Luật pháp Ai Cập quy định như nào về việc bảo vệ phụ nữ trước tình trạng tấn công tình dục?

(PLVN) - Cuộc chiến bình đẳng, giành lại quyền lợi cho người phụ nữ ở Ai Cập vẫn luôn dai dẳng và vấp phải nhiều khó khăn. Mặc cho luật pháp nước này cũng đã có những điều khoản bảo vệ cho quyền lợi chính đáng của người phụ nữ. Tuy nhiên, trong một đất nước Hồi giáo như Ai Cập việc thực hiện đaược những điều khoản bảo vệ phụ nữ vấn còn nhiều thách thức. 
Luật pháp Ai Cập quy định như nào về việc bảo vệ phụ nữ trước tình trạng tấn công tình dục?

Hai “tấm khiên” 

Hai đạo luật chính bảo vệ và hỗ trợ phụ nữ ở đất nước Ai Cập là Hiến pháp năm 2014 và Bộ luật hình sự năm 1937 với những điều khoản sửa đổi. Tội ác chốang lại phụ nữ ở Ai Cập được chia thành hai nhóm: tội nhẹ và trọng tội. 

Những hành vi như quấy rối tình dục, được coi là tội phạm ít quan trọng hơn trọng tội. Những kẻ phạm hai tội nói trên thường bị trừng phạt bằng tiền phạt và thời gian ngồi tù ngắn hạn.

Những trọng tội thường như cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM), hãm hiếp, bắt cóc một phụ nữ hoặc tấn công tình dục, bị trừng phạt bởi thời gian ngồi tù lâu hơn. Hồ sơ về những kẻ phạm tội này sẽ được lưu vĩnh viễn. 

Trong trường hợp tấn công tình dục, theo phán quyết số 289 ngày 24/4/1950 của Tòa án giám đốc thẩm Ai Cập thì không cần phải chứng minh rằng kẻ phạm tội đã hoàn toàn quan hệ tình dục với nạn nhân, chống lại ý chí của nạn nhân. Việc người phạm tội là chạm vào nạn nhân bằng tay, cơ quan sinh sản hoặc các bộ phận khác trên cơ thể của họ mà trái với ý muốn của nạn nhân. 

Để đảm bảo công lý, Phán quyết số 4794 ngày 14/2/1985 đã được sửa đổi để thêm rằng kẻ tấn công phải có ý định thực hiện hành vi phạm tội trước đó, có nghĩa là hành vi đó không phải là ngẫu nhiên. Luật số 11 năm 2011 của Ai Cập sau đó đã được bổ sung để tăng hình phạt đối với những kẻ tấn công trẻ em dưới 18 tuổi, theo điều 269 Bộ luật hình sự, lên ba đến mười lăm năm tù.

Cùng với đó, kẻ thực hiện hành vi FGM cũng bị tăng thêm thời hạn gian giữ vào năm 2008. Vào tháng 8 năm 2016, Điều 242 của Bộ luật Hình sự cho rằng hình phạt của việc thực hiện FGM là tù với lao động nặng từ 3 năm tới 15 năm. Trong đó những người đi cùng, chứng kiến thì phải nhận mức 3 năm tù.

3 người con gái bị cha lừa đi cắt bỏ bộ phận sinh dục (Ảnh: CNN)
 3 người con gái bị cha lừa đi cắt bỏ bộ phận sinh dục (Ảnh: CNN)

Vào tháng 6/2020, một người cha ở Ai Cập vừa bị bắt giữ và chuẩn bị đem ra xét xử sau khi lừa gạt 3 con gái đi tiêm phòng chống Covid-19 nhưng thực chất là dẫn họ đến chỗ bác sĩ cắt bỏ âm vật. 

Hủ tục cắt bỏ âm vật tại các nước châu Phi xuất phát từ quan niệm lạc hậu, lý do mê tín dị đoan. Hủ tục này thường được thực hiện khi các bé gái còn nhỏ tuổi, song những cô gái ở độ tuổi lớn hơn cũng không tránh khỏi. Nạn nhân sẽ bị cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ cơ quan sinh dục ngoài của phụ nữ và đối diện với nguy hiểm tính mạng khi nhiều người dễ bị sốc do đau dữ dội hay xuất huyết quá nhiều.

Cắt bỏ bộ phận sinh dục nữ (FGM) chính thức bị cấm tại Ai Cập vào năm 2008. Năm 2016, tội này bị hình sự hóa tại đất nước Bắc Phi. Dù vậy, hủ tục này vẫn tồn tại ở nhiều khu vực và rất ít vụ việc bị đem ra xét xử. Sau 4 năm, mới chỉ một bác sĩ phải ngồi tù vì thực hiện phẫu thuật cấm.

Theo số liệu của tổ chức Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF), 87% số phụ nữ ở trong độ tuổi từ 15-49 tuổi ở Ai Cập bị bắt phải thực hiện FGM, trong đó 14% thiếu nữ mới chỉ dưới 14 tuổi.

Trả lại dần những quyền lợi cơ bản

Trong ba thập kỷ qua, Chính phủ Ai Cập cũng đã đưa ra nhiều cải cách để cải thiện mức sống của phụ nữ. Năm 2000, Luật Khula đột phá, được gọi là Luật 1 năm 2000, cho phép phụ nữ nộp đơn ly hôn, trong các cuộc hôn nhân đã đăng ký và chưa đăng ký, mà không cần sự đồng ý của người chồng. Trong cùng năm đó, Ai Cập cũng chứng kiến việc thiết lập quyền cho phụ nữ nộp đơn xin hộ chiếu và đi du lịch mà không cần sự đồng ý của người chồng.

Luật 10 năm 2004 đã thành lập riêng ra Tòa án gia đình, cho phép phụ nữ đòi hỏi quyền lợi của họ và tìm kiếm sự bảo vệ pháp lý khỏi bạo lực gia đình. 

Dựa trên Luật 10, Luật 11 năm 2004 đã thành lập Quỹ Bảo hiểm Gia đình. Đây là một hệ thống mà thông qua đó phụ nữ có thể thu tiền cấp dưỡng theo lệnh của tòa án và tiền cấp dưỡng nuôi con. 

Luật 154 cũng được thay đổi vào năm 2004 để cho phép con của các bà mẹ Ai Cập và một người cha nước ngoài có quyền công dân bình đẳng. Trong quá khứ, người ta chỉ có thể là một công dân Ai Cập nếu cha của họ là người Ai Cập.

Năm 2008, các cải cách cũng được thực hiện để kéo dài quyền nuôi con hợp pháp của người mẹ lên 15 tuổi, nâng tuổi kết hôn hợp pháp lên 18 tuổi. Đặc biệt, trẻ em của Ai Cập sẽ có thể mang họ mẹ nếu không có cha. 

Các điều 11, 52, 60, 67, 71, 80 và 89 của Hiến pháp 2014 đảm bảo việc bảo vệ phụ nữ chống lại bạo lực, tra tấn, cắt xén và buôn bán nội tạng, kích động bạo lực đối với phụ nữ. Các nhóm bảo vệ nữ quyền của phụ nữ Ai Cập cũng lần lượt được hình thành và hoạt động tích cực.

Điển hình như đơn vị Chống bạo lực Phụ nữ (VAW), thành lập vào năm 2015, nhằm mục đích giúp những phụ nữ báo cáo tội phạm bạo lực bằng cách cung cấp cho họ hỗ trợ xã hội và tâm lý. Chiến lược này cũng nhằm ngăn chặn hành vi tiêu cực đối với phụ nữ tận gốc bằng cách giáo dục mọi người và nâng cao nhận thức cộng đồng. Mặc dù là một cơ sở đột phá, đơn vị vẫn chưa bắt đầu hoạt động thường xuyên như dự kiến. 

Ai Cập, cũng có một số lĩnh vực dành cho phụ nữ trong Quốc hội và Hội đồng địa phương. Kể từ năm 2016, phụ nữ đã có 10% ghế Quốc hội và 25% số ghế trong Hội đồng địa phương được phân bổ cho họ. 

Một người phụ nữ bỏ phiếu trong vòng bầu cử quốc hội thứ hai ở ngoại ô Cairo, ngày 10 tháng 1 năm 2012 (Ảnh: Reuters)
 Một người phụ nữ bỏ phiếu trong vòng bầu cử quốc hội thứ hai ở ngoại ô Cairo, ngày 10 tháng 1 năm 2012 (Ảnh: Reuters)

Để lấp đầy 28 ghế quốc hội, là đặc quyền của Tổng thống Ai Cập, ông Abdel Fatah al-Sisi đã bổ nhiệm một số lượng phụ nữ và nam giới ngang nhau, bao gồm cả phụ nữ ở các vị trí cấp cao trong lĩnh vực kinh tế. Hội đồng Phụ nữ Quốc gia Ai Cập, cũng như các tổ chức cơ sở và các tổ chức phi chính phủ, cũng đã tích cực tìm cách phát triển các kế hoạch hành động và nâng cao nhận thức cộng đồng.

Tuy nhiên, không giống như nước láng giềng Cộng hòa Gibuti (Djibouti), Ai Cập vẫn không có luật đảm bảo mức thù lao bình đẳng của phụ nữ cho công việc bình đẳng và không phân biệt đối xử dựa trên giới tính khi tuyển dụng. Trên thực tế người phụ nữ Ai Cập vẫn chịu nhiều thiệt thòi về mức lương nếu cùng gánh vác một công việc giống như người đàn ông.

Những cải cách luật pháp gần đây, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Abdel Fatah al-Sisi, đã tìm cách kiềm chế tỷ lệ phụ nữ bị quấy rối hoặc tấn công về thể chất, tâm lý hoặc tình dục. 

Mặc dù, luật pháp Ai Cập đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong việc bảo vệ quyền lợi của người phụ nữ, nhưng thực tế việc áp dụng những đạo luật này vẫn gặp nhiều khó khăn. Ví như, tháng 11/2019, công tố viên đã giải quyết tất cả cáo buộc chống lại Amira Ahmed (15 tuổi), người thú nhận đã giết tài xế xe buýt khi hắn ta cố gắng hãm hiếp cô. Vụ án được xem là hành vi tự vệ, mang lại chiến thắng cho nữ quyền và giúp thay đổi nhận thức của công chúng về bạo lực tình dục đối với phụ nữ. 

Điều này chứng tỏ, luật pháp Ai Cập cần phải mạnh mẽ hơn nữa trong việc xử lý những kẻ tấn công tình dục phụ nữ. Tuy nhiên, điều cốt lõi vẫn nằm ở việc thay đổi tư duy và quan niệm của cả một hệ tư tưởng tôn giáo hà khắc với phụ nữ như Ai Cập hiện đại. 

Đọc thêm