Luật không bằng lệ

(PLVN) - Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn lên ngôi năm 2016 và lấy phiên hiệu là Rama X. Vị quân vương này lưu trú ở nước Đức nhiều hơn là ở Thái Lan. Tại nước Đức, vị vua này có điền sản lớn và thời chưa đăng quang đã ở đó rất nhiều năm. 
Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn.
Nhà vua Thái Lan Maha Vajiralongkorn.

Đối với nước Đức, việc người này lựa chọn nước này làm nơi sinh sống chủ yếu trong suốt thời gian dài là điều rất có lợi, đặc biệt từ khi người này kế nhiệm cha trở thành người đứng đầu nền quân chủ Thái Lan. Thực quyền ở Thái Lan thuộc về Thủ tướng chính phủ trong khi nhà vua là người đứng đầu nhà nước. Cho tới năm nay, việc vị vua này của Thái Lan ở nước Đức không khiến chính giới và dân Đức đau đầu vì khó xử. 

Nhưng từ đầu năm 2020 này, có hai chuyện làm cho sự lưu trú của vị vua kia ở nước Đức trở thành vấn đề lớn. Chuyện thứ nhất là dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra. Vì dịch bệnh này, chính quyền bang Bavaria (nơi Vua Rama X lưu trú) cấm khách sạn nhận khách. Vị vua này thuê riêng hẳn một khách sạn sang cho mình và bầu đoàn thê tử rất đông. Dân Đức không hài lòng khi chính quyền không áp dụng quy định chống dịch bệnh một cách công bằng. 

Chuyện thứ hai là những biến động chính trị xã hội nội bộ ở Thái Lan khiến đất nước này bất an bất ổn về chính trị và xã hội khiến vị vua không thể đứng ngoài nhìn mà phải “cầm quyền” hay “trị vì” theo đúng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Nếu người này làm việc ấy ở Thái Lan thì không sao, nhưng nếu điều hành từ xa trên lãnh thổ Đức, thì lại là chuyện liên quan đến luật pháp.

Luật pháp hiện hành của nước Đức dành cho vị quân vương này những quyền ưu đãi rộng rãi như đối với các nhà ngoại giao, cụ thể là theo Công ước LHQ về quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia. Nhưng luật pháp hiện hành của Đức không cho phép người nước ngoài điều hành chuyện cầm quyền quốc gia từ lãnh thổ nước Đức. Đích thân Bộ trưởng Ngoại giao Đức Heiko Maas đã công khai cảnh báo vị vua của Thái Lan là phía Đức để ý theo dõi và không cho phép vị vua kia điều hành đất nước từ lãnh thổ Đức. 

Vấn đề đặt ra là nếu vua Rama X cứ làm việc ấy thì sao. Cơ quan tư vấn khoa học cho quốc hội Đức đã tiến hành nghiên cứu theo yêu cầu của Đảng Cánh tả về việc này và đưa ra kết luận là chính phủ Đức không thể trừng phạt vị vua kia do bị “bó chân bó tay” bởi Công ước LHQ nêu trên và biện pháp duy nhất chính phủ Đức có thể vận dụng được là trục xuất vị vua như các nhà ngoại giao.

Chỉ có điều là trục xuất nguyên thủ quốc gia sẽ chẳng khác gì gây chuyện kinh thiên động địa. Khi quan hệ song phương giữa hai quốc gia xấu thì chẳng có vị nguyên thủ quốc gia nào đến lưu trú ở quốc gia kia. Khi quan hệ song phương giữa hai quốc gia tốt đẹp thì chuyện trục xuất nguyên thủ quốc gia không thể có được.

Bởi thế mới có cái lệ là không có chuyện nước này trục xuất nguyên thủ quốc gia của quốc gia kia. Cấm cửa lẫn nhau thì có, nhưng đến rồi mà bị trục xuất giữa khi quan hệ song phương ổn thỏa thì chưa hề xảy ra bai giờ. Trục xuất nguyên thủ quốc gia như thế còn nặng nề hơn cả cắt đứt quan hệ ngoại giao.

Mối quan hệ giữa Đức và Thái Lan vốn rất tốt đẹp. Vì thế cái lệ kia khiến phía Đức hiện rất khó xử. Luật thì rõ ràng thật đấy và nếu có được phía Đức vận dụng thì cũng không ai trên thế giới có thể chê trách nước Đức được. Nhưng áp dụng luật trong trường hợp xác định vị quân vương vi phạm luật pháp Đức thì có nghĩa là bất chấp cái lệ nói trên và như thế cái phản tác dụng đối với phía Đức làm quan hệ hai bên sẽ bị tổn hại nghiêm trọng. Vì thế, lệ này sẽ mạnh hơn cả luật.

Đọc thêm