Ngày mai, nước Mỹ bước vào cuộc bỏ phiếu gay cấn bầu cử Tổng thống

(PLVN) - Ngày mai, 3/11, nước Mỹ chính thức bước vào cuộc bầu cử Tổng thống. Tuy nhiên, từ trước đó gần 1 tuần, tổng số phiếu đi bầu sớm của cử tri Mỹ đã đạt mức cao kỷ lục, bằng già nửa tổng số phiếu bầu được tính trong năm bầu cử 2016.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu sớm.
Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu sớm.

Những con số kỷ lục

Tính đến ngày 29/10, tức là còn 5 ngày nữa mới đến ngày bầu cử chính thức nhưng đã có hơn 80 triệu phiếu bầu sớm được gửi đi. Đây là con số cao kỷ lục, tương đương 58% tổng số phiếu bầu của cuộc bầu cử năm 2016. Trong năm bầu cử 2016, tổng số phiếu bầu sớm tại Mỹ là 47,2 triệu phiếu trên tổng số 138 triệu phiếu bầu. 

Truyền thông Mỹ cho biết, số phiếu bầu sớm cao kỷ lục nói trên cho thấy sự quan tâm mạnh mẽ của cử tri Mỹ đến cuộc “so găng” giữa 2 ứng viên trong cuộc bầu cử năm nay là đương kim Tổng thống Donald Trump của đảng Cộng hòa và đối thủ của ông - ứng viên của đảng Dân chủ Joe Biden. 

Con số cử tri đi bỏ phiếu bầu sớm nói trên cũng cho thấy sự lo ngại của cử tri Mỹ về nguy cơ phơi nhiễm với Covid-19, đặc biệt là ở nhóm cử tri lớn tuổi và những người có bệnh nền. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã khuyến nghị cử tri bỏ phiếu từ xa và bỏ phiếu qua bưu điện để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh, thúc đẩy nhiều tiểu bang thực hiện bỏ phiếu qua thư hơn so với những năm trước. Một số bang cũng đã tổ chức nhiều địa điểm bỏ phiếu sớm, giúp các cử tri phải không phải xếp hàng cũng như gặp khó khăn trong ngày bầu cử.

Hình thức bỏ phiếu quen thuộc

Trong số các phiếu bầu sớm được ghi nhận đến tuần qua, số lượng phiếu được bỏ qua bưu điện chiếm số lượng lớn, nhiều hơn gấp đôi so với lượng phiếu bầu trực tiếp. Ước tính, số phiếu bầu qua bưu điện sẽ đạt mức kỷ lục cho ngày bầu cử 3/11 sau khi một số tiểu bang kéo dài việc bỏ phiếu qua hình thức này nhằm ứng phó đại dịch Covid-19. Hình thức bỏ phiếu qua bưu điện đã được triển khai ở Mỹ từ nhiều năm qua, rất đông người Mỹ đã quen với hình thức bỏ phiếu này. Trong kỳ bầu cử tổng thống 2016, đã có 33 triệu cử tri gửi lá phiếu của mình qua đường bưu điện, tức là khoảng gần 1/4 số cử tri.

Tại Mỹ, việc bỏ phiếu qua đường bưu điện được quy định chặt chẽ. Các phiếu bầu được in trên loại giấy đặc biệt. Phiếu phải được ký tên và niêm phong trong một phong bì riêng. Sau khi cử tri đã lựa chọn, phiếu bầu được gửi đi. Người gửi khi đó sẽ trực tiếp đến bưu điện hoặc bỏ phong bì vào một hộp thư an toàn. Ngày bầu cử, các phiếu bầu này sẽ được tập hợp, đối chiếu với danh sách cử tri và kiểm đếm. Một số ý kiến vừa qua lo ngại rằng việc cử tri ồ ạt bỏ phiếu qua bưu điện sẽ khuyến khích tình trạng gian lận. Song, theo truyền thông Mỹ, nhìn chung, gian lận trong bầu cử là một hiện tượng ít khi xảy ra ở Mỹ. 

Theo cơ quan tư vấn The Heritage Fondation, một tổ chức có tiếng là bảo thủ, trong khoảng từ năm 1979 đến 2020, trong tất cả các cuộc bầu cử tại Mỹ, người ta chỉ ghi nhận chưa đầy 1.300 trường hợp gian lận. Thậm chí công ty tư vấn Brenann Center for Justice còn ví von rằng xác suất để một người Mỹ bị sét đánh còn dễ hơn là gian lận bầu cử. 

“Nếu xem xét tình trạng gian lận trong bỏ phiếu qua thư thì thấy tỷ lệ này rất thấp. Người ta không thấy có gian lận ồ ạt với việc bỏ phiếu qua thư ”, bà Julie Wise (Giám đốc cơ quan tổ chức bầu cử hạt King, bang Washington) cũng nhận định. Ví dụ, tại bang Oregon, đa số người dân ở đây từ năm 1998 đã bỏ phiếu qua bưu điện. Đến năm 2019, đã có hơn 15 triệu phiếu bầu theo phương thức qua đường thư và chỉ có 14 trường hợp gian lận được ghi nhận.

Một nghiên cứu trên kết quả bầu cử ở 3 bang của Mỹ trong 22 năm từ 1996  đến 2018 và một nghiên cứu tập trung vào 40 triệu phiếu bầu ở 2 bang trong vòng 26 năm từ 1992-2018 đều cho thấy việc bầu cử qua bưu điện không tạo thuận lợi cho một phe phái chính trị nào. 

“Cách thức bầu cử này chỉ tạo thuận lợi cho bỏ phiếu”, ông Jake Grumbach (Phó Giáo sư khoa học chính trị - Đại học Washington) khẳng định. Một số ý kiến khác cũng chỉ ra rằng việc phổ cập bầu cử qua đường bưu điện sẽ tạo điều kiện tăng tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu, mà theo một nghiên cứu của trường Đại học Standford là thêm khoảng 2%. Theo một ước tính, 84% cử tri Mỹ có thể tham gia bỏ phiếu qua bưu điện trong kỳ bầu cử tổng thống 2020.

Sự quan tâm của người trẻ

Ngoài ra, tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, người ta cũng ghi nhận việc những người trẻ từ 18 tới 29 tuổi đi bầu sớm đông đảo chưa từng thấy. Theo các dữ liệu của một trung tâm nghiên cứu của Đại học Tufts, con số cử tri trẻ tuổi đi bầu sớm năm nay đã tăng vọt, đặc biệt tại các bang thiết yếu đối với ông Biden và ông Trump như Michigan, Florida và North Carolina.

Tính cho tới ngày 21/10, gần 258.000 cử tri trẻ tuổi ở Florida đã đi bầu, nhiều hơn hẳn so với số cử tri trẻ đi bầu vào cùng thời điểm năm 2016. Tại Texas, gần 500.000 người từ 18 tới 29 tuổi cũng đã đi bầu. Quyền lực chính trị mà giới trẻ nắm trong tay là đáng kể. 

Những người thuộc thế hệ Millenials, tức những người sinh từ năm 1980 đến 1995 và một số từ “Thế hệ Z” - tức những người sinh từ năm 1996 tới 2015 chiếm tới 37% số cử tri đủ điều kiện đi bầu tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay, tương đương với thế hệ Baby Boomers (1946-1964) và những người thuộc thế hệ lớn tuổi hơn. Trong nhiều thập niên, giới trẻ ở Mỹ tỏ ra lơ là với bầu cử nhưng năm nay các nhóm vận động cử tri tham gia bầu cử đã tăng cường nỗ lực để thay đổi con số thống kê này.

Cuộc đua tốn kém nhất lịch sử

Theo một báo cáo được Trung tâm phản ứng chính trị (CRP) công bố trong tuần qua, các chiến dịch tranh cử tổng thống, Thượng viện và Hạ viện Mỹ trong mùa bầu cử năm nay tiêu tốn tổng cộng 14 tỷ USD, cao gấp đôi chi phí cho cuộc tổng tuyển cử cách đây 4 năm, đưa đây có thể trở thành cuộc bầu cử tốn kém nhất trong lịch sử nước Mỹ.

Trong đó, theo CRP, chi phí lớn nhất trong khoản chi tiêu chính trị trong năm nay thuộc về cuộc đua vào Nhà Trắng. Chỉ riêng chiến dịch tranh cử của ông Biden và Tổng thống đương nhiệm Donald Trump được dự đoán đã tốn tới khoảng 6,6 tỷ USD, tăng vọt so với mức 2,4 tỷ USD trong cuộc bầu cử năm 2016.

CRP cũng cho rằng ông Biden sẽ là ứng cử viên đầu tiên trong lịch sử huy động được 1 tỷ USD từ các nhà tài trợ. Chiến dịch tranh cử của ông này đã huy động được 938 triệu USD tính tới ngày 14/10. Trong khi đó, Tổng thống Trump đã huy động được 596 triệu USD. Đảng Dân chủ đang chiếm ưu thế về tài chính trong cuộc bầu cử năm nay khi huy động được gần 1,7 tỷ USD, trong khi đảng Cộng hòa là 1 tỷ USD. 

Đọc thêm