“Thùng thuốc nổ” bị châm ngòi

(PLVN) - Cái chết của ông George Floyd sau khi bị cảnh sát ghì chân lên cổ đã châm ngòi cho “thùng thuốc nổ” chờ chực lâu nay tại Mỹ. Đó là các vấn đề về phân biệt sắc tộc, việc lạm quyền của lực lượng hành pháp đối với người nhập cư… Vấn đề này đã đưa nước Mỹ vào một tình trạng chưa từng thấy trong lịch sử.
Bức ảnh chụp cảnh sát Mỹ quỳ gối trước những người biểu tình sau cái chết của ông George Floyd
Bức ảnh chụp cảnh sát Mỹ quỳ gối trước những người biểu tình sau cái chết của ông George Floyd

Cái chết thương tâm của người thợ da màu 

Chiều tối 25/5, tại thành phố Minneapolis ở bang Minnesota, cảnh sát nhận được cú điện thoại trình báo về việc một người đàn ông bị nghi dùng một tờ tiền mệnh giá 20 USD giả để mua thuốc lá. Một lát sau, 4 viên cảnh sát đã có mặt tại hiện trường và 17 phút sau khi cảnh sát nhận được tin báo, người đàn ông xấu số đã chết. Nhiều đoạn video do ít nhất 3 người qua đường đã quay lại được toàn bộ vụ việc, trong đó cho thấy viên cảnh sát Derek Chauvin đã quỳ gối trên cổ ông Floyd, ấn đầu gối vào gáy của nạn nhân trong suốt 8 phút 46 giây, bao gồm cả gần 3 phút sau cùng, khi người đàn ông đã hoàn toàn bất động. 

Cảnh người đàn ông da màu bị cảnh sát viên khống chế bằng cách quỳ lên cổ và ấn đầu gối vào gáy trong khi ông này bị ghì nằm sấp trên mặt đất trong đoạn video được tung lên mạng là một cảnh tượng đau lòng. Càng thương tâm hơn khi nghe được những lời cuối của ông, nài nỉ cảnh sát: “Tôi không thở được! Xin làm ơn…”. Sau cùng trong tuyệt vọng, ông gọi người mẹ đã khuất: “Mẹ ơi! Mẹ ơi!”. 

Tờ New York Times phân tích 3 video do 3 người quay ở những vị trí khác nhau khẳng định, trong khi cảnh sát Derek Chauvin quỳ lên cổ Floyd, hai viên cảnh sát khác cũng khống chế ông này bằng cách đè lên lưng và chân của ông. 

Thế nhưng, các công tố viên trong quá trình khởi tố hình sự cho rằng nạn nhân tử vong liên quan các vấn đề sức khỏe sẵn có, không có bằng chứng nào cho thấy ông Floyd đã bị ngạt do chấn thương hoặc siết cổ. Không đồng tình với kết luận này, gia đình ông Floyd đã mời chuyên gia pháp y Aleccia Wilson thuộc Đại học Michigan tiến hành khám nghiệm tử thi độc lập. 

Hình ảnh gây phẫn nộ được cho là châm ngòi "thùng thuốc nổ" bất ổn tại nước Mỹ
Hình ảnh gây phẫn nộ được cho là châm ngòi "thùng thuốc nổ" bất ổn tại nước Mỹ  

Kết quả cho thấy nguyên nhân tử vong do nạn nhân bị chẹt cổ và lưng dẫn đến ngạt thở. Sau khi kết quả khám nghiệm độc lập trên được công bố, Văn phòng Kiểm tra Y tế của Hạt Hennepin cũng đã công bố báo cáo khám nghiệm tử thi đầy đủ, trong đó kết luận cái chết của nạn nhân là do “hành động giết người” bằng cách chẹt cổ. Báo cáo kết quả khám nghiệm tử thi lưu ý rằng ông Floyd có nhiều chấn thương do lực cùn ở trán, mặt và môi, vai, tay, khuỷu tay và chân. 

Người này có một số tình trạng sức khỏe tiềm ẩn, bao gồm bệnh xơ động mạch và tăng huyết áp tim nghiêm trọng nhưng không có thương tích nào liên quan đến các căn bệnh này đe dọa đến tính mạng tại thời điểm nạn nhân qua đời. Ông George Floyd được sinh ra trong một khu phố nghèo của người da đen tại thành phố Houston, bang Texas. Năm 12 tuổi, Floyd đã cao 1m 87 và thể hiện năng khiếu ở 2 bộ môn thể thao là bóng rổ và bóng đá. 

Từng là một cầu thủ hứa hẹn của Trường Trung học Yates, Floyd đã được tuyển vào trường đại học South Florida State để chơi bóng rổ cho nhà trường trong 2 năm học tại đây. Trở về Texas theo học tại Đại học Texas A&M, Floyd không hoàn tất chương trình đại học.

Cuộc đời ông này từ đó rẽ sang một ngã khác. Cựu cầu thủ bóng rổ triển vọng khi nào sa vào con đường tội phạm, nhiều lần bị bắt giữ về tội trộm cắp và ma túy. Vào năm 2007, ông ta bị bắt giữ về tội cướp có vũ trang và bị tuyên án tù 5 năm. Đây cũng là một bước ngoặt trong cuộc đời George Floyd. 

Mãn hạn tù, ông này tình nguyện tham gia một tổ chức tôn giáo ở địa phương có tên Resurrection Houston và quyết tâm từ bỏ con đường tội phạm để làm lại cuộc đời, đóng góp cho cộng đồng. Kể từ đó, ông tích cực ủng hộ chống bạo lực và tìm cách đưa những người trẻ lầm đường lạc lối như mình trước đây “trở về nhà”, sống cuộc đời lương thiện. Với vẻ ngoài cao lớn, vạm vỡ, ông được hàng xóm gọi bằng cái tên thân thiện là “anh khổng lồ hiền hậu”. 

Năm 2018, với sự khuyến khích của một số bạn bè thời thơ ấu, Floyd dọn đến Minnesota để bắt đầu một giai đoạn mới trong đời mình. Tại vùng đất mới, ông được nhận làm bảo vệ cho tổ chức từ thiện Salvation Army, sau đó làm lái xe vận tải và bảo vệ cho câu lạc bộ Conga Latin Bistro. Bạn bè ông cho biết, kể từ khi về đây, Floyd tỏ ra hài lòng về thay đổi này. Giữa đại dịch Covid-19, như nhiều người Mỹ khác, Floyd bị mất việc. 

Ông Harris (một người bạn thân từ thuở nhỏ với Floyd) cho biết, bạn của ông bị rơi vào cảnh thất nghiệp cửa các doanh nghiệp phải đóng cửa để ngăn chặn sự lây lan của dịch bệnh. Ông Harris khẳng định rằng bạn ông đã tìm mọi cách để tiếp tục cải thiện cuộc sống của mình và ông không tin rằng Floyd tìm cách làm tiền giả.

Làn sóng bất ổn ở Mỹ gia tăng 

Hình ảnh nạn nhân trong tư thế nằm sấp trên mặt đất, bị ghì dưới đầu gối của viên cảnh sát đã khiến dư luận sôi sục, châm ngòi cho các cuộc biểu tình dữ dội kéo dài trên khắp nước Mỹ và cả một số nơi trên thế giới. Viên cảnh sát Derek Chauvin đã bị bắt và bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát cấp độ 2; tội giết người đã được nâng cấp lên cấp 2 vào ngày 3/6. 

Ba nhân viên cảnh sát khác có mặt tại hiện trường cũng đã bị buộc tội hỗ trợ giết người. Giới chức bang Minnesota ngày 3/6 đã buộc tội thêm 3 cựu sĩ quan cảnh sát liên quan tới vụ việc về tội hỗ trợ và tiếp tay giết người đồng thời tăng cấp độ tội danh và định thêm một tội danh mới đối với cựu sĩ quan cảnh sát Derek. Người này bị buộc tội giết người cấp độ 2, tăng một bậc so với cáo buộc trước đó. Ngoài ra, viên cảnh sát 44 tuổi này còn bị buộc tội ngộ sát cấp độ 2. 

Thế nhưng, những động thái này vẫn không đủ để xoa dịu dư luận. Một loạt các cuộc biểu tình bạo lực ở Minneapolis và St. Paul trước khi lan rộng khắp nước Mỹ. Từ ôn hòa, nhiều người biểu tình khác lại lao vào cướp bóc, bạo loạn và cướp phá. Tính đến giữa tuần qua, tổng cộng đã có hơn 10.000 người tham gia các cuộc biểu tình bị bắt giữ trên khắp nước Mỹ do có các hành động cướp bóc, tấn công cảnh sát. Số người bị bắt giữ vì biểu tình bạo lực tăng hàng trăm người mỗi ngày sau khi chính quyền nhiều thành phố ở Mỹ thực thi lệnh giới nghiêm. 

Đêm 29/5, Tổng thống Mỹ Donald Trump thậm chí đã phải rút xuống hầm trú ẩn tại Nhà Trắng khi đám đông người biểu tình dồn về vây quanh khu vực này để phản đối vụ việc. Ngoài nguy cơ bạo lực, các cuộc biểu tình này cũng dấy lên lo ngại về khả năng làm lây lan dịch bệnh Covid-19. Hơn 17.000 lính Vệ binh Quốc gia đã được triển khai tại 23 tiểu bang và Quận Columbia để giúp cảnh sát địa phương giải quyết tình trạng bất ổn - điều chưa từng thấy ở Mỹ kể từ những năm 1960. 

Tổng thống Donald Trump đã dọa sẽ triển khai lực lượng quân sự để thực thi trật tự trong nước nếu chính quyền địa phương không dập tắt tình trạng bất ổn. Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 2/6 thông báo đã triển khai khoảng 1.600 binh sĩ quân đội tới Thủ đô Washington sau khi liên tục xảy các biểu tình kích động bạo lực trong đêm ở thành phố này. Ngoài Mỹ, các cuộc biểu tình khác phản đối vụ việc cũng đã nổ ra ở Anh, New Zealand, Brazil và nhiều nơi khác trên thế giới.

Đọc thêm