Quyền và lệ thua luật

(PLVN) - Cuộc bầu cử tổng thống năm nay ở nước Mỹ trải qua 2 giai đoạn đặc biệt. Thời kỳ thứ nhất là cuộc vận động tranh cử mà dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do virus corona gây ra đã buộc các ứng cử viên phải thay đổi gần như hoàn toàn cách thức vận động tranh cử truyền thống lâu nay.
Kiểm phiếu bầu cử tổng thống Mỹ.
Kiểm phiếu bầu cử tổng thống Mỹ.

Điều thú vị ở đây là cựu Phó Tổng thống Joe Biden vận động tranh cử thụ động và nhàn hạ hơn rất nhiều Tổng thống đương nhiệm Donald Trump  mà rồi cuối cùng lại đắc cử tổng thống. Ông Biden giành về 306 đại cử tri và ông Trump chỉ được có 232. 

Giai đoạn thứ hai là thời kỳ sau ngày bầu cử 3/11 vừa qua. Xưa nay trong lịch sử nước Mỹ, thời kỳ này vốn bình thường chứ không sôi động gì bởi ngay sau khi các hãng truyền thông xác nhận ứng cử viên nào đắc cử tổng thống - trong khi kết quả bầu cử chưa được chính quyền các bang ở Mỹ chính thức xác nhận - người thua cuộc thường công khai thừa nhận thất cử.

Ở cuộc bầu cử tổng thống năm nay lại không như vậy. Ông Trump không chịu công nhận thất cử, cáo buộc nhờ gian lận bầu cử mà ông Biden mới có được số lượng đại cử tri nói trên và phát động cuộc chiến pháp lý ở các tòa án cũng như sử dụng vị thế quyền lực của mình trong Đảng Cộng hòa để xoay chuyển tình thế. Vấn đề đối với ông Trump là không đưa ra được bất cứ bằng chứng xác thực nào chứng minh là đã có gian lận bầu cử. Vì thế, ở giai đoạn này có chuyện quyền, lệ và luật.

Trên cương vị Tổng thống, ông Trump có quyển bổ nhiệm thành viên nhiều cấp tòa án ở nước Mỹ, từ cấp thấp cho tới tận cấp Tòa án Tối cao. Trong nhiệm kỳ cầm quyền sắp hết của mình, ông Trump đã làm việc bố trí nhân sự này. Đồng thời, ông Trump cũng còn kiểm soát chặt chẽ và chi phối Đảng Cộng hòa đến mức gần như tất cả các vị chức sắc thuộc đảng này đều phải dè chừng và nghe theo ông Trump. 

Ở nước Mỹ cũng còn có cái lệ gần như trong tất cả mọi chuyện, chính quyền các cấp và các tòa án do người của phe cánh chính trị nào kiểm soát thường luôn quyết định và phán xử thuận theo yêu cầu hay quan điểm của phe cánh chính trị ấy. Điển hình nhất là Tòa án Tối cao ở Mỹ. Toà này có 9 thẩm phán thì hiện có 6 được coi là người của phe Đảng Cộng hòa (ba trong số 6 ấy do đích thân ông Trump bổ nhiệm). Chiến lược mà ông Trump theo đuổi sau bầu cử nhằm lật ngược thắng cử của ông Biden dựa vào cái quyền và cái lệ này.

Hơn 1 tháng từ sau ngày bầu cử, thực tiễn ở Mỹ cho thấy ông Trump đã thất bại với chiến lược trên. Các tòa án liên quan, kể cả Tòa án Tối cao, đều đã tìm mọi cách để giúp ông Trump chiến thắng. Các vị dân biểu và thống đốc ở nhiều bang cũng nỗ lực như có thể được để không xác nhận ông Biden thắng cử.

Nhưng họ đều không thể giúp ông Trump toại nguyện. Luật pháp hiện hành cho tòaà án và các vị chức sắc kia quyền dan thiệp vào kết quả bầu cử nhưng họ lại không có cơ sở thực tế để đưa ra quyết định hay phán xử trái với sự thật. 

Một khi không thấy có bằng chứng về gian lận bầu cử như phe cánh của ông Trump cáo buộc thì toà không thể phán xử cho ông Trump thắng kiện và chính quyền bang không thể chứng thực ông Trump đắc cử. Việc duy nhất họ có thể buộc các bên liên quan làm là kiểm lại phiếu bầu và trì hoãn thời điểm chính thức xác nhận kết quả bầu cử.

Cho nên ở đây mới có chuyện quyền và lệ thua luật mặc dù phía nắm luật trong tay trong thâm tâm đâu có muốn thắng quyền và lệ. Cũng chính vì thế mà cuôcu bầu cử tổng thống ở nước Mỹ năm nay là sự kiện mà dân Mỹ và nước Mỹ không biết nên coi là bi hay hài.

Đọc thêm