Những phi vụ làm nên tên tuổi của nữ điệp viên huyền thoại Lona Cohen

(PLVN) - Lona Cohen được nhiều người xem là một điệp viên huyền thoại của Liên Xô bởi khả năng làm việc vô cùng tỉnh táo trong bất cứ tình huống nguy nan nào. Trong suốt 25 năm làm gián điệp cho KGB, bà là đầu mối vô cùng quan trọng của Moscow, trong đó có hoạt động chuyển tin mật liên quan đến dự án chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô.
Tòa nhà nơi các điệp viên KGB truyền tin về Moscow
Tòa nhà nơi các điệp viên KGB truyền tin về Moscow

Điệp viên huyền thoại KGB

Năm 1945, khi Lona Cohen đang sống tại thị trấn Adams, hạt Berkshire (bang Massachusetts), người Mỹ đã sản xuất thành công bom hạt nhân và đã sử dụng loại vũ khí mới này để kết thúc Chiến tranh thế giới II. Liên Xô cũng tìm mọi cách để phát triển vũ khí hạt nhân của riêng họ. Trong số các biện pháp mà họ triển khai lúc bấy giờ có việc chiêu mộ các nguồn tin liên quan trực tiếp đến hoạt động nghiên cứu và chế tạo bom của Mỹ. 

Bằng nhiều biện pháp khác nhau, Liên Xô đã thuyết phục được nhà vật lý học trẻ tuổi Theodore Hall làm việc cho mình. Tại Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamo ở New Mexico, an ninh xung quanh các phòng thí nghiệm hạt nhân vô cùng nghiêm ngặt. Tuy nhiên, Hall vẫn đã lén lấy được các bí mật từ phòng thí nghiệm. Sau một khoảng thời gian ngắn thu thập, Hall đã giao cho đầu mối thông tin của mình là Lona Cohen kho tài liệu vô cùng quý giá. Ngay sau khi nhận được tài liệu, Lona sẽ lên tàu tới New York để bàn giao tài liệu cho đầu mối ở lãnh sự quán Liên Xô tại thành phố này để chuyển về Nga. Giữa căng thẳng của thời cuộc, an ninh ở New Mexico được thắt chặt, đồ đạc mà người dân mang theo lên tàu có thể bị kiểm tra bất cứ lúc nào. 

Thế nhưng, bất chấp những nguy hiểm, bà Lona vẫn không dừng việc làm của mình. Chuyện kể rằng, trong một lần bà đi giao nhận tài liệu, cảnh sát đã lên tàu và kiểm tra vật dụng của tất cả hành khách. Sau thoáng bối rối, nữ điệp viên đã nhanh chóng định thần lại. Bằng vẻ mặt vô cùng thản nhiên, bà nhanh tay kẹp các tài liệu mật mới nhận được vào tờ báo đang đọc dở. Khi viên cảnh sát tiến đến ghế của bà để kiểm tra, bà nhoẻn miệng cười rồi nhờ người này cầm giúp tờ báo để bà mở hành lý cho ông ta kiểm tra.

Không chút nghi ngờ trước người phụ nữ trẻ đẹp và duyên dáng, viên cảnh sát cầm tờ báo rồi vui vẻ trả lại cho Lona sau khi xác nhận trong túi đồ của bà không có bất cứ tài liệu mật nào. Toàn bộ quá trình này diễn ra chỉ trong một quãng thời gian ngắn ngủi nhưng cho thấy sự nhanh trí tuyệt vời của Lona Cohen. Cũng chính những phi vụ như vậy đã khiến bà trở thành một huyền thoại trong số những điệp viên của KGB. Toàn bộ các tài liệu mật do Hall chuyển cho Lona đã được đưa về Liên Xô đầy đủ, tạo cơ sở để Nga có thể phát triển được bom hạt nhân trước sự sửng sốt của người Mỹ và cả thế giới.

Vỏ bọc hoàn hảo

Lona Cohen có tên khai sinh là Leontine Petka, sinh năm 1913 trong một gia đình người gốc Ba Lan. Năm 1928, bà một mình rời quê để tới thành phố New York tìm việc làm. Chứng kiến sự sụp đổ của nền kinh tế Mỹ, sự thống khổ mà cuộc Đại suy thoái mang lại, bà cũng chán nản với tầng lớp cầm quyền của Mỹ lúc bấy giờ. Tin tưởng vào chủ nghĩa cộng sản, bà kết hôn với ông Morris Cohen - người cũng có quan điểm ủng hộ chủ nghĩa cộng sản và đã gia nhập Đảng cộng sản Mỹ.

Năm 1938, ông Morris được KGB tuyển mộ và bắt đầu nghe ngóng các thông tin rồi chuyển về cho Liên Xô. Đến năm 1940, khi cuộc Chiến tranh thế giới II nổ ra, ông Morris bị gọi đi lính. Bà Lona lúc này tự nguyện tiếp quản công việc điệp viên của chồng. Tháng 11/1945, ông Morris được cho xuất ngũ và khi trở về Mỹ, ông đã ngay lập tức trở lại với công việc. “Nhờ có vợ chồng nhà Cohen, các kỹ sư chế tạo bom nguyên tử của Liên Xô đã có được những tài liệu kỹ thuật được chuyển thẳng từ phòng thí nghiệm ở Los Alamos về”, truyền thông Nga cho hay.

Sau vụ các điệp viên của KGB là Elizabeth Bentley và Igor Gouzenko đào tẩu, vợ chồng nhà Cohen đã dừng liên lạc với tình báo Liên Xô trong một thời gian, đến năm 1949 mới tiếp tục trở lại. Nhưng cũng chỉ một thời gian sau đó, khi thời điểm cuộc Chiến tranh Lạnh ngày càng trở nên căng thẳng, giới chức Mỹ và các đồng minh đã đẩy nhanh các chiến dịch truy lùng các điệp viên của Nga. 

Từ những nỗ lực như vậy, phi vụ điệp viên thế kỷ của cặp vợ chồng Ethel và Julius Rosenberg bị phanh phui. Sau khi cặp vợ chồng Rosenberg bị bắt giữ vào năm 1951, do từng có liên lạc với họ nên vợ chồng nhà Cohen đã rất lo sợ khi nhận được thông tin FBI cũng đã để mắt đến họ. May mắn là họ đã được phía Liên Xô đưa tới Mexico rồi sau đó là Anh trước khi bị vạch mặt.

Tại Anh, vợ chồng nhà Cohen được các điệp viên Liên Xô tạo cho các danh tính giả. Họ trở thành Peter và Helen Kroger - cặp vợ chồng người New Zealand chuyên bán sách cổ ở London. Ở đây, Lona đã khéo léo tạo dựng mối quan hệ thân thiết với những người hàng xóm để che giấu vỏ bọc của mình cũng như hòng dò la tin tức. Cặp vợ chồng sống trong một ngôi nhà ở góc đường gần một căn cứ quân sự của Anh, phía trước là một con đường nhỏ và đằng sau là rừng cây. 

Nhờ vị trí này, họ có thể dễ dàng quan sát các động tĩnh xung quanh cũng như xoay xở khi phát hiện tình huống bất ngờ. Sau một thời gian ở London, cặp vợ chồng trở thành những nhân vật trung tâm của Đường dây gián điệp Ba Lan- đường dây gián điệp chuyên thu thập bí mật của Hải quân Anh và chuyển cho Liên Xô. Nhờ sự khéo léo của các thành viên, đường dây này đã hoạt động ngay trong lòng nước Anh suốt 7 năm. Để thuận tiện cho việc chuyển tin nhắn về cho Nga, cặp vợ chồng này đã thiết lập một trạm radio bí mật ngay trong nhà riêng.

Lộ diện

Dù họ hành động vô cùng khéo léo nhưng cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra. Từ cuối năm 1959, cảnh sát Anh đã bắt đầu bóc gỡ được Đường dây gián điệp Ba Lan. Ngày 7/1/1961, cảnh sát Anh đã đột kích nhà của vợ chồng nhà Cohen. Vẫn giữ được vẻ bình thản hiếm có, Lona vui vẻ đồng ý đi theo cảnh sát tới đồn để thẩm vấn nhưng xin được đi vào nhà để tắt lò sưởi để phòng khả năng xảy ra hỏa hoạn nếu bà đi quá lâu. Tuy nhiên, lần này, Lona đã không gặp may như những lần trước vì cảnh sát đồng ý cho bà quay vào nhưng với điều kiện họ đi cùng. Chính vì thế nên Lona đã không có cơ hội để ném các tài liệu vào lò sưởi.

Khi Lona không còn cớ gì để né tránh, Thanh tra cảnh sát Smith - một “thợ săn gián điệp” kỳ cựu của Anh- đã yêu cầu được kiểm tra túi xách của bà. Kết quả là, ông ta đã tìm thấy ở trong đó có những bức ảnh chụp tài liệu đã được thu nhỏ để có thể đưa ra khỏi nước Anh dễ dàng hơn. Trước bằng chứng không thể chối cãi như vậy, vào tháng 3 cùng năm, Lona đã bị kết án 20 năm tù giam về tội làm gián điệp còn ông Morris nhận mức án 25 năm tù. 

Mặc dù vậy nhưng cặp vợ chồng cuối cùng chỉ phải thụ án 8 năm rồi được thả ra khi giới chức Anh đồng ý trao đổi họ với tù nhân người Anh có tên Gerald Brooke bị phía Nga giam giữ.

Trở về Moscow, cặp vợ chồng Lona và Morris tiếp tục đào tạo các đồng nghiệp trẻ về các kỹ năng thu thập thông tin tình báo. Với những đóng góp to lớn cho nước Nga, họ đã được trao nhiều huân, huy chương cao quý. Cả hai sống những năm tháng cuối đời yên ổn bằng đồng lương hưu của KGB. Năm 1992, bà Lona qua đời và ông Morris cũng mất 3 năm sau đó.

Đọc thêm