Những cuộc chiến hào hùng mang dấu ấn từ khẩu thần công đến hệ thống tên lửa tối tân của Nga

(PLVN) - Ngày 19/11, Nga kỷ niệm Ngày Lực lượng Tên lửa và Pháo binh theo sắc lệnh đặc biệt của Tổng tư lệnh tối cao - Tổng thống Nga vào năm 2006. Ngày này khiến nhiều người nhớ đến lịch sử phát triển đầy hào hùng của các hệ thống pháo binh và tên lửa chiến thuật của Nga.
Hệ thống tên lửa chiến lược Iskander của Nga.
Hệ thống tên lửa chiến lược Iskander của Nga.

Lịch sử đầy hào hùng

Pháo binh được coi là một trong những binh chủng lâu đời nhất của quân đội Nga. Lịch sử Nga ghi nhận những thông tin đầu tiên về việc người Nga sử dụng pháo từ cuối thế kỷ 14. Theo đó, vào năm 1382, những người bảo vệ thành Moscow đã lần đầu tiên sử dụng đại bác để ngăn chặn cuộc vây hãm của quân đội Mông Cổ. Một thế kỷ sau, vào năm 1488, một tổ chức đặc biệt đã được thành lập ở thủ đô của Nga ngày nay với nhiệm vụ phát triển “súng thần công”. Nơi này về sau này trở thành công xưởng thiết kế và sản xuất vũ khí lớn của Nga.

Vào năm 1547, dưới thời Sa hoàng Ivan IV, pháo binh đã trở thành một nhánh độc lập của quân đội Nga. Với hơn 2.000 khẩu, Nga khi đó là nước có tổng số pháo lớn nhất thế giới. Pháo binh Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong cuộc vây hãm và đánh chiếm Kazan do đội quân của Ivan thực hiện vào mùa hè và mùa thu năm 1552. Các ghi chép cho biết, lực lượng Nga khi đó đã huy động khoảng 150 khẩu pháo, trong đó có những khẩu pháo vây thành uy lực đặt trên khung bánh, rất cơ động để phục vụ cho cuộc chiến. 

Năm 1586, người thợ cả Andrey Chokhov đã đúc một khẩu pháo khổng lồ bằng đồng được gọi là pháo Sa hoàng. Khẩu pháo này có trọng lượng lên tới hơn 39 tấn với cỡ nòng lên tới 890 mm và chiều dài nòng là cỡ 6. Có điều, dù được chế tạo như một vũ khí chiến đấu thực sự nhưng khẩu pháo này chưa bao giờ được khai hỏa. Lần duy nhất mà khẩu pháo “khủng” này suýt nữa được “khoe” sức mạnh là vào mùa hè năm 1591, khi đội quân người Krym Tatar của Khan Gaza-Gerai đến gần Moscow. 

Khi đó, khẩu pháo Sa hoàng đã được đưa đến hướng nguy hiểm nhất và chuẩn bị được khai hỏa. Song, kẻ địch của phía Nga đã bị đánh bại bởi những khẩu pháo cỡ nhẹ hơn cùng hỏa lực súng trường dày đặc trước khi pháo Sa hoàng kịp được đưa vào sử dụng. Trải qua những thay đổi của thời đại, chiến tranh, cách mạng, pháo Sa hoàng đến nay vẫn còn tồn tại và được trưng bày ở Điện Kremlin tại thủ đô Moscow để mọi người có thể chiêm ngưỡng.

Trong vài thế kỷ tiếp theo, nước Nga đã tiến hành nhiều cuộc chiến tranh, không phải tất cả đều chiến thắng. Tuy nhiên, trong tất cả các sự kiện đó, pháo binh Nga luôn thể hiện được phẩm chất, kỹ năng, sức chịu đựng và tinh thần chiến đấu cao nhất. Một trong những người có đóng góp đáng kể vào sự phát triển của pháo binh ở Nga là Piotr I Đại đế. Ở đầu thế kỷ 18, ông không chỉ tự mình nghiên cứu sâu lý luận pháo binh mà còn thực hiện nhiều bước thực tế để phát triển sản xuất vũ khí này. Sa hoàng Nga đã ra lệnh dùng đồng chuông nhà thờ chế tạo các khẩu đại bác. 

Cùng với đó, Lực lượng pháo binh của Nga cũng không ngừng được cải tiến về mặt kỹ thuật và tổ chức. Thế kỷ 17, các thợ thủ công Nga đã tạo ra các khẩu pháo được trang bị khóa nòng, với phần chốt nêm có thể kéo ra và “vít vào” - nguyên mẫu của khóa nòng piston hiện đại. Với cải tiến này, những người lính pháo binh của Nga không còn cần phải phơi mình trước nguy hiểm bằng cách nạp đạn từ đầu nòng. Song, vẫn phải mất thêm gần 200 năm nữa tất cả các loại súng và pháo của Nga mới được nạp đạn từ phía sau và sử dụng rộng rãi khóa nòng. Chỉ có súng cối là vẫn dùng cách nạp đạn từ đầu nòng.

Vào đầu thế kỷ 18, pháo binh của Nga được chia thành 3 loại, bao gồm dã chiến, công thành và phòng ngự pháo đài. Và phải sau 100 năm nữa, các trung đoàn và lữ đoàn pháo binh của nước này mới bắt đầu được hình thành. Trong thế kỷ 20, ở Nga đã xuất hiện các hệ thống pháo binh riêng biệt là phòng không và chống tăng. Đến thời Liên Xô, pháo tự hành được khai sinh, đầu tiên là pháo tự hành trên khung gầm xe tăng; sau đó là pháo tự hành, pháo tầm xa và súng cối. Về sau, Nga dần phát triển công nghệ tên lửa với binh chủng tên lửa, pháo binh dã chiến và các hệ thống tên lửa chiến thuật.

Ngày đáng nhớ

Sở dĩ ngày 19/11 được chọn làm Ngày Lực lượng Tên lửa và Pháo binh của Nga là bởi trong Chiến tranh thế giới thứ hai, vào ngày 19/11/1942, Hồng quân Liên Xô đã mở chiến dịch chiến lược có tên Uran - cuộc phản công nhằm bao vây và đánh bại một đội quân hùng hậu của Đức Quốc xã và đồng minh tại Stalingrad (nay là Volgograd). Pháo binh Nga đã đóng một vai trò quan trọng trong trận chiến này. Sáng 19/11, hơn 15.000 khẩu pháo và hệ thống pháo phóng loạt phản lực của Liên Xô đã giáng một đòn mạnh chưa từng có vào các vị trí đối phương, với tốc độ bắn cấp tập khoảng 5.500- phát/phút. 

Cuộc pháo kích kéo dài 80 phút này đã “cày nát” tuyến phòng thủ của kẻ địch theo đúng nghĩa đen. Sau đó, pháo binh Liên Xô tiếp tục chuyển làn yểm trợ cho xe tăng và bộ binh tiến lên, góp phần không nhỏ đưa đến chiến thắng của quân đội nước này trong trận Stalingrad. Đóng góp xuất sắc của các pháo thủ Nga được ghi nhận vào năm 1944 bằng việc quy định Ngày Pháo binh 19/11. 

20 năm sau, do sự phát triển của các hệ thống tên lửa chiến thuật, ngày lễ được đổi tên thành Ngày của Lực lượng Tên lửa và Pháo binh. Ngày này đã chính thức được xác nhận bằng một Nghị định của Tổng thống Nga vào năm 2006.

Hiện tại, Lục quân Nga được trang bị nhiều hệ thống pháo nòng dài và tên lửa cỡ nòng khác nhau. Trong đó, hệ thống có trọng lượng nhất của lực lượng pháo binh chiến trường Nga được cho là hệ thống tên lửa tác chiến -chiến thuật Iskander và tiền thân của nó là tổ hợp Tochka-U. 

Tên lửa đạn đạo Iskander được đánh giá là một trong những loại vũ khí nguy hiểm nhất của Nga. Tên lửa này có thể đánh trúng không chỉ các mục tiêu mặt đất mà còn có thể tiêu diệt cả các mục tiêu trên không, bao gồm từ các hệ thống phóng rocket đa nòng, trạm chỉ huy và trung tâm liên lạc tới pháo tầm xa, máy bay, trực thăng. Tổ hợp tên lửa này được cho là có khả năng vượt qua mọi hệ thống phòng không. 

Hệ thống Iskander cũng có thể mang theo cả vũ khí hạt nhân. Ngoài việc phóng phát một, hệ thống tên lửa này có thể bắn hai tên lửa một lúc. Theo ông Viktor Bondarev - người đứng đầu Ủy ban Quốc phòng của Hội đồng Liên bang Nga, Iskander là hệ thống vô song trên thế giới, thừa sức ngăn chặn cuộc tấn công quy mô của bất kỳ đối thủ nào. 

“Đặc tính cơ động, chính xác và hiệu suất của nó cho phép đương đầu thậm chí với cả mối đe dọa hạt nhân, điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh những sự kiện gần đây trên bán đảo Triều Tiên và phản ứng từ phía Mỹ. Tôi tin rằng sự phát triển tích cực của tổ hợp tên lửa chiến thuật - chiến dịch của chúng ta là thành tố kiềm chế ngăn chặn rất quan trọng”, ông Viktor Bondarev tuyên bố. 

Đọc thêm