Mỹ ngừng đóng góp tài chính cho WHO: Lợi đơn, hại kép?

(PLVN) - Giới quan sát cho rằng, ông Trump dùng cuộc công kích nhằm vào WHO để ám chỉ Trung Quốc và dùng cả Trung Quốc lẫn WHO làm những đối tượng bị đổ hết trách nhiệm về dịch bệnh nhằm làm cho dư luận và cử tri ở Mỹ bớt để ý đến chính cung cách bối rối và không thích hợp mà ông Trump vận dụng để đối phó dịch bệnh ở nước Mỹ.
Mỹ ngừng đóng góp tài chính cho WHO: Lợi đơn, hại kép?

Chỉ vài ngày sau khi tuyên bố xem xét lại đóng góp tài chính của Mỹ cho ngân quỹ hoạt động của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã quyết định ngừng toàn bộ việc tài chi của Mỹ cho WHO. Ông Trump biện giải cho quyết định này bằng cáo buộc WHO đã không làm đúng chức trách của tổ chức này của Liên Hợp quốc là cảnh báo kịp thời cho thế giới biết về dịch bệnh viêm phổi cấp do virus corona sau khi nó bùng phát ở Trung Quốc. 

Ông Trump cáo buộc WHO đã tiếp tay cho Trung Quốc bưng bít thông tin về thời điểm dịch bệnh bùng phát và cách thức Trung Quốc đối phó dịch bệnh. Ông Trump cho rằng chính vì thế mà dịch bệnh này mới có thể lây lan ra khắp thế giới và WHO cùng với Trung Quốc phải chịu trách nhiệm về dịch bệnh này.

Thật ra, có thể nhận thấy rằng ông Trump dùng cuộc công kích nhằm vào WHO để ám chỉ Trung Quốc và dùng cả Trung Quốc lẫn WHO làm những đối tượng bị đổ hết trách nhiệm về dịch bệnh nhằm làm cho dư luận và cử tri ở Mỹ bớt để ý đến chính cung cách bối rối và không thích hợp mà ông Trump vận dụng để đối phó dịch bệnh ở nước Mỹ.

Nếu trong cử tri Mỹ hình thành và củng cố nhận thức và đánh giá là ông Trump đã xử lý không tốt và không hiệu quả cuộc khủng hoảng dịch bệnh hiện tại thì triển vọng ông Trump được tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống sắp tới sẽ bị đe dọa thật sự và rất nghiêm trọng. Ông Trump nhằm vào tác động đánh lạc hướng dư luận ấy và rồi đây sẽ lộ rõ tác dụng của chiêu thức này. Nhưng sự phản tác dụng của nó đã đến, khi ông Trump quyết định ngừng mọi đóng góp tài chính của nước Mỹ cho WHO vấp phải sự phê phán và lên án mạnh mẽ của thế giới. 

Cả trong khuôn khổ diễn đàn G7, ông Trump cũng bị các thành viên khác phê phán và phản đối. Với cách hành xử như thế, ông Trump làm suy yếu vai trò và ảnh hưởng của nước Mỹ trên thế giới. Chính trong bối cảnh tình hình cả thế giới bị đe dọa và phải đối phó với dịch bệnh như hiện tại, vai trò của WHO càng thêm quan trọng và việc tăng cường sức mạnh cũng như năng lực cho WHO càng thêm cần thiết. 

Ngoài ra, ông Trump gây khó khăn tài chính như thế, mà lại còn gắn việc ấy với cả Trung Quốc thì sẽ mở đường và tạo cơ hội cho những đối tác khác, đặc biệt là Trung Quốc, gây dựng vai trò và ảnh hưởng nổi trội trong WHO. Các thành viên của WHO cũng sẽ không để cho hoạt động của tổ chức này bị rối loạn chỉ vì Mỹ ngừng đóng góp tài chính cho WHO. Về lâu dài, cái phản tác dụng sẽ trở nên rất tai hại đối với nước Mỹ. 

Đọc thêm