nhân vật, đó là Monachicchi (thầy tu nhỏ bé) và người sói. Hai hình tượng này được cho là nạn nhân của những lời nguyền trong truyền thuyết và chỉ có thể được giải thoát bằng cách: lấy giọt máu cho vào nước phép mới có thể trở lại bình thường.

Được biết, khi du khách tới làng tham gia lễ hội sẽ thường cuyên bắt gặp nhiều cậu bé mặc bồ đồ màu đỏ, mũ màu đỏ để hóa trang thành Monachicchi. Theo truyền thuyết địa phương, Monachicchi là một đứa trẻ đã chết trước khi nhận phép rửa tội. Mặc dù bề ngoài mang khuôn mặt vui tươi, hài hước nhưng lại rất tinh nghịch và thích trêu chọc mọi người. Cách duy nhất để ngăn những trò đùa của cậu là lấy đi chiếc mũ đỏ trên đầu, vì cậu sẽ không thể sống nếu không có chiếc mũ.

Một hình tượng khác của lễ hội đó là người sói. Theo truyền thuyết, người sói ban đầu là một người bình thường, sinh ra vào đêm Giáng sinh. Nhưng cứ đến những ngày trăng tròn lại biến thành người sói khiến cả làng sợ hãi.

Đọc thêm