Những nốt thăng trầm hào hùng của phóng viên mặt trận ưu tú Konstantin Simonov

(PLVN) - Konstantin Simonov là tác giả của bài thơ “Đợi anh về” đại diện cho tâm trạng của những chiến sĩ Hồng quân Liên Xô dành cho người yêu và vợ của mình ở quê nhà. Nhưng không chỉ là nhà thơ nổi tiếng của Liên Xô, ông còn là một phóng viên mặt trận ưu tú.
Nhà thơ, nhà báo Konstantin Simonov.
Nhà thơ, nhà báo Konstantin Simonov.

Phóng viên mặt trận ưu tú

Simonov sinh năm 1915 tại thủ đô Petrograd của Đế quốc Nga. Bố ông bị chết trong Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất nên sau đó mẹ ông tái giá với một sĩ quan Hồng quân. Sau khi học xong cấp 2, ông đã đăng ký học nghề thợ tiện tại một trường dạy nghề cơ khí. Năm 1931, sau khi gia đình chuyển về Moscow, ông bắt đầu làm thợ trong nhà máy cho đến năm 1935 thì thôi việc để vào học tại Trường viết văn Maksim Gorky. 

Duyên nợ với nghề báo của Simonov đến với ông bắt đầu từ... thơ. Ông bắt đầu viết thơ từ khi trở thành công nhân cơ khí và những bài thơ của ông đã được đăng trên tờ “Cận vệ Thanh niên” và tờ “Tháng Mười”. Sau khi tốt nghiệp Trường viết văn Maksim Gorky vào năm 1938, ông tiếp tục học cao học tại Viện nghiên cứu Lịch sử, Triết học và Văn học Moscow nhưng rồi tạm dừng việc học để làm phóng viên mặt trận tại chiến trường chống phát xít Nhật ở Khalkhyn Gol (Mông Cổ) cho đến năm 1939.

Khi Chiến tranh Vệ quốc nổ ra vào tháng 6/1941, Simonov đang là phóng viên của Báo Sao Đỏ, cơ quan ngôn luận của Hồng quân Liên Xô. Ông đã được gửi ra mặt trận, vừa làm việc với tư cách phóng viên mặt trận, vừa chiến đấu với tư cách chủ nhiệm chính trị một tiểu đoàn. 

Simonov đã có mặt trong rất nhiều chiến dịch trên đất Liên Xô cũng như ở Romania, Bulgaria, Nam Tư và cuối cùng là Berlin (Đức). Tại những nơi này, ông đã ghi chép nhiều ký sự chiến trường và các tác phẩm này đều được xuất bản trên Báo Sao Đỏ. Ông nổi tiếng với những tác phẩm như: “Bạn chiến đấu”, “Những người sống và những người chết”, “Người ta sinh ra không phải đã là lính”...

Phóng viên mặt trận Konstantin Simonov vào năm 1941.
Phóng viên mặt trận Konstantin Simonov vào năm 1941.  

Nicolai Tikhonov, một đồng nghiệp của Simonov nhớ lại phong cách tác nghiệp của ông như sau: “Simonov có thể viết ở bất kỳ đâu và lúc nào: dọc đường hành quân, trên xe chở lính, trong công sự giữa hai trận đánh, tại một trạm nghỉ đêm nào đó, hay viết nhờ ánh sáng những thân cây đang cháy vì bom đạn”.

Bài viết dưới đây là trích đoạn ký sự của Simonov đăng trên Báo Sao Đỏ ra ngày 10/5/1945 về sự kiện nhóm lãnh đạo của tàn quân Đức Quốc xã ký văn kiện chấp nhận đầu hàng trước quân đội Đồng minh: “Ngày 9/5/1945, một ngày nắng nhạt. Những đạo quân giải phóng vừa làm chủ Berlin trong mấy ngày qua đang di chuyển sắp xếp lại vị trí cùng lực lượng vũ khí, khí tài...

Chúng tôi đang ăn tối ở bản doanh của Nguyên soái Georgy Zhukov, Tư lệnh Phương diện quân Belarus Số 1 đặt tại “Reichstag” - tòa nhà trụ sở Quốc hội Đức, một biểu tượng của Berlin... Bỗng dưng có lệnh triệu tập tất cả các phóng viên tới Bộ Tham mưu của mặt trận. Tại đây, chúng tôi được thông báo là quân Đức còn lại ở phần phía Tây Berlin - nơi đóng Tổng hành dinh của quân Đồng minh, đã chịu buông súng. 

Ngày lịch sử đã điểm. Trong văn phòng rộng chừng 200m2, gần cửa ra vào có 3 chiếc bàn: 2 dài và 1 ngắn. Trên bức tường hẹp phía trong treo 4 lá cờ: Liên Xô, Mỹ, Anh và Pháp. Chiếc bàn ngắn là dành cho phái đoàn Đức. Bàn giữa để cho các tướng lĩnh và sĩ quan phe chiến thắng ngồi. Bàn sau cùng dành cho giới ký giả chúng tôi.

Trên chiếc bàn trung tâm, văn kiện chính thức đã được các đại diện quân Đồng minh gồm Nguyên soái Liên Xô Georgy Zhukov, Thống chế Không quân Anh William Arthur Tedder, Đại tướng Không quân Mỹ Carl Andrew Spaatz và sau cùng là Đại tướng Jean de Lattre de Tassigny, Tổng tư lệnh quân đội Pháp ký vào. Khi những người chiến thắng đang lần lượt ký, vẻ mặt Thống chế Keitel trông thật đáng sợ. Ông ta chờ đợi khoảnh khắc phải chấp bút của kẻ bại trận. Keitel ngồi bất động, còn viên sĩ quan tùy tùng cao lớn ngồi phía sau thì khóc rống lên. 

 

Nguyên soái Zhukov lại đứng dậy và nói: “Đề nghị phái đoàn Đức ký văn kiện đầu hàng vô điều kiện”. Đầu tiên là Thống chế Keitel. Hắn tiến đến cạnh ngang của chiếc bàn chính, nơi có các đại diện tối cao của phe Đồng minh, ngồi xuống chiếc ghế trống và ký vào các văn bản. Kế đến là H.Stumpff và H.Friedeburg. Tôi quan sát Keitel, viên Thống chế đang ôm mặt với vẻ đầy bi kịch... Văn bản đầu hàng của quân đội Đức Quốc xã đã được ký kết. Chiến tranh kết thúc!”.

Simonov rất thần tượng phóng viên mặt trận Yuri Zhukov (1908-1991). Từ đầu Chiến tranh Vệ quốc của Liên Xô, Yuri Zhukov làm Trưởng ban Phóng viên mặt trận của Báo Sự thật Thanh niên. Simonov viết: “Trông bề ngoài Yuri có dáng dấp một nhà dân sự nhưng ông lại là người “quân sự” nhất trong cánh phóng viên mặt trận chúng tôi. Tôi không nói về lòng dũng cảm - điều này là đương nhiên đối với tất cả mọi người - mà ở phong cách nghiêm túc, chính xác, rành mạch, rất nhà binh của Yuri”. 

Simonov cũng rất khâm phục nhà báo Ilya Ehrenburg (1891-1967).  Nhà báo Ilya Ehrenburg là nhà báo kỳ cựu của Báo Sao Đỏ. Trong thế kỷ XX, ông ba lần làm phóng viên chiến trường. Trong Chiến tranh thế giới thứ nhất (1914-1918), ông là phóng viên mặt trận của một tờ báo tại thủ đô Petrograd ở mặt trận phía Nam nước Nga.

Trong cuộc nội chiến Tây Ban Nha những năm 1936-1939, ông tình nguyện sang nước này làm phóng viên mặt trận và ủng hộ những người dân chủ chống chế độ độc tài. Chiến tranh Vệ quốc bùng nổ (1941-1945), ông làm phóng viên Báo Sao Đỏ tại tiền tuyến. Những bài viết của ông đã nhận được sự đón nhận nồng nhiệt của các chiến sĩ Hồng quân.

Luôn giữ vững lập trường

Sau chiến tranh, Simonov là Tổng biên tập của tạp chí “Thế Giới Mới” và có thời gian ông làm Tổng biên tập cho Báo Văn Học (1950-1953). Ông cũng là Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô trong giai đoạn 1946-1959. 

Nhưng một sự kiện đã tạo ra “cú sốc” cho Simonov. Đó là, khi Nikita Khrushchev lên làm lãnh đạo Liên Xô đã phát động chiến dịch lên án tệ sùng bái cá nhân Stalin nhưng thực chất là muốn hạ bệ hình tượng lãnh tụ của Stalin. 

Trong một cuộc gặp gỡ giữa những người lãnh đạo Đảng Cộng sản Liên Xô với các nhà văn Xô viết, Khrushchev đã thô bạo ngắt ngang lời phát biểu của Simonov: “Đã qua Đại hội Đảng lần thứ XX rồi, sao giọng điệu của nhà văn vẫn khó nghe đến vậy nhỉ?”. Simonov điềm tĩnh đáp trả: “Thưa đồng chí Nikita Sergeyevich! Ngay một anh lái xe muốn cho xe lùi cũng không thể làm ngay tắp lự được. Một số nhà văn loại bỏ khỏi sáng tác của mình những gì viết về Stalin. Một số khác thay tên Stalin bằng tên Lenin. Riêng cá nhân tôi, tôi đã và sẽ không bao giờ làm điều đó!”. 

Kết quả, Simonov bị xóa tên khỏi Ban Chấp hành Hội Nhà văn Liên Xô, bị bãi nhiệm chức vụ Tổng biên tập tạp chí “Thế giới mới”, bị “cử đi thực tế” ở Tashkent, thủ đô nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô viết Uzbekistan. Năm 1964, Khrushchev bị phê phán vì những sai lầm trong chính sách đối nội, đối ngoại và đã tự nguyện về hưu. Simonov sau đó lại được bầu làm Thư ký Hội Nhà văn Liên Xô trong giai đoạn 1967-1979.

Năm 1974, Simonov đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động Xã hội chủ nghĩa của Liên Xô. Ông còn nhiều lần được các giải thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước Liên Xô: Ba lần được tặng thưởng Huân chương Lenin, huân chương cao nhất được Liên bang Xô viết trao tặng; Giải thưởng Nhà nước Liên Xô mang tên Lenin (1974) và Giải thưởng Nhà nước Liên Xô mang tên Stalin (1942, 1943, 1946, 1947, 1949, 1950). Ông qua đời tại Moscow ngày 28/8/1979.

Đọc thêm