Luật chặt, lệ lỏng

(PLVN) - Liên minh châu Âu (EU) và Chính phủ Anh đã đạt được thỏa thuận về khuôn khổ quan hệ song phương cho thời kỳ sau khi nước Anh ra khỏi EU (Brexit) và thỏa thuận này được hai bên ký kết, hai bên tuy chưa hoàn tất mọi thủ tục phê chuẩn cần thiết nhưng nhất trí để cho thoả thuận có hiệu lực tạm thời. 
Nước Anh chính thức ra khỏi EU sau 47 năm gắn bó.
Nước Anh chính thức ra khỏi EU sau 47 năm gắn bó.

Nước Anh vì thế chính thức ra khỏi EU từ ngày đầu tiên của năm mới 2021. Cũng kịp thời trước thời điểm này, Anh và Tây Ban Nha (thành viên EU) đạt được thỏa thuận về mối quan hệ trong tương lai giữa EU, tức là giữa Tây Ban Nha, với vùng lãnh thổ Gibraltar.

Thủ tướng Anh Boris Johnson ngợi ca thỏa thuận đạt được với EU về Brexit có ý nghĩa lịch sử trên phương diện đảo quốc giành lại về chủ quyền quốc gia hoàn toàn. Như vậy có nghĩa là chuyện chủ quyền quốc gia rất quan trọng và quyết định đối với phía Anh trong vấn đề Brexit. Đúng là khi tham gia EU, các quốc gia thành viên đều phải sẵn sàng chấp nhận chuyển giao những quyền nhất định về chủ quyền quốc gia cho EU. Chủ quyền quốc gia vì thế được EU định nghĩa và hiểu theo cách khác trước.

Luật pháp ở đâu cũng vậy đều quy định rất chặt chẽ và cụ thể rõ ràng về chủ quyền quốc gia. Chủ quyền quốc gia được coi là bất di bất dịch, là bất khả xâm phạm, là tối thượng và thiêng liêng, là điều cấm kỵ... Tuy nhiên, nếu nhìn vào nội dung thỏa thuận giữa EU và Chính phủ Anh về khuôn khổ quan hệ hợp tác giữa hai bên cho thời kỳhậu Brexit và thỏa thuận giữa Anh và Tây Ban Nha về Gibraltar thì sẽ lại có thể dễ dàng nhận thấy là phía Anh lại vận dụng một cái lệ về lợi ích thiết thực không thể bỏ để làm lỏng luật về chủ quyền quốc gia.

Giữa Anh và EU là chuyện vùng Bắc Ireland. Vùng lãnh thổ này do phía Anh quản lý trên thực tế nhưng lại giáp biên với Ireland (thành viên của EU). Ireland và Tây Ban Nha đều tham gia Hiệp ước Schengen của EU về tự do đi lại và giao thương cho người, hàng hoá và dịch vụ trong khuôn khổ phạm vi địa lý lãnh thổ của các nước thành viên EU. Hiệp ước này giúp EU được nhìn nhận là liên minh không có biên giới quốc gia ở bên trong.

Một khi nước Anh ra khỏi EU thì theo lẽ thường vùng biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland cũng như giữa Gibraltar và Tây Ban Nha không còn được tự do đi lại và giao thương như trước nữa. Nhưng phía Anh buộc phải đáp ứng yêu cầu của phía EU để cho đi lại và giao thương ở vùng biên giới giữa Ireland và Bắc Ireland vẫn như trước và chỉ được kiểm tra, kiểm soát ở vùng ranh giới giữa Anh và Bắc Ireland.

Tương tự như vậy, phía Anh buộc phải nhượng bộ với phía Tây Ban Nha để cho vùng Gibraltar trên thực tế vẫn ở trong phạm vi hiệu lực của khối Schengen. Có thể thấy là một số quyền về chủ quyền quốc gia của phía Anh liên quan đến Bắc Ireland và Gibraltar đều không phải hồi hương về nước Anh hoàn toàn như ông Johnson quả quyết.

Lợi ích quyết định cho toàn bộ chuyện này. Nếu không nhượng bộ với EU và chính phủ Tây Ban Nha, phía Anh không có được thỏa thuận với EU về khuôn khổ quan hệ song phương cho thời kỳhậu Brexit. Nước Anh chủ trương ly khai EU nhưng vẫn muốn tận lợi hết sức có thể từ tiến trình hợp tác, liên kết và nhất thể hoá châu lục do EU khởi xướng và dẫn dắt.

Nước Anh ra khỏi EU nhưng ý thức được rằng trên thế giới chẳng có đối tác kinh tế và thương mại nào có thể thay thế được EU. Sau khi nước Anh ra khỏi EU, Gibraltar trở thành đảo biệt lập giữa EU và nếu không có được thỏa thuận với Tây Ban Nha để đảm bảo Gibraltar sau Brexit vẫn được tự do lưu thông và giao thương với bên ngoài như trước thì phía Anh làm sao có thể giữ mãi được lòng dân ở đây tiếp tục hướng về và gắn bó với nước Anh. Lệ lại quyết định luật như thế đấy.

Đọc thêm