Luật đỡ Lệ

(PLVN) - Theo giới quan sát, với phát ngôn của vua Bỉ Philippe xin lỗi chính thức về việc thực dân Bỉ đã làm thuở trước ở châu Phi, nhân vụ việc người da màu bị sát hại ở Mỹ, lệ đã làm cho việc vận dụng luật trở nên linh hoạt và sát thực tế hơn. Ở đây, lệ đỡ cho luật chứ không hề lấn lướt luật. 
Vua Bỉ Philippe xin lỗi về việc thực dân Bỉ đã làm thuở trước ở châu Phi.
Vua Bỉ Philippe xin lỗi về việc thực dân Bỉ đã làm thuở trước ở châu Phi.

Vụ việc cảnh sát người da trắng ghì cổ đến chết ngạt người đàn ông 46 tuổi da mầu ở Minneapolis (Mỹ) đã làm bùng phát làn sóng biểu tình rầm rộ trên khắp nước Mỹ phản đối phân biệt sắc tộc và bạo lực của cảnh sát người da trắng đối với người da mầu ở đất nước này.

Làn sóng ấy lan rộng ra cả thế giới bên ngoài nước Mỹ. Ở châu Âu, nước Anh và nước Bỉ bị ảnh hưởng nặng nhất. Mỹ và châu Âu bị đẩy vào tình trạng phải chịu tác động của quá khứ lịch sử và phải xử lý di sản của quá khứ lịch sử - thời chiếm hữu và buôn bán nô lệ, thời chế độ thực dân áp bức, bóc lột và tàn sát người da mầu ở Mỹ và ở châu Âu.

Ở Bỉ, Vua Philippe mới đây, vào dịp 60 năm Công-gô trở thành quốc gia độc lập, thoát khỏi chế độ thực dân của Bỉ, đã làm động thái bất ngờ khi công khai thể hiện thái độ cầu thị để nhìn nhận trách nhiệm của Bỉ về thời kỳ đô hộ các nước thuộc địa ở châu Phi từ thế kỷ 19.

Thời vua Bỉ Leopold II. đã có hàng triệu người bản xứ ở các nước thuộc địa trên châu lục này bị sát hại. Vua Philippe lấy làm tiếc về những gì đã xảy ra trong thời kỳ quá khứ lịch sử của chính quyền thực dân Bỉ ở châu Phi. Vị quân chủ này không nói lời xin lỗi chính thức, nhưng ít ra cũng ám chỉ chính quyền Bỉ ngày nay hối hận về những gì mà thực dân Bỉ đã làm thuở trước ở châu Phi.

Về chính trị, sự thể hiện quan điểm thái độ này là rất đúng đắn và thức thời, rất thiện chí và cầu thị. Nhưng về phương diện pháp lý thì lại có chuyện để tranh luận. Năm ngoái, thủ tướng Bỉ Michel đã nhân danh đất nước, nhà nước và nhân dân Bỉ nói lời xin lỗi về thời kỳ quá khứ nói trên. Thủ tướng Bỉ hiện tại, bà Sophie Wilmes, vào dịp sôi động chính trị xã hội hiện tại chưa thể hiện quan điểm thái độ gì mà phải sau khi có phát ngôn nói trên của Vua Philippe mới tuyên bố rằng đấy cũng là quan điểm của chính phủ, tức là không xin lỗi mà chỉ lấy làm tiếc.

Chuyện ở đây là theo Hiến pháp hiện hành ở Bỉ thì nhà vua không được can thiệp vào chuyện cầm quyền của chính phủ và mọi sự thể hiện quan điểm của nhà vua về đối ngoại phải được tham vấn và nhất trí trước đó với chính phủ. Nhưng vừa rồi, Vua Philippe thể hiện sự nhìn nhận lại quá khứ lịch sử trước khi phía hành pháp thể hiện thái độ.

Đương nhiên, bà thủ tướng không thể phản bác nhà vua mà phải phụ hoạ để tránh cảm nhận là vị quân vương đã vượt quá quyền hạn, tức là không phạm luật. Ở nền quân chủ lập hiến nào trên thế giới này mà chẳng có cái lệ là phía lập hiến phải giữ thể diện cho phía quân chủ, phía thực quyền không thể bất chấp phía chỉ có quyền hành tượng trưng, kể cả khi trong thâm tâm không muốn vậy.

Nhưng ở sự thể hiện quan điểm thái độ của Vua Bỉ Philippe theo cách nói trên còn có chủ ý phân vai giữa nhà vua và thủ tướng. Cả ở đây cũng có chuyện lệ đỡ luật. Phát ngôn của nhà vua không có được tính ràng buộc về pháp lý quốc gia và quốc tế như phát ngôn của người đứng đầu chính phủ.

Chủ ý của nhà nước Bỉ ở đây là dùng sự thể hiện quan điểm thái độ của nhà vua để tạo hiệu ứng mập mờ giữa chính thức và không chính thức khiến cho cả trong nước lẫn bên ngoài hiểu theo kiểu gì cũng được và chính phủ biện minh theo chiều hướng nào cũng được.

Đồng thời, làm như thế còn giúp phía chính phủ giữ được dư địa cho cả tiếp tục tiến hay quyết định thoái trong thời gian tới tuỳ theo mức độ và chiều hướng diễn biến của làn sóng phản đối ở trong nước. Như thế mới đảm bảo được sự vẹn toàn cả về đối nội lẫn đối ngoại. Như thế, lệ làm cho việc vận dụng luật trở nên linh hoạt và sát thực tế hơn. Ở đây, lệ đỡ cho luật chứ không hề lấn lướt luật. 

Đọc thêm