Người dân Ấn Độ đối mặt với cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhiều bệnh nhân tại Ấn Độ đã tử vong do tình trạng oxy cạn kiệt ở một số bệnh viện, người dân buộc phải điều trị cho thân nhân tại nhà nhưng muốn mua thuốc và bình oxythì dù có chi ra gấp 10 lần tiền cũng chưa chắc có được...Đó là tình trạng báo động và nguy cấp mà Ấn Độ đang phải đối mặt trong làn sóng Covid-19 lần này.
Cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ tại Ấn Độ.
Cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ tại Ấn Độ.

Hệ thống quá tải

Câu chuyện của bà Renu Singhal (một cư dân ở khu vực Awas Vikas Sector, Agra, bang Uttar Pradesh's Agra), đưa đưa chồng là Ravi Singhal (47 tuổi) dương tính với virus corona chủng mới đi cấp cứu nhưng tới đi qua 4 bệnh viên tư nhân khác nhau nhưng đều bị từ chối tiếp nhận điều trị.

Đến khi chạy đến Bệnh viện Cao đẳng Y Sarojini Naidu (SNMC), tình hình sức khỏe người chồng ngày càng xấu đi, nghẹt thở và có dấu hiệu lịm dần. Renu cuống cuồng tìm mọi cách hồi tỉnh chồng, kể cả vảy nước lên người ông và cố gắng hô hấp nhân tạo nhưng vô hiệu. Ravi rốt cuộc tử vong trong vòng tay của vợ, ngay bên ngoài bệnh viện.

Sự cố xảy ra cuối tuần trước, sau khi được chia sẻ trên mạng xã hội, những bức ảnh chụp cặp đôi Renu - Ravi trong tình huống éo le đã gây xúc động mạnh và cả sự phẫn nộ trong dư luận. Chúng đã lột tả chân thực thảm cảnh của người dân Ấn Độ trong cơn “sóng thần” dịch bệnh.

Các trường hợp bệnh nhân Covid-19 thiệt mạng vì thiếu dưỡng khí và không được nhập viện điều trị trở nên phổ biến ở thành phố Agra và nhiều nơi khác khắp Ấn Độ. Quá tải trước sự gia tăng đột biến số ca mắc mới, các bệnh viện đã cạn kiệt oxy y tế, thuốc điều trị và giường bệnh, nên buộc phải từ chối tiếp nhận thêm bệnh nhân.

Cho tới tuần này, tình hình tại các bệnh viện khắp Agra chưa có dấu hiệu khả quan hơn. Gia đình và người nhà của các bệnh nhân đang phải chật vật sục sạo khắp nơi tìm mua bình oxy, thuốc điều trị và giành giật cơ hội được nhập viện cho họ. Trong khi các bệnh viện ở Delhi và nhiều thành phố khác đã hết giường, nhiều gia đình buộc phải tìm cách tự điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Bà Renu cố gắng hô hấp nhân tạo cho chồng bị nhiễm Covid-19.
 Bà Renu cố gắng hô hấp nhân tạo cho chồng bị nhiễm Covid-19.

Vật tư y tế bị đẩy giá

Trong nỗi tuyệt vọng tột cùng, nhiều người ở Ấn Độ đã phải tìm đến thị trường chợ đen, nơi giá các loại thuốc thiết yếu, bình oxy tăng sốc và các loại thuốc đáng ngờ xuất hiện nhan nhản.

Anshu Priya dành gần như cả ngày cuối tuần qua để săn lùng bình oxy sau khi không tìm thấy bất kỳ giường bệnh trống nào ở New Delhi hay tại khu ngoại ô Noida cho bố chồng. Cô đành tìm đến thị trường chợ đen và phải trả 670 USD cho một chiếc bình oxy mà thường ngày chỉ đáng giá 80 USD. 

Tình hình đặc biệt nghiêm trọng ở Delhi, nơi không còn giường chăm sóc đặc biệt (ICU). Nhưng thách thức họ phải đối mặt vẫn là rất lớn, từ việc xét nghiệm máu đến chụp CT hoặc X-Quang. Lý do là các phòng xét nghiệm đang quá tải và phải mất đến 3 ngày mới có kết quả, gây khó khăn cho bác sĩ khi đánh giá mức độ tiến triển của bệnh.

Một bác sĩ tại Delhi nói rằng các bệnh viện của thành phố đang chìm vào tuyệt vọng và nhiều nơi phải đưa ra cảnh báo mỗi ngày rằng họ chỉ còn đủ oxy dùng trong vài giờ. Ông lo ngại rằng một thảm kịch lớn có thể xảy ra. 

Trong tình thế ấy, Tiwari, trong một nỗ lực cứu chữa cho anh trai mình, được bác sĩ kê đơn mua thuốc chống virus Remdesivir. Tiwari không thể tìm thấy loại thuốc này ở bất kỳ hiệu thuốc nào và cuối cùng đành phải tìm đến chợ đen. 

Thuốc Remdesivir đang khan hiếm đến nỗi gia đình các bệnh nhân điều trị tại nhà đổ xô đi mua chúng. Họ muốn dự trữ thuốc trong trường hợp bệnh nhân phải nhập viện và có thể cần thuốc.

Mặc dù chính phủ đã cấp phép cho 7 công ty sản xuất Remdesvir và yêu cầu đẩy mạnh năng suất nhưng theo nhà dịch tễ học Lalit Kant, quyết định được đưa ra quá muộn và tất cả đã không chuẩn bị trước cho đợt sóng Covid-19 thứ hai.

Một loại thuốc khác đang có nhu cầu rất lớn là Tocilizumab. Loại thuốc này thường được dùng để điều trị viêm khớp nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra rằng nó có thể giúp hạn chế việc thở máy ở những bệnh nhân nặng. Thường ngày một lọ Tocilizumab 400 mg chỉ có giá khoảng 433 USD nhưng người dân đã phải trả gần 3.340 USD để mua một liều. Cái giá trên trời, nhưng nhiều người không còn lựa chọn nào khác. 

Thuốc Remdesivir giả cũng đang xuất hiện rầm rộ trên thị trường chợ đen. Một tay buôn đã khẳng định với BBC rằng thuốc của ông là “hàng thật 100%” mặc dù công ty sản xuất không nằm trong danh sách được cấp phép và vỏ hộp thuốc xuất hiện đầy lỗi chính tả. Nhưng người dân Ấn Độ tuyệt vọng đến nỗi họ sẵn lòng mua cả những thứ thuốc đáng ngờ. Không ít người đã bị lừa.  

Chính quyền nhiều bang đã hứa sẽ xử lý thị trường chợ đen Remdesivir nhưng tình hình vẫn chưa được cải thiện. Tiwari cho biết những người như ông không có lựa chọn nào khác ngoài trả thêm tiền. “Trong khi người thân của bạn không được chữa trị ở bệnh viện, giờ đây bạn cũng không thể cứu họ ở nhà nữa rồi”, ông nói.

Những con số đáng báo động

Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ có ký hiệu B.1.617, hiện đang càn quét đất nước này, nhưng WHO chưa xác nhận biến thể này có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn các biển thể khác hay không.

Hiện Ấn Độ đang là điểm nóng dịch bệnh của thế giới, với số ca mắc mới và tử vong liên tục tăng. Riêng thủ đô Delhi tối 29/4 đã ghi nhận mức cao kỷ lục 395 ca tử vong do COVID-19 trong 24 giờ, nâng tổng số ca tử vong tại thành phố này lên 15.772 người.Thành phố này cũng ghi nhận 24.235 ca mắc Covid-19 mới trong 24 giờ, tỷ lệ xét nghiệm dương tính ở mức gần 33. Trong tổng số 21.152 giường bệnh tại các bệnh viện của thành phố, chỉ có 1.628 giường còn trống. Tổng cộng 53.440 bệnh nhân COVID-19 đang được cách ly tại nhà. Hiện các bệnh viện ở Delhi đang đối mặt với tình trạng thiếu oxy nghiêm trọng và thậm chí nhiều người phải lên mạng xã hội để tìm kiếm nguồn cung oxy y tế.

Nhiều bệnh nhân đã tử vong sau khi oxy cạn kiệt ở một số bệnh viện. Số ca tử vong gia tăng hàng ngày đã gây ra tình trạng quá tải các cơ sở hỏa táng trên khắp thành phố. Cảnh sát Delhi đã yêu cầu cơ quan dịch vụ công ích tìm thêm các địa điểm để làm nơi hỏa táng. 

Theo trang thống kê worldometers.info, hiện Ấn Độ ghi nhận tổng cộng hơn 18,75 triệu ca mắc, trong đó hơn 208.300 ca tử vong. Ấn Độ đứng thứ 2 thế giới về số ca mắc, chỉ sau Mỹ và đứng thứ 3 thế giới về số ca tử vong, sau Mỹ và Brazil.

Đọc thêm