Sự kiện lớn và chuyển biến tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hội nghị cấp cao trực tuyến về biến đổi khí hậu trái đất là sự kiện quốc tế lớn đầu tiên được tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khởi xướng và chủ trì kể từ sau khi chính thức nhậm chức ở Mỹ cách đây chưa đầy 100 ngày. Ông Biden mời lãnh đạo của hơn 40 quốc gia trên thế giới tham dự.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến về biến đổi khí hậu.

Cho dù thực thi chính sách đối đầu rất găng với Trung Quốc và Nga, ông Biden vẫn mời Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Nga Vladimir Putin tham dự, ông Tập Cận Bình và ông Putin đều nhận lời tham dự. 

Chủ đề nội dung của sự kiện không những chỉ thời sự trên thế giới mà còn rất quyết định đối với cả 3 đối tác này trong việc tận dụng nó để tập hợp lực lượng và gây dựng vai trò dẫn dắt trên thế giới, hay coi nhẹ nó để sa vào nguy cơ bị biệt lập trên thế giới. Với quan điểm phủ nhận thực tế là có biến đổi khí hậu trên trái đất và rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp ước Paris của Liên Hợp Quốc về bảo vệ khí hậu trái đất, người tiền nhiệm của ông Biden là ông Donald Trump đã tự cô lập nước Mỹ trên lĩnh vực này. Trung Quốc và Nga không thể không tham dự sự kiện lần này nếu không muốn bị như nước Mỹ dưới thời ông Trump cầm quyền và nếu không muốn để ông Biden một mình “phất cờ”.

Với việc tổ chức sự kiện lớn này, ông Biden theo đuổi nhiều mục tiêu và nhằm tới nhiều lợi ích. Hai trong số những chủ trương của ông Biden cho nhiệm kỳ cầm quyền này là thể hiện sự khác biệt với người tiền nhiệm thông qua lật ngược những quyết sách của ông Trump, hoặc làm khác người tiền nhiệm và khôi phục vai trò, ảnh hưởng chính trị thế giới của nước Mỹ. Chủ đề biến đổi khí hậu trái đất thuộc về diện những lĩnh vực chính sách ông Biden có thể dễ dàng đạt được cả hai mục tiêu ấy. 

Ngay trong ngày cầm quyền đầu tiên, ông Biden đã quyết định đưa nước Mỹ tham gia trở lại Hiệp ước Paris của LHQ về bảo vệ khí hậu trái đất. Ông Biden thương thảo với lãnh đạo EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia về xác định mục tiêu cụ thể mới cho tiến trình bảo vệ khí hậu trái đất. Riêng cho nước Mỹ, ông Biden đề ra mục tiêu cụ thể còn cao xa hơn cả cam kết của Mỹ trong Hiệp ước Paris. 

Ông Biden không những chỉ thể hiện là nước Mỹ đã trở lại với thế giới mà còn nhằm tới vai trò và ảnh hưởng dẫn dắt thế giới trong mọi chuyện nói chung và trong vấn đề biến đổi khí hậu trên trái đất nói riêng. Kết quả của cuộc cấp cao trực tuyến này có tác động quyết định tới diễn biến và thành bại của Hội nghị sắp tới của LHQ về chủ đề nội dung biến đổi khí hậu trái đất dự kiến sẽ được tổ chức ở Glasgow (Anh) vào mùa thu năm nay. Vì thế, thành công của cuộc cấp cao trực tuyến sẽ mở ra cơ hội cho nước Mỹ chi phối diễn đàn ở Glasgow.

Cho dù phía ông Biden theo đuổi mục đích riêng gì cho nước Mỹ thì việc Mỹ tích cực và chủ động trong vấn đề bảo vệ khí hậu trái đất cũng vẫn có tác động tích cực. Cả EU và Trung Quốc đều vì thế mà đưa ra những mục tiêu cao xa hơn trước về đối phó với biến đổi khí hậu trên trái đất. Hai đối tác này muốn “có chân” trong cuộc chơi mới chứ không để phải chạy theo Mỹ và càng không để cho Mỹ độc quyền chiếm diễn đàn và một mình tận lợi chủ đề nội dung. Tiến trình bảo vệ khí hậu trên trái đất có được động lực tiến triển mới.

Ở nước Mỹ, ông Biden sẽ vấp phải sự chống đối quyết liệt từ phía Đảng Cộng hòa và giới kinh tế. Phe Đảng Cộng hòa không muốn ông Biden cầm quyền thành công và e ngại hiệu ứng tích cực của thành quả cầm quyền của ông Biden về đối ngoại. Giới kinh tế Mỹ lo ngại thua thiệt từ những mục tiêu cao hơn của ông Biden nhằm bảo vệ khí hậu trái đất. Bởi thế, vì mục đích và lợi ích chung là bảo vệ khí hậu trái đất, thế giới bên ngoài nước Mỹ cần có hành động thiết thực khích lệ ông Biden kiên định thực hiện chính sách và mục tiêu đã đề ra trên lĩnh vực này và đồng hành cũng như hậu thuẫn ông Biden.

Đọc thêm