Luật quốc gia và lịch sử tôn giáo thế giới

(PLVN) - Haghia Sophia là tên gọi của một công trình kiến trúc ở thành phố Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ). Thành phố này ở thời cổ đại đến trung đại có tên gọi là Constantinopel. 
Nhà thờ Haghia Sophia.
Nhà thờ Haghia Sophia.

Nói đến Constantinopel thì lại không thể không liên tưởng đến sự phân rẽ trong nội bộ nhà thờ Thiên chúa giáo thành Thiên chúa giáo với trung tâm quyền lực và tinh thần là Tòa thánh Vatican ở thủ đô Roma của Italy và Thiên chúa giáo chính thống coi Constantinopel là thánh địa - như Mecca hay Medina đối với đạo Hồi. 

Haghia Sophia được xây dựng năm 532 làm một nhà thờ Thiên chúa giáo. Thuở ấy, nó được coi là nhà thờ Thiên chúa giáo lớn nhất trên thế giới. Haghia Sophia có nghĩa là “Vẻ đẹp thần thánh”, hàm ý về uy quyền tuyệt đối và ảnh hưởng bao trùm của đạo Thiên chúa.

Nhưng rồi về sau, đạo Hồi cứ dần thắng thế ở vùng giáp ranh giữa châu Âu và Tây Á này. Năm 1452, đế chế Hồi giáo ở vùng này thống trị, luật pháp của đế chế này đã làm thay đổi hoàn toàn công năng, giá trị cũng như sứ mệnh của Haghia Sophia. Ở đây cũng có hàm ý chính trị và tôn giáo, cụ thể là thể hiện hình ảnh đạo Hồi đánh bại và đẩy lùi đạo Thiên chúa. Haghia Sophia được xây dựng thêm 4 tháp nhọn ở bốn góc đặc thù cho hình ảnh về nhà thờ của đạo Hồi. 

Hơn 450 năm sau, Đế chế Osman tan rã. Từ đống đổ nát của đế chế này, ông Mustafa Kemal Atartuerk đã thành lập nên đất nước Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay, đặt thủ đô ở thành phố Ankara. Ông Atatuerk chủ trương gắn kết Thổ Nhĩ Kỳ với châu Âu, tiến hành cải cách hiện đại hóa đất nước này và vì thế phải thực hiện tách biệt nhà nước với tôn giáo.

Để tránh bùng phát xung khắc giữa người theo đạo Hồi và người theo đạo Thiên chúa về Haghia Sophia, ông Atartuerk quyết định chuyển Haghi Sophia thành một viện bảo tàng, chung chung như thế để không bên nào còn có thể tranh chấp. Haghia Sophia là của chung chứ không phải là của riêng ai. Năm 1985, UNESCO công nhận 

Haghia Sophia là di sản văn hóa chung của nhân loại. Ở đây cũng lại có chuyện luật quốc gia phán quyết về chính danh của một nhân chứng lịch sử tôn giáo và tín ngưỡng thế giới.

Hơn 80 năm qua cứ như thế với Haghia Sophia. Nhưng rồi tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan lên cầm quyền và chủ trương Hồi giáo hoá đất nước này cũng như gây dựng cho mình hình ảnh nếu không nổi bật và nổi trội hơn người lập quốc Atatuerk thì ít nhất cũng phải ngang hàng. Ông Erdogan có lợi ích thiết thực và nhu cầu cấp thiết tranh thủ người theo đạo Hồi ở Thổ Nhĩ Kỳ và trong thế giới Hồi giáo.

Một trong những phương cách được ông Erdogan vận dụng nhằm đạt được mục tiêu này là chuyển Haghi Sophia từ một viện bảo tàng lại thành một nhà thờ của đạo Hồi. Mới đây, mọi thủ tục pháp lý cần thiết ở Thổ Nhĩ Kỳ đều đã được hoàn tất cho việc này. Haghia Sophia trở về thời Trung cổ chứ không phải trở về cội nguồn tôn giáo ban đầu của nó. Ở đây có chuyện luật pháp và quyền lực quốc gia viết lại một đoạn lịch sử tôn giáo thế giới.

Trong chuyện luật quốc gia và lịch sử tôn giáo thế giới này, phía Thổ Nhĩ Kỳ bị các nước châu Âu, EU và Tòa thánh Vatican phản đối mạnh mẽ. Các nước phương Tây thậm chí còn coi quyết sách liên quan của Thổ Nhĩ Kỳ là lời tuyên chiến với phương Tây.

Xưa nay, thời thế và chính trị thay đổi thì luật pháp quốc gia cũng thay đổi. Luật pháp mới và chính sách mới có thể tác động tới tương lai của thế giới chứ không thể làm thay đổi được quá khứ lịch sử đã xảy ra. Cái lệ ở đây là dùng luật và quyền ở thời hiện tại để xử lý chuyện quá khứ, thậm chí còn chính trị hóa quá khứ và là lợi dụng, lạm dụng luật và quyền hiện tại để thay đổi quá khứ lịch sử.

Đọc thêm