Phong tục truyền thống đảo Kiribati khiến một đại sứ chịu tiếng "oan"

(PLVN) - Bức hình Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati đi trên lưng mọi người trong một buổi lễ đón tiếp trên đảo Kiribati đã nhiều người tranh luận, đây là phong tục địa phương nhưng đằng sau đó có phải là biểu hiện ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trên quốc đảo Thái Bình Dương này.
Bức ảnh "chào đón" Đại sứ Trung Quốc khiến dư luận tranh cãi.
Bức ảnh "chào đón" Đại sứ Trung Quốc khiến dư luận tranh cãi.

Hình ảnh gây tranh cãi

Theo trang News.com.au ngày 19/8, hình ảnh Đại sứ Trung Quốc tại Kiribati Đường Tùng Căn (Tang Songgen) giẫm lên lưng hàng chục người địa phương được lan truyền nhanh chóng trên mạng. Hình ảnh cho thấy ông Đường thăm đảo Marakei ở Kiribati trong tháng 8. Được 2 phụ nữ cầm tay hai bên, quan chức ngoại giao này bước trên lưng hàng chục người nằm sát nhau trên mặt đất.

Sự việc xảy ra sau khi Kiribati đột nhiên chuyển quan hệ ngoại giao với Đài Loan sang Bắc Kinh vào tháng 9/2019 và gây tranh cãi về tầm ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.

Tùy viên quân sự Mỹ Constantin Panayiotou phụ trách 5 đảo quốc Thái Bình Dương (trong đó có Kiribati) viết trên Twitter: “Tôi chỉ không thể tưởng tượng được bất cứ bối cảnh nào mà lại đi trên lưng trẻ em lại là hành vi chấp nhận được đối với đại sứ của một nước (hoặc bất cứ người lớn nào đi nữa). Nhưng đại sứ Trung Quốc ở Kiribati lại chấp nhận được điều đó”.

Bên cạnh đó, Đài ABC dẫn lời nhà báo tự do Rimon cho hay một số người địa phương không vui vì hình ảnh Đại sứ Trung Quốc giẫm lên lưng người dân đảo. “Mọi người tức giận, một số bị sốc và xấu hổ”, ông cho hay và kể rằng sự việc làm dấy lên tranh cãi về chính trị. 

“Ngay cả ở ngoài đường, tình cờ hỏi một người nào xem họ cảm thấy ghê tởm không, họ đều nó rằng bất cứ ai cho phép người khác làm điều đó đi nữa thì cũng không phù hợp”, theo ông Rimon. 

“Bên ngoài khu vực, họ thấy hình ảnh này trong bối cảnh chính trị hiện tại với Trung Quốc trong khu vực và phương Tây và mọi thứ, và sau đó họ thấy một Đại sứ Trung Quốc giẫm lên họ. Điều đó thể hiện gì?”, ông chất vấn. 

Nghị sĩ Úc Dave Sharma cũng chia sẻ rằng ông bị bất ngờ và không thể tưởng tượng được nếu một lãnh đạo Úc tham gia nghi thức tương tự.

Phong tục của địa phương

Trong khi đó, nhiều người cho rằng đây là một truyền thống văn hóa và không nên hiểu sai, nhiều người Kiribati đã chỉ ra rằng đây là phong tục tại nhiều hòn đảo thuộc quốc đảo.

“Đây là cách mà đảo chúng tôi thể hiện sự tôn trọng với khách. Nếu một người nước ngoài kết hôn với một thành viên trong gia đình, những người đàn ông sẽ nằm xuống để chào đón. Với phụ nữ, các nam giới sẽ đặt họ lên vai và đưa họ tới điểm cuối. Hình thức chào đón tương tự được thực hiện với tất cả mọi người và xuất hiện trong các đám cưới và các chuyến thăm lần đầu tiên”, một cư dân mạng có tên là Adlih Ztuhcs nói, kêu gọi các bên không bóp méo sự thật.

Phó giáo sư Katerina Teaiwa, tại Trường Châu Á - Thái Bình Dương thuộc Đại học Quốc gia Úc cho biết những người đang nằm xuống thể hiện sự vinh dự và hiếu khách. 

“Người Marakei có thể chào đón những người quyền cao chức trọng bằng bất cứ cách nào họ thích. Họ nổi tiếng có nhiều phong tục. Mọi người nên bớt kích động vì điều này và tôn trọng sự đa dạng ở Thái Bình Dương, những người dân đảo nên tự quyết về văn hóa”, tờ The Guardian dẫn lời bà Teaiwa giải thích. 

Bộ trưởng Môi trường Kiribati Ruateki Tekaiara có mặt trong chuyến thăm của ông Đường đến các trường học và nhà thờ. Ông cho hay các trưởng lão địa phương đã tổ chức lễ đón và đó là “văn hóa đặc biệt” độc đáo của đảo. 

Đại sứ quán Trung Quốc cho hay đại sứ đã thăm đảo để tìm hiểu về văn hóa và truyền thống của Kiribati. “Mục đích căn bản của chúng tôi là giúp mối quan hệ Trung Quốc – Kiribati đem lại lợi ích cho nhiều người dân Kiribati hơn nữa. Chúng tôi rất ấn tượng bởi ý chí và quyết tâm mạnh mẽ của các đảo này trong việc thúc đẩy hợp tác với Trung Quốc”, theo thông cáo. 

Trung Quốc lên tiếng

Ngày 20/8, Trung Quốc đã lên án các chỉ trích xung quanh hình ảnh đại sứ nước này tại Kiribati giẫm lên lưng người dân mà đi, cho rằng đây là việc làm tổn hại quan hệ giữa Bắc Kinh với quốc đảo này. Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Triệu Lập Kiên, đại sứ Trung Quốc tại Kiribati, Tang Songgen, lúc đó đang tham gia nghi thức chào đón truyền thống của Kiribati. 

Ông Triệu tuyên bố ông Tang đã làm theo “nguyện vọng từ chính quyền và người dân địa phương, thể hiện sự tôn trọng với văn hóa và truyền thống của Kiribati”. Cùng lúc, người phát ngôn trên cũng lên án các bên lợi dụng câu chuyện này để bôi nhọ hình ảnh của Trung Quốc. Ông khẳng định các nỗ lực nhằm phá hoại quan hệ giữa Trung Quốc và Kiribati sẽ không thành công. 

Cơ quan phụ trách ngoại giao của Đài Loan cũng tuyên bố cảm thấy sốc khi nhìn thấy những hình ảnh này. Đài Loan đã mất quan hệ ngoại giao với Kiribati vào năm ngoái vì Trung Quốc. 

"Đây không phải là một Kiribati mà chúng tôi biết. Chúng tôi không biết Kiribati có kiểu nghi thức chào đón như thế. Đài Loan sẽ không đối xử với các đồng minh của chúng tôi và người dân của họ như vậy", người phát ngôn Joanne Ou của cơ quan trên tuyên bố. 

Đọc thêm