Pháp mở phiên tòa xử vụ hàng ngàn người tử vong vì thuốc Mediator

(PLVN) -Tòa án Pháp đầu tuần qua bắt đầu mở phiên tòa xét xử một trong những vụ bê bối sức khỏe lớn nhất từng xảy ra ở nước này. Phiên tòa xử cơ quan giám sát dược phẩm Pháp và Công ty Dược phẩm Servier vì thuốc tiểu đường Mediator bị cáo buộc có liên quan đến ít nhất 500 trường hợp tử vong sẽ kéo dài 7 tháng.


Pháp mở phiên tòa xử vụ hàng ngàn người tử vong vì thuốc Mediator

 Phiên tòa quy mô lớn

Tại phiên tòa, 23 bị cáo, bao gồm 11 tổ chức và 12 cá nhân, phải đối mặt với hơn 2.600 nguyên đơn. Các nguyên đơn nằm trong số 4.981 người là nạn nhân của thuốc trị bệnh tiểu đường Mediator do Servier sản xuất. Giới chức Pháp cho rằng ít nhất 500 người được cho là đã chết vì các vấn đề về tim sau khi sử dụng thuốc (được chỉ định cho bệnh nhân tiểu đường tuýp 2 bị thừa cân) Mediator, nhưng các chuyên gia pháp lý ước tính loại thuốc này có thể thể là nguyên nhân của khoảng 2.100 trường hợp tử vong.

Trong bản cáo trạng dài 677 trang, cơ quan công tố cáo buộc Servier đã cố tình che giấu các đặc tính của thuốc có nguồn gốc từ amphetamine cũng như các tác dụng phụ có hại của thuốc từ những năm 1970, gây ra hậu quả nghiêm trọng về sức khoẻ đối với các nạn nhân. Phiên tòa dự kiến sẽ diễn ra trong 7 tháng, trở thành một trong những vụ kiện dài nhất. Tại phiên tòa lần này, các cơ quan tư pháp của Pháp sẽ tìm kiếm câu trả lời cho việc tại sao một loại thuốc đã bị đưa vào danh sách cảnh báo an toàn ngay từ giữa những năm 1990 và bị cấm lưu hành ở Mỹ, Tây Ban Nha và Italia nhưng vẫn được cho phép tồn tại trên thị trường Pháp trong 33 năm.

Ít nhất 376 luật sư sẽ tham gia vào quá trình tố tụng được tiến hành gần 10 năm sau khi cuộc điều tra đầu tiên về vụ việc được khởi xướng. Ngoài ra, tòa án đã phải bố trí tới 2 phòng dự khán để có chỗ cho 500 người dân đã đăng ký tham gia phiên tòa. Trong số các bị cáo, Công ty Servier và 9 công ty con bị truy tố về một loạt các cáo buộc, bao gồm ngộ sát, gian lận nghiêm trọng và gian lận các chương trình bảo hiểm y tế, bảo hiểm tư nhân liên quan đến thuốc Mediator. Cơ quan quản lý ngành dược phẩm Pháp ANSM (trước đó được gọi là AFSSAPS) bị cáo buộc tội vô ý làm chết người và sơ ý thương tích vì đã hành động quá chậm trong việc cấm loại thuốc trên trên thị trường Pháp.

Ông Jean-Philippe Seta (từng là nhân vật số 2 tại Công ty Servier) và cựu Tổng thư ký công ty Christian Bazantay nằm trong số những cá nhân phải ra hầu tòa. Người sáng lập Servier là ông Jacques Servier đã chết vào năm 2014. Những người khác cũng phải ra tòa với tư cách bị cáo có các chuyên gia y tế làm việc cho cơ quan giám sát y tế nhưng nhận tiền của Servier trong thời gian công ty này bán loại thuốc chết người. Chính trị gia duy nhất phải ra hầu tòa là cựu thượng nghị sĩ Marie-Thérèse Hermange bị buộc tội đồng lõa trong việc gây ảnh hưởng tới báo cáo kiểm tra liên quan đến loại thuốc trên. Hơn 100 nhân chứng dự kiến sẽ ra làm chứng tại phiên tòa này.

Thuốc hay “thuốc độc”?

Năm 1976, tập đoàn dược Servier tung ra thị trường sản phẩm có tên Mediator. Với hoạt chất chủ yếu là benfluorex, sản phẩm này được cấp phép dùng để điều trị bệnh tiểu đường tuýp 2. Tuy nhiên, Servier cũng quảng cáo thuốc này có tác dụng chữa trị rối loạn mỡ máu, giảm cân. Chỉ ít lâu sau khi ra mắt, sản phẩm trên đã “làm mưa làm gió” trên khắp thị trường, trở thành sản phẩm chủ lực của tập đoàn.

Đến năm 1977, ngoài Pháp, Mediator đã được cấp phép phân phối và lưu hành rộng rãi ở 140 nước. Chỉ riêng tại Pháp, trong suốt những năm sản phẩm này được lưu hành, tổng cộng đã có tới 5 triệu người sử dụng Mediator. Đi cùng với sự phổ biến của loại thuốc trên, ông chủ của Servier đã trở nên giàu có và nổi tiếng vượt bậc. Ông ta trở thành người đứng thứ 9 trong số những người giàu nhất nước Pháp. Servier trở thành tập đoàn lớn thứ 2 của Pháp.

Tuy nhiên, những nghi vấn về tính nguy hiểm của sản phẩm này cũng ngày một tăng theo. Cơ quan chức năng của những nước có bán Mediator thống nhất đánh giá rằng loại thuốc này chỉ có hiệu quả ở mức độ hạn chế trong việc chữa trị bệnh tiểu đường theo chỉ định ban đầu. Trong khi đó, ngoài những tác dụng phụ thông thường, biệt dược benfluorex trong loại thuốc này và các dược phẩm khác có gốc benfluorex... còn bị phát hiện gây ra những biến chứng cực kỳ nghiêm trọng như suy nhược thần kinh, làm tổn thương van tim của người bệnh, gây suy tim đến mức không thể phẫu thuật được... Những vấn đề này khiến nhiều người bệnh trở nên suy kiệt về sức khỏe, chất lượng sống bị suy giảm, thậm chí là tử vong sau quá trình sử dụng thuốc lâu dài.

Do đó, Mediator đã bị cấm lưu hành tại Bỉ vào năm 1977. Thụy Sĩ ra quyết định tương tự 2 năm sau. Năm 2003, sau khi một tạp chí về tim đưa tin về trường hợp một bệnh nhân nữ bị suy tim trầm trọng sau 12 tháng dùng thuốc Modulator (tên của Mediator ở thị trường Tây Ban Nha), Servier tự nguyện rút thuốc Modulator khỏi thị trường này. Đến năm 2005, đến lượt Italia ra lệnh cấm bán loại thuốc trên. Cùng năm, Tổ chức Y tế  thế giới (WHO) đưa thuốc này vào danh sách thuốc bị cấm bán.

Tại Pháp, từ những năm cuối của thập niên 90 của thế kỷ trước, sau một thời gian tổng hợp và phân tích, bác sĩ Georges Chiche (chuyên gia về các bệnh tim mạch) đã lên tiếng cảnh báo về những tác dụng phụ nguy hiểm của Mediator. Sau động thái của WHO, các cơ quan y tế Pháp cũng vẫn tỏ ra thờ ơ. Phải đến tháng 11/2009, cơ quan cấp phép an toàn vệ sinh dược phẩm Pháp AFSSAPS mới chính thức cấm bán Mediator ở nước này.

Thuốc Mediator.
Thuốc Mediator. 

Tính đến thời điểm này, theo điều tra của Quỹ Quốc gia bảo hiểm bệnh tật Pháp, Mediator đã làm từ 500 tới 2.100 bệnh nhân tử vong, 1.750 bệnh nhân phải phẫu thuật tim và 3.500 người nhập viện cấp cứu.

Theo các kết quả điều tra, trước khi tung Mediator ra thị trường, Servier đã biết rõ hoạt chất benfluorex có trong Mediator là một chất gây chán ăn rất mạnh. Thế nhưng, họ đã tìm mọi cách để lấp liếm chuyện này, tất cả vì lợi nhuận quá lớn thu được từ Mediator. Nhiều người dân dân Pháp coi đây là một sự lừa dối và việc làm của Seriver có thể coi như hành động vô ý giết người.

Mối quan hệ phức tạp

Tờ Liberation cho hay, ông trùm của Servier luôn cố tìm cách xây dựng mối quan hệ tốt với các chính trị gia, tuyển mộ những nhân vật mà về sau có tiềm năng trở thành những chính khách có thế lực trong ngành y tế hoặc các nhân vật thân tín với những quan chức trong ngành để đưa vào các vị trí nhân sự cao cấp của tập đoàn. Cùng với đó, Servier rất hào phóng tài trợ cho hoạt động nghiên cứu và phát triển ngành dược phẩm. Chính vì vậy, Servier trong nhiều năm liền được các thế hệ lãnh đạo Pháp ca ngợi là điển hình của doanh nghiệp dược phẩm làm ăn tốt, là một tấm gương về năng lực khoa học và công nghệ.

Nhà sáng lập Servier Jacques Servier.
 Nhà sáng lập Servier Jacques Servier.

Chưa đầy một năm trước khi Mediator bị thu hồi, ông chủ của hãng này Seriver còn được Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy - người từng làm luật sư của ông ta - trao Bắc đẩu bội tinh, giải thưởng danh dự cao nhất của Pháp. Dư luận cũng vì thế mà tin tưởng, ít chú ý tới các sản phẩm của Servier. Nhờ đó mà trong 33 năm xuất hiện trên thị trường dược phẩm Pháp, Mediator đã thoát hiểm 3 lần nhờ sự “khoan dung” đến mức khó hiểu của các cơ quan kiểm định y tế Pháp.

Chính vì vậy nên vụ bê bối Mediator đã gây ra làn sóng phản đối mạnh mẽ của dư luận Pháp, khiến Chính phủ Pháp phải cho điều tra các cơ quan y tế nhà nước, trong đó có cả Bộ Y tế về cáo buộc các cơ quan này đã vụ lợi trong việc kiểm soát quá trình đưa thuốc Mediator ra thị trường. Sau vụ việc, Chính phủ Pháp đã thúc đẩy một loạt các biện pháp nhằm vá những lỗ hổng trong hệ thống quy định. Trong đó, các quy định về tài trợ cho ngành dược phẩm đã được sửa đổi, các chuyên gia chăm sóc sức khỏe cũng bị cấm nhận quà với giá trị lớn hơn 10 euro từ các hãng dược. Việc cấp phép lưu hành đối với các sản phẩm dược cũng được quy định khắt khe hơn...

Đọc thêm