Tiến triển tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tại Thủ đô Vienna của nước Áo, Mỹ và Iran đã thương thảo gián tiếp với nhau thông qua trung gian là Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức về cách thức giải cứu thỏa thuận về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA). 
Một cơ sở hạt nhân tại Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Một cơ sở hạt nhân tại Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thỏa thuận này được 7 nước nói trên cùng ký kết hồi mùa hè năm 2015. Năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA và áp dụng trở lại những biện pháp trừng phạt Iran như ở thời trước khi có JCPOA. Iran vì thế dần giảm bớt mức độ tuân thủ JCPOA. Nếu hai bên cứ tiếp tục như thế thì thoả thuận này chẳng bao lâu nữa không còn hiệu lực trên thực tế. 

Sự thay đổi chính quyền ở Mỹ đã tạo ra cơ hội hiếm có để các bên tham gia ký kết cùng nhau cứu vãn thỏa thuận. Chính quyền mới đã tuyên bố sẽ đưa nước Mỹ tham gia trở lại JCPOA nếu Iran tiếp tục tuân thủ nghiêm chỉnh các cam kết trong JCPOA, còn Iran lại yêu cầu Mỹ phải dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt Iran như đã cam kết thì mới lại tuân thủ nghiêm chỉnh JCPOA. Qua đấy có thể thấy cả Mỹ và Iran bây giờ đều muốn duy trì hiệu lực của JCPOA nhưng không bên nào chịu và có thể đi bước trước, tức là đáp ứng trước điều kiện tiên quyết của phía bên kia, bởi làm như thế sẽ bị coi là yếu thế và sẽ vấp phải áp lực lớn trong nội bộ. 

Những cuộc trao đổi vừa qua ở Vienna được 5 bên tham gia ký kết còn lại khởi xướng trong bối cảnh tình hình ấy. Chúng tạo khuôn khổ và diễn đàn, bầu không khí và bối cảnh vừa thích hợp, vừa thuận lợi để Mỹ và Iran thương thảo với nhau (cho dù chỉ là gián tiếp) mà không bị coi là yếu thế cũng như không bên nào bị mất thể diện.

Chỉ riêng việc Mỹ và Iran bàn về cách thức giải cứu JCPOA không thôi cũng đủ để được coi là sự khởi đầu rất đáng được khích lệ. Những cuộc trao đổi ở Vienna vừa qua đã đưa lại kết quả tích cực khi phía Mỹ sau đấy cho biết sẽ dỡ bỏ những biện pháp trừng phạt Iran trái với các quy định trong JCPOA. Nếu phía Mỹ hành động như đã tuyên bố thì phía Iran không còn lý do gì để từ chối thực hiện đầy đủ mọi cam kết của mình trong JCPOA. 

Vì sự tin cậy lẫn nhau đã bị đổ vỡ sau khi ông Trump rút nước Mỹ ra khỏi JCPOA, Mỹ và Iran bây giờ cần nhiều chứ không thể ít thời gian để gây dựng lại lòng tin đủ mức cho việc thực hiện JCPOA. Bước tiến triển vừa qua dẫu có tích cực đến mấy thì cũng mới chỉ là sự khởi đầu và hai bên còn cần nhiều bước đi tiếp theo, thiện chí và thoả hiệp cần thiết để đảm bảo cho những gì đã đạt được không còn có thể bị đảo ngược được.

Chính quyền mới ở Mỹ và Iran đều sẽ rất thận trọng vì chuyện này rất nhạy cảm về đối nội cũng như đối ngoại và chính trị an ninh khu vực đối với cả hai bên, buộc cả hai bên phải cùng bước chứ không thể chờ đợi có bên nào đấy đi bước trước.

Đọc thêm