Phụ huynh ở Triều Tiên vẫn cho con đi học “chui” dù bị cấm học thêm

(PLVN) - Tại Hàn Quốc, tình trạng học sinh quá tải chẳng còn là vấn đề mới lạ khi áp lực thi cử tại quốc gia này vô cùng nặng nề. Việc các em nhỏ đi thẳng từ trường đến lớp học thêm sau khi tan học không hề hiếm. Ngược lại, thông thường ở Triều Tiên, sau giờ học các em phải lao động trên cánh đồng. Tuy nhiên thực tế này đang có phần thay đổi.
Việc học thêm bị cấm ở Triều Tiên
Việc học thêm bị cấm ở Triều Tiên

Mong muốn tương lai tương sáng

Học thêm dường như là điều không thể tránh đối với trẻ em ở Hàn Quốc, khi bố mẹ luôn kỳ vọng con trở thành thiên tài âm nhạc hay có kết quả học vượt trội về Toán, tiếng Anh so với các bạn cùng trang lứa.

Thậm chí, các bậc phụ huynh ở Hàn Quốc mỗi năm chi hàng triệu won chỉ dành cho học thêm, không phải là mời gia sư về nhà kèm cặp con em thêm một hay hai buổi, mà là để lũ trẻ tới các trung tâm, thậm chí các trường tư thục dạy thêm trên quy mô công nghiệp. Gần 100.000 trường dạy thêm như vậy ở Hàn Quốc và tận 75% học sinh cả nước theo học tại các trung tâm này.

Tuy nhiên, ở Triều Tiên, học sinh, sinh viên lại hoàn toàn ngược lại. Họ bị nhà trường bắt lao động trên những cánh đồng sau mỗi giờ học. Theo quy định của chính quyền Bình Nhưỡng, việc học thêm hay gia sư tại nhà là vi phạm pháp luật bởi Triều Tiên lo ngại những tư tưởng “lệch lạc” sẽ bị tiêm nhiễm vào đầu các học sinh trong quá trình học thêm. Bởi vậy ở đất nước này chỉ có một chương trình giáo dục chính thống duy nhất mà không cho phép bất kỳ lớp học thêm hay hệ đào tạo nào khác được tồn tại.

Trong những năm gần đây, xu hướng học hành của trẻ em Triều Tiên cũng bắt đầu giống với Hàn Quốc hơn, ít nhất là với một vài thành phần trong xã hội, bất chấp những lệnh cấm từ chính phủ.

Theo đó, trong số 116 người Triều Tiên mới đào tẩu được các nhà nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Seoul phỏng vấn năm nay, cho thấy 1/3 trong số này thừa nhận họ đã học thêm hoặc được đào tạo thêm ngoài hệ chính quy ở Triều Tiên. Thậm chí một số người còn hành nghề gia sư bất chấp những lệnh cấm của chính phủ.

Theo chuyên gia Cho Jeong-ah thuộc Viện Thống nhất Quốc gia Hàn Quốc nhận định, cuộc khảo sát cho thấy quan điểm về giáo dục của phụ huynh Triều Tiên đang thay đổi. Họ ngày càng đầu tư nhiều hơn cho tương lai của con thay vì chấp nhận nền giáo dục theo quy định của nhà nước. Họ quan tâm đến tương lai của con cái họ hơn là những quy định của chính phủ.

Về mặt lý thuyết, việc trả tiền cho giáo dục bị cấm ở Triều Tiên, bởi nước này duy trì hệ thống phổ cập giáo dục miễn phí cho trẻ em. Mục tiêu chính của hệ thống này là cung cấp chương trình giáo dục riêng với kỳ vọng thế hệ trẻ Triều Tiên thấm nhuần tư tưởng của các lãnh đạo. Nhưng trên thực tế, các bậc phụ huynh phải thanh toán tiền cho chương trình giáo dục chính quy kể từ khi nạn đói thập niên 1990 kết thúc.

Bất kể là sách giáo khoa, chi phí sưởi ấm phòng học hay lương cho giáo viên đều đến từ túi tiền và sự đóng góp của phụ huynh. Thậm chí ngày nay bao gồm cả phí học thêm, nếu những gia đình nào không đủ tiền, họ sẽ phải giúp gia đình các giáo viên thu hoạch vụ mùa, đốn củi cho nhà trường vào mùa đông hay làm những công việc nặng nhọc để thay thế.

Học thêm “chui| giúp các học sinh có cơ hội được “đổi đời”
Học thêm “chui| giúp các học sinh có cơ hội được “đổi đời”  

Bất chấp những khó khăn đó, rất nhiều phụ huynh Triều Tiên vẫn mong muốn con cái họ được học thêm để đảm bảo một tương lai tươi sáng hơn. Những kỹ năng về âm nhạc, ngoại ngữ hay kỹ thuật có thể giúp các sinh viên đạt được học bổng nước ngoài hoặc chỉ đơn giản là được phân bổ vào các đơn vị có tiền đồ.

Được biết, những gia sư đầu tiên đều là giáo viên của các trường học công muốn kiếm thêm tiền trang trải cuộc sống. Trong bối cảnh nền kinh tế ảm đạm của Triều Tiên, gia sư phát triển thành một nghề có thu nhập tốt, với mức trung bình mỗi tháng khoảng 30 USD cho mỗi môn học. Nhà nước Triều Tiên dường như “làm ngơ” trước sự xuất hiện của các lớp học thêm “chui”, miễn các bậc phụ huynh không quá lộ liễu. Thêm nữa, phần lớn những gia đình thuê gia sư là cán bộ có chức quyền nên rất khó để truy ra cũng như kết tội.

Có rất nhiều môn học thêm thịnh hành ở Triều Tiên. Cụ thể, môn nhạc và ngoại ngữ rất phổ biến tại các lớp học thêm vì chúng có thể giúp học sinh sau này có việc làm, bằng cấp hay trở thành nhạc sĩ chuyên nghiệp, có cơ hội đi nước ngoài. Tiếng Trung Quốc được đánh giá cao tại các vùng gần Trung Quốc vì ngôn ngữ này giúp trong việc giao thương xuyên biên giới.

Học sinh thượng lưu được hưởng lợi

Những đứa trẻ được lợi nhất từ việc dạy thêm này là trẻ em giới thượng lưu. Bình quân mỗi đứa trẻ thuộc tầng lớp thượng lưu ở Bình Nhưỡng tốn khoảng 128.800 KPW (tương đương 3,3 triệu đồng/tháng) cho các lớp học thêm và gia sư. Những môn học đòi hỏi nhiều kỹ năng và thiết bị hơn như lập trình có giá vào khoảng 25.000- 64.000 KPW.

Con số này thậm chí ngày càng tăng lên do phụ huynh phải tốn thêm tiền hối lộ các quan chức và giáo viên, qua đó cho phép con họ rời lớp học chính quy để đến các lớp học thêm trong ngày. Theo quy định, các học sinh phải lên lớp hoặc tham gia lao động bắt buộc và để có thời gian học thêm, phụ huynh sẽ phải chi tiền cho hiệu trưởng, giáo viên cùng các quan chức quản lý.

Ngoài giờ học, các học sinh ở Triều Tiên phải tham gia lao động bắt buộc
Ngoài giờ học, các học sinh ở Triều Tiên phải tham gia lao động bắt buộc 

Hơn nữa, theo cựu nhân viên ngoại giao Triều Tiên Tha Yong-ho, các phụ huynh ở Bình Nhưỡng và thủ phủ các tỉnh tìm mọi cách cho con học thêm, với mong muốn con mình được vào trường trung học tốt nhất. Một trong những đặc quyền của trường này là học sinh được miễn lao động bắt buộc, qua đó giúp họ có thời gian học hành để vào những trường đại học nổi tiếng hoặc đi du học, từ đó đảm bảo một sự nghiệp tương lai tươi sáng.

Mặc dù nhóm người đào tẩu trên không thể đại diện cho tất cả người dân Triều Tiên và việc gia sư riêng có thể không quá phổ biến như họ nói. Tuy nhiên, nhiều phụ huynh Triều Tiên hiện sẵn sàng bỏ tiền để đầu tư cho con học hành không kém người Hàn Quốc.

Một phụ huynh Triều Tiên nói trong chương trình tọa đàm của Hàn Quốc mới đây rằng cô ấy từng để con gái học dưới ánh đèn pha trong lúc mất điện. Một người khác cho biết thường đánh thức cháu trai vào 4h30 mỗi sáng để học thuộc từ vựng tiếng Anh.

Đọc thêm