Luật thời dịch bệnh

(PLVN) - Dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra tiếp tục ám ảnh thế giới. Bức tranh chung của cả thế giới trong chuyện này thật ảm đạm khi chỉ có rất ít nơi thành công với việc đẩy lùi dịch bệnh. Số liệu thống kê tính đến 6h sáng 8/10/2020 cho thấy cả thế giới có hơn 36 triệu người bị lây nhiễm dịch bệnh và đã có  1.059.193 người bị thiệt mạng bởi dịch bệnh.
(ảnh minh họa).
(ảnh minh họa).

Xưa nay luôn có hai cách ứng phó hiệu quả nhất với dịch bệnh là chế tạo vaccine (vắc-xin) phòng ngừa và cách ly nguồn lây nhiễm dịch bệnh. Chế tạo vaccine là việc nghiên cứu khoa học còn cách ly nguồn lây nhiễm dịch bệnh là chuyện luật pháp và quản lý hành chính nhà nước. 

Ngay từ sau khi dịch bệnh bùng phát, ở rất nhiều nơi trên thế giới đã bắt tay ngay vào việc nghiên cứu tìm ra vaccine. Theo quy định của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), quy trình công nhận và cho phép lưu hành vaccime rất cụ thể và rõ ràng, phải trải qua những công đoạn khác nhau theo trình tự nhất định.

Cho tới nay, các loại vaccine vẫn đều ở trong tình trạng được thử nghiệm lâm sàng trên diện rộng. Nước Nga trên thực tế đã “đốt cháy giai đoạn” trong chừng mực nhất định với vaccine. Chính vì thế mà ở bên ngoài nước Nga vẫn có mức độ hoài nghi cao về hiệu ứng thực sự loại vaccine này. Mọi dự báo đều cho thấy sớm nhất thì cũng phải trong nửa sau của năm tới thì thế giới mới có thể có vaccine phòng ngừa dịch bệnh này.

Để ứng phó dịch bệnh, chính phủ mọi nơi đều áp dụng biện pháp giãn cách hoặc cách ly xã hội đi cùng với những biện pháp như bắt buộc đeo khẩu trang, giữ khoảng cách ở nơi công cộng, đóng cửa biên giới, cách ly bắt buộc đối với người nhập cảnh...

Không phải nơi nào cũng làm, nhưng một số nơi thực hiện biện pháp truy vết lây nhiễm dịch bệnh đến tận gốc và khoanh vùng ổ dịch. Những biện pháp này đưa lại tác dụng rất cao nhưng với điều kiện là người dân phải tuân thủ và thực hiện nghiêm chỉnh. Chính trên phương diện này xuất hiện vấn đề hiệu lực trên thực tế của luật ở thời dịch bệnh.

Nhà nước dùng luật và các biện pháp hành chính để ứng phó dịch bệnh. Các biện pháp này có giá trị pháp lý như luật bởi được hợp pháp hóa nhờ quyền hạn của nhà nước. Nhưng ở nhiều nơi trên thế giới có bộ phận không hề nhỏ người dân có quan điểm cho rằng những luật mới và biện pháp hành chính mới ấy trái ngược với những quyền khác của họ được pháp luật đảm bảo.

Cho nên ở không ít nơi trên thế giới có tình trạng người dân bất chấp những quy định, biện pháp hay luật mới nhằm ứng phó dịch bệnh. Chẳng hạn như cấm tụ tập đông người thì họ vẫn tụ tập, bắt buộc đeo khẩu trang thì họ không đeo. Thậm chí ở một số quốc gia còn dậy lên làn sóng biểu tình phản đối những biện pháp chính sách của chính phủ nhằm ứng phó dịch bệnh.

Thực tiễn đến nay trên thế giới cho thấy đúng là các biện pháp của chính phủ ứng phó quyết liệt với dịch bệnh có động chạm đến một số quyền tự do của cá nhân. Nhưng ở tất cả những nơi coi trọng các quyền cá nhân này hơn nhu cầu cấp thiết ứng phó dịch bệnh đều không thành công với việc ứng phó dịch bệnh và rồi cho đến nay vẫn chưa thoát được ra khỏi dịch bệnh. Không ít nơi vì thế mà dịch bệnh bùng phát trở lại đến vài lần. 

Dịch bệnh đẩy mọi nơi vào tình thế đặc biệt và tạo ra tình huống đặc biệt, vì thế đòi hỏi không những chỉ có luật pháp và biện pháp hành chính đặc biệt mà còn cả trách nhiệm đặc biệt đối với nhà nước và người dân. Chừng nào nhà nước không coi trọng trách nhiệm bảo vệ dân trước dịch bệnh (như ở Mỹ hay Anh), hoặc chừng nào người dân không có ý thức trách nhiệm trước an toàn cho cả xã hội (như ở nhiều quốc gia châu Âu) thì chừng đó các nơi này không thể đẩy lùi được dịch bệnh. 

Đọc thêm