“Siêu lừa thế kỷ” mạo danh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và những phi vụ không tưởng

(PLVN) - Tòa án Pháp từ đầu tháng 2 này đưa ra xét xử 7 đối tượng bị cáo buộc có liên quan đến vụ bê bối lừa đảo nhiều triệu USD. Tổng cộng đã có hơn 150 nhân vật và các tổ chức nổi tiếng đã trở thành nạn nhân của chiêu lừa đảo giả danh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Jean-Yves Le để yêu cầu nạn nhân chuyển tiền hỗ trợ cho các phái vụ mật như giải cứu con tin hay hỗ trợ chống khủng bố.
“Siêu lừa thế kỷ” mạo danh Bộ trưởng Quốc phòng Pháp và những phi vụ không tưởng

Âm mưu tinh vi 

Nghi phạm chính trong vụ việc là tên Gilbert Chikli (54 tuổi) có biệt danh “nghệ sĩ lừa đảo”.

Mang 2 quốc tịch Israel và Tunisia, nghi phạm này lớn lên ở thủ đô Paris (Pháp). Theo cáo trạng, trong khoảng thời gian 2 năm 2015-2016, Chikli cùng tên Anthony Lasarevitsch (35 tuổi) và 5 đồng phạm khác lừa đảo với số tiền lên đến 55 triệu USD. Các công tố viên đề nghị mức án 10-14 năm tù giam đối với hai kẻ chủ mưu Chikli và Lasarevitsch.

Theo các điều tra viên Pháp, âm mưu lừa đảo của Chikli và đồng bọn rất tinh vi. Theo đó, chúng đóng giả là một nhân viên thân cận của ông Le Drian - người khi đó đang là Bộ trưởng Quốc phòng Pháp còn hiện tại đang giữ chức Ngoại trưởng nước này - để liên lạc với các doanh nhân, những người đứng đầu ngân hàng và các lãnh đạo chính phủ nước ngoài, vờ yêu cầu họ sắp xếp một cuộc trò chuyện với vị bộ trưởng để bàn về một vụ việc bí mật, ví dụ như giải cứu con tin là các nhà báo Pháp bị bắt cóc ở Trung Đông để đòi tiền chuộc hay hỗ trợ chống khủng bố.

Khi nhận thấy mục tiêu có vẻ như bán tín bán nghi, một tên lừa đảo sẽ giả giọng rất giống ông Le Drian để nói chuyện trực tiếp với mục tiêu. Để khiến “con mồi” tin tưởng hơn, thủ phạm sau đó sẽ chuyển sang dùng hình thức gọi điện video qua Skype. Khi đó, cuộc gọi video cho thấy một người đàn ông giống Bộ trưởng Le Drian đang ngồi cạnh một bàn làm việc cắm quốc kỳ Pháp và bức chân dung ông Francois Hollande (Tổng thống Pháp giai đoạn 2012-2017), giống hệt phòng làm việc của Bộ trưởng Quốc phòng thật. 

Tên Gilbert Chikli
 Tên Gilbert Chikli

Trên thực tế, “Bộ trưởng Quốc phòng” đó chính là do tên Chikli giả dạng bằng cách đeo mặt nạ silicon. Căn phòng mà đối tượng ngồi cũng được trang trí giống y hệt phòng làm việc của ông Le Drian để khiến các “con mồi” tin rằng họ đang được tiếp xúc trực tiếp với ông Le Drian.

Để tránh bị lộ, kẻ đóng giả ông Le Drian thường ngồi cách khá xa ống kính camera, trong một phòng có ánh sáng yếu và khó để các nạn nhân nhận ra hắn đang đeo mặt nạ. Chất lượng đường truyền video cũng khá kém và cuộc trò chuyện cũng tương đối ngắn ngủi.

Trong cuộc chuyện trò đó, kẻ lừa đảo thông báo với “con mồi” về những nhiệm vụ mật mà giới chức Pháp đang phải làm như giải cứu con tin hay hỗ trợ chống khủng bố và đề nghị giúp đỡ. Ví dụ, với lý do chính phủ Pháp không thể chính thức trả tiền cho bọn bắt cóc ở Trung Đông để chuộc con tin, “Bộ trưởng” giả sẽ yêu cầu các nạn nhân quyên góp tiền lớn cho việc này và hướng dẫn họ gửi vào một tài khoản ở Trung Quốc để không bị lần ra dấu vết. Một số người tỉnh táo nhận ra những điểm bất thường trong câu chuyện, nhưng vẫn nhiều nạn nhân khác đã sập bẫy và quyên tặng hàng triệu euro. 

Theo thống kê, từ cuối năm 2015 đến năm 2017, “Bộ trưởng Quốc phòng” Chikli và đồng phạm đã lừa được hơn 150 nạn nhân ở hơn 50 quốc gia, bao gồm Quốc vương Bỉ, Thủ tướng Na Uy, Tổng thống Niger. Tổng số tiền mà chúng lừa được lên tới gần 80 triệu euro từ nhiều nạn nhân. Hơn một nửa số tiền này là của một doanh nhân giàu có người Thổ Nhĩ Kỳ. Trùm kinh doanh Anh Aga Khan cũng mất khoảng 18 triệu euro. Tất cả những đại gia mất tiền muốn thổ lộ với báo chí về việc đó. 

Luật sư của ông Le Drian cho rằng đây là một vụ việc khác thường, quá táo bạo khi bọn tội phạm cả gan mạo danh một Bộ trưởng đương nhiệm để gọi điện cho các chủ doanh nghiệp và lãnh đạo chính phủ khắp thế giới, đề nghị hỗ trợ những khoản tiền lớn. Vụ lừa đảo chỉ bị phát giác khi Tổng thống Senegal bị “Bộ trưởng” giả tiếp cận và gọi ông là “ngài”, kẻ mạo danh không biết rằng Tổng thống Senegal và ông Le Drian vốn rất thân và xưng hô như bạn bè.

Sa lưới

Trước khi tiến hành phi vụ lừa đảo táo bạo trên, năm 2015, Chikli bị xét xử vắng mặt và bị kết án 7 năm tù giam vì tội lừa đảo các công ty Pháp bằng cách đóng giả giám đốc điều hành của họ hoặc các đặc vụ tình báo để dụ dỗ họ chuyển tiền vào những tài khoản ma do y kiểm soát.

Việc lừa đảo được được tiến hành thuần thục đến mức người ta cho rằng, chỉ cần nhấc điện thoại tự xưng là “tổng giám đốc” và kịch bản được lên sẵn, Chikli đã thôi miên được con mồi thực hiện theo đúng yêu cầu của mình để chuyển tiền vào các tài khoản ở nước ngoài. Nghi phạm này cũng bị cáo buộc như âm mưu lừa Chính phủ Tunisia trả tiền mua nhiều trực thăng Tiger mà nước này thực tế chưa bao giờ đặt mua. 

Theo tòa án Pháp, Chikli đã chiếm đoạt tài sản của các ngân hàng lớn trên thế giới như La Banque Postale, LCL và HSBC với tổng số tiền lừa đảo ước tính lên đến gần 6,1 triệu euro. Ngoài ra, Chikli còn bị truy tố về âm mưu chiếm đoạt hơn 70 triệu euro của ít nhất 33 công ty khác, bao gồm nhiều tên tuổi như Barclays, American Express và công ty điều hành Disneyland Paris. Song, 1 ước tính cho rằng, chỉ trong vòng 2 năm, tổng số tiền lừa đảo của “siêu lừa” này chỉ riêng tại Pháp đã lên tới hơn 6 tỉ euro, trong đó, theo FBI, các doanh nghiệp Pháp mất ít nhất 1,8 tỉ USD. 

Lừa đảo đã khó nhưng tuồn số tiền lừa đảo khổng lồ ra nước ngoài còn khó hơn, vậy mà Chikli vẫn đã tìm ra cách lách hàng loạt những quy định chặt chẽ được các ngân hàng áp dụng để khiến những kẻ lừa đảo không thể chuyển tiền bất hợp pháp vào tài khoản.

Theo lời khai của tên này, 90% số tiền lừa đảo đã được hắn chuyển tới Trung Quốc và Hongkong để đầu tư vào các lĩnh vực thương mại và tài chính hợp pháp trong vùng. Phương pháp mà “siêu lừa” này chuộng nhất là sử dụng hình thức xuất-nhập khẩu. Đây cũng là cách rửa tiền khiến chính quyền Mỹ đau đầu nhất vì thường được các băng đảng tội phạm sử dụng. 

Bộ trưởng Le Drian giả trong một cuộc gọi video với nạn nhân
 Bộ trưởng Le Drian giả trong một cuộc gọi video với nạn nhân

Theo phương thức này, công ty ma của kẻ lừa đảo mua hàng tại Trung Quốc để xuất khẩu sang nước thứ 3. Hóa đơn mua hàng sẽ được nâng giá khống và người bán Trung Quốc được hưởng hoa hồng. Như vậy, công ty ma có hóa đơn chính đáng cho phép chuyển tiền về nước, sau khi bán vài mặt hàng nhập từ Trung Quốc ở nước thứ 3. Truyền thông Pháp gọi tên này là “siêu lừa đảo thế kỷ”.

Tuy nhiên, trước khi bị kết án về tội lừa đảo các doanh nghiệp, hắn đã nhanh chân cao chạy xa bay đến Israel. Tại đây, hắn vẫn công khai sống hưởng thụ trong ngôi nhà 3 tầng xa hoa ở thành phố cảng Ashdod bên bờ Địa Trung Hải vì giữa Israel và Pháp không có thỏa thuận dẫn độ.

Vận may của tên Chikli chỉ chấm dứt khi hắn quyết định tới Ukraine vào tháng 8/2017 vì cáo buộc giả mạo danh tính và gian lận tín dụng. Khi bị cảnh sát Ukraine bắt, tên này khai rằng hắn tới nơi an nghỉ của một giáo sĩ Do Thái nổi tiếng. Song, cảnh sát tìm thấy bằng chứng trên điện thoại cho thấy hắn đến đây để mua mặt nạ silicon. Về sau, hắn bị Ukraine dẫn độ sang Pháp. 

Siêu lừa trên đã bị giam giữ ở Pháp kể từ năm 2017. Thế nhưng, ngay cả khi hắn đã ngồi trong trại giam, việc lừa đảo vẫn diễn ra. Đầu năm 2019, các đại sứ quán Pháp ở nước ngoài lại bắt đầu nhận được liên lạc từ “Ngoại trưởng Le Drian”, yêu cầu những người bạn của Pháp đầy quyền lực, các lãnh đạo doanh nghiệp và chính phủ các nước châu Phi gửi tiền theo cách thức tương tự như của Chikli.

Tháng 2/2019, 3 người Pháp gốc Israel đã bị bắt gần Tel Aviv vì tình nghi dính líu đến vụ việc. Chuyện lừa đảo chấm dứt ngay sau đó. Hiện vẫn chưa rõ 3 nghi phạm trên chỉ đang bắt chước phương thức lừa đảo của Chikli hay là tòng phạm của chúng. 

Đọc thêm