Những điều chưa biết về vị bác sĩ cố vấn cho 6 đời Tổng thống Mỹ

(PLVN) - Nổi tiếng trong giới khoa học và nghiên cứu y khoa từ nhiều thập kỷ qua nhưng phải đến gần đây, khi dịch bệnh Covid-19 lây lan khắp thế giới, Bác sĩ Anthony S. Fauci - Giám đốc Viện Bệnh dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia của Mỹ (NIAID) - mới thường xuyên xuất hiện trước công chúng.
Tiến sĩ, Bác sĩ Anthony Fauci cũng là thành viên Nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng
Tiến sĩ, Bác sĩ Anthony Fauci cũng là thành viên Nhóm đặc trách chống Covid-19 của Nhà Trắng

Người hùng chống bệnh AIDS

Anthony Fauci chào đời tại thành phố New York của Mỹ một ngày trước Giáng sinh năm 1940 trong một gia đình có ông bà là người nhập cư từ Italia sang Mỹ, còn cha của ông vốn là một dược sĩ. Năm 1966, ông Anthony Fauci tốt nghiệp trường Y của Đại học Cornell với vị trí đứng đầu. Kể từ khi bước vào ngành y, ông luôn được đánh giá là một bác sĩ tận tâm, người luôn tìm cách hoàn thành chức năng của một thầy thuốc. 

“Tôi nhận thấy rằng mình mang một món nợ đối với những bệnh nhân đau yếu và phải làm tất cả những gì trong khả năng để giúp họ”, ông nói. Từ khi sang NIAID làm việc, trong nhiều thập kỷ liền, Fauci luôn được biết đến là người làm việc chăm chỉ nhất trong Tòa nhà 31 - nơi đặt trụ sở của Viện. Ông luôn là người đến cơ quan đầu tiên vào buổi sáng và là người cuối cùng trở về. Thậm chí, đồng nghiệp còn thường xuyên để lại trên cửa kính những lời nhắn như: “Về nhà đi thôi! Ông làm cho tôi cảm thấy tội lỗi”.

Tiến sĩ, bác sĩ Anthony Fauci (thứ 2 từ phải sang) là cố vấn qua 6 đời tổng thống Mỹ
Tiến sĩ, bác sĩ Anthony Fauci (thứ 2 từ phải sang) là cố vấn qua 6 đời tổng thống Mỹ

Không chỉ là một người chăm chỉ, bác sĩ Fauci còn là một người rất giỏi. Trong suốt sự nghiệp của mình, bác sĩ Fauci đã được vinh danh nhiều lần về những đóng góp to lớn của ông để bảo vệ con người chống lại các bệnh nhiễm trùng nguy hiểm. Năm 1984, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc NIAID khi nước Mỹ vẫn đang trong giai đoạn khủng hoảng vì dịch AIDS. Trên thực tế, năm 1981, khi còn là một chuyên viên của NIAID, ông đã đọc được các báo cáo về một rối loạn miễn dịch bí ẩn ở những người đồng tính nam. Vào thời điểm đó, ông là một trong số ít các nhà nghiên cứu dành riêng cho các bệnh truyền nhiễm ở người. Hầu hết các nhà khoa học trẻ được dạy nói rằng lĩnh vực này là một ngõ cụt sau khi chinh phục bệnh bại liệt và bệnh lao.

Nhận ra rằng căn bệnh mới có thể là một thảm họa toàn cầu, Fauci đã tập hợp một nhóm nhỏ các nhà khoa học để nghiên cứu về căn bệnh mới và dành toàn bộ phòng thí nghiệm của mình cho nghiên cứu AIDS. Ngoài nhiệm vụ hành chính, ông dành nhiều thời gian trong phòng thí nghiệm và thực hiện các nghiên cứu lâm sàng về căn bệnh này. Ông cũng dẫn đầu các nỗ lực thuyết phục Quốc hội Mỹ tăng mạnh quỹ cho việc nghiên cứu về bệnh AIDS - một công việc mà theo ông khi đó luôn khiến ông cảm giác như người đơn độc. 

Ông từng nhiều lần kể về cảm giác thất vọng đến tột cùng khi theo dõi các bệnh nhân sắp chết trong bệnh viện vì căn bệnh này nhưng không biết làm gì để giúp đỡ họ. Ban đầu, khi bắt tay vào chiến dịch mới, ông đã bị nhiều bệnh nhân AIDS chỉ trích dữ dội. Tuy nhiên, về sau, ông lại được họ coi là một người hùng đã đóng góp lớn để kiềm chế bệnh AIDS, cho phép nhiều người sống với bệnh AIDS và tiếp tục cống hiến cho xã hội. Là một bác sĩ lâm sàng, Fauci đã có những bước đột phá đáng kể trong việc tìm hiểu cách thức HIV phá hủy hệ thống miễn dịch của cơ thể và giúp phát triển các chiến lược nhằm tăng cường phòng vệ miễn dịch. 

Sau đó, ông là người cố vấn đưa ra Kế hoạch khẩn cấp cứu trợ AIDS của Tổng thống George W. Bush, một chương trình hiện đang hoạt động tại hơn 50 quốc gia và đã cứu sống hàng triệu người trên khắp thế giới. Trên cương vị Giám đốc NIAID, ông và các cộng sự nghiên cứu và tìm cách ứng phó với các dịch bệnh mới, bao gồm cả các bệnh Zika và Ebola, SARS, MERS, Antrhax, bệnh lao, bệnh sốt rét, bệnh cúm... trở thành bác sĩ hàng đầu của Mỹ trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm, người đi tiên phong trong các công trình nghiên cứu cơ bản và lâm sàng về sinh bệnh học và các bệnh truyền nhiễm. 

Ông cũng là người có nhiều kinh nghiệm về ứng phó với khủng bố sinh học qua việc tham gia xử lý các cuộc tấn công khủng bố sử dụng vi khuẩn gây bệnh than năm 2001. Fauci đam mê với công việc đến mức nhiều lần từ chối  các chức vụ cao cấp hơn, như đứng đầu Viện Y tế Quốc gia, để có thể tiếp tục nghiên cứu và đề ra phương án chống các bệnh truyền nhiễm mới.

Cố vấn của 6 đời Tổng thống

Truyền thông Mỹ cho biết, nếu hỏi các cựu Tổng thống Mỹ về những người ảnh hưởng đến quan điểm của họ về các bệnh truyền nhiễm, thì tên của ông Fauci sẽ được nhắc đến đầu tiên. Là Giám đốc NIAID, ông được bổ nhiệm làm cố vấn của 6 Tổng thống Mỹ, cả của đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ, từ Tổng thống Ronald Reagan tới đương kim Tổng thống Donald Trump. Trên cương vị này, vị bác sĩ vẫn luôn kiên định nguyên tắc “luôn nói lên sự thực với những người quyền thế”.

“Tôi đã từng phục vụ 6 vị tổng thống, và tôi chưa hề làm gì khác hơn là trình bày các chứng cớ khoa học chính xác và đưa ra các đề nghị chính sách dựa trên khoa học và chứng cớ”, ông Fauci nói. Ông chiếm được sự tin tưởng của các nhà lập pháp thuộc cả 2 đảng phái, cũng như của nhiều quan chức của Nhà Trắng.

Theo nghị sỹ Steny Hoyer của bang Maryland, ông Fauci là một tri thức lớn với cách ứng xử chừng mực, bình dị, không khoa trương. Ông là một quan chức y tế được lòng hầu hết mọi người, một kỳ tích trên chính trường dù là người thẳng thắn, bộc trực. “Không dùng những lời lẽ hoa mỹ hay ý tưởng cao xa, bác sĩ Fauci có biệt tài thuyết phục người khác bằng những lời lẽ điềm đạm, chính xác về các mối nguy có thể đe dọa con người và các biện pháp ứng phó”, ông Hoyer nói.

Gần đây, khi dịch Covid-19 bùng phát, ông Fauci thường xuyên xuất hiện tại các cuộc họp báo hàng ngày của Nhà Trắng về tình hình dịch bệnh cũng như trong các cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh và truyền hình Mỹ và quốc tế. Phục vụ một tổng thống mà cho đến gần đây vẫn so sánh virus corona chủng mới với cúm theo mùa, ông Fauci vẫn không ngại ngần công khai và bảo vệ những quan điểm của mình. Cũng chính vì thế mà một vài mâu thuẫn giữa ông và Tổng thống Trump đã xuất hiện. 

Năm nay 79 tuổi, nhà khoa học này mỗi đêm vẫn chỉ ngủ vài tiếng và năng nổ làm việc. Trong mắt nhiều người, Fauci được coi là “người hùng” mà nước Mỹ đang cần tới trong cuộc đấu tranh chống lại dịch Covid-19 đang làm thế giới lao đao. Truyền thông Mỹ cho biết, ông Fauci (hiện là thành viên của đội đặc nhiệm chống dịch Covid-19 của Tổng thống Trump) đang bị những đối tượng giấu mặt đe dọa về tính mạng của bản thân và gia đình và cần được bảo vệ 24/24. 

(Đón đọc: Anthony Fauci- Người tiên phong chống dịch Covid-19 của Nhà Trắng)

Đọc thêm