Tín hiệu tích cực

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Vào đúng lúc Triều Tiên lại phóng tên lửa và mối quan hệ giữa nước này với Mỹ nói chung, vấn đề chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên nói riêng lại được thế giới quan tâm đến thì có tín hiệu tích cực mới về triển vọng thỏa thuận đã có được về giải pháp cho vấn đề hạt nhân của Iran (JCPOA) sẽ được khôi phục hiệu lực. 
Lãnh đạo các nước tham gia JCPOA.
Lãnh đạo các nước tham gia JCPOA.

Thỏa thuận này được ký kết hồi mùa hè năm 2015 giữa Mỹ, Iran, Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức. Nhưng rồi năm 2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi thoả thuận này và áp dụng trở lại những biện pháp chính sách trừng phạt Iran như ở thời chưa có JCPOA. Vì thế, phía Iran cũng dần bớt tuân thủ các cam kết của Iran trong JCPOA. Bản thân thỏa thuận này có nguy cơ bị đổ vỡ hoàn toàn. 

Khi nước Mỹ có chính quyền mới với tân Tổng thống là ông Joe Biden, ông này ngay trong những ngày cầm quyền đầu tiên đã đưa nước Mỹ tham gia trở lại một số thể chế và thoả thuận đa phương quốc tế mà ông Trump đã đơn phương rút nước Mỹ ra khỏi, nhưng chưa hành động như vậy đối với JCPOA. Tuy nhiên, phía Mỹ biểu lộ thiện chí và chủ ý trở lại JCPOA, với điều kiện tiên quyết phía Iran trước hết phải lại thực hiện đầy đủ và nghiêm chỉnh JCPOA. 

Phía Iran nhìn nhận sự thay đổi chính quyền ở Mỹ là cơ hội thuận lợi để lại ràng buộc Mỹ vào JCPOA. Vì ông Trump hành xử như thế nên không có gì khó hiểu khi phía Iran không còn tin tưởng Mỹ và phải đặt điều kiện tiên quyết là Mỹ phải trở lại JCPOA trước hoặc phải dỡ bỏ các biện pháp chính sách trừng phạt Iran trước (mà ông Trump đã tiến hành) thì Iran mới lại tuân thủ đầy đủ mọi cam kết trong JCPOA. Qua đó có thể thấy cả Mỹ và Iran đều có chủ ý hồi sinh JCPOA nhưng chưa tìm ra cách thức thích hợp giúp họ đồng thời giữ được thể diện và vị thế.

Trong bối cảnh tình hình như thế, việc Iran cùng Nga, Trung Quốc, Anh, Pháp và Đức trao đổi về số phận tương lai của JCPOA và việc phía Mỹ tuy không tham gia trao đổi nhưng lại công khai ủng hộ cuộc trao đổi là tín hiệu rất tích cực. Trước đấy, phía Mỹ cũng đã tiến hành trao đổi với Anh, Pháp và Đức về việc này.

Các bên hiện đều biết rằng chỉ có một khuôn khổ diễn đàn đa phương nào đấy với sự tham gia của cả Mỹ và Iran chứ không phải  khuôn khổ song phương giữa Mỹ và Iran mới có thể lôi kéo được Mỹ và Iran cùng tham gia trở lại JCPOA. Chỉ như thế thì không bên nào bị nhìn nhận là vì thất thế hay yếu thế mà phải đi bước trước và vì vậy bị mất thể diện. 

Sau 4 năm mối quan hệ giữa Mỹ và Iran bị đẩy vào tình trạng rất căng thẳng và đối địch quyết liệt cũng như sau những thăm dò và chập chững ở thời đầu của nhiệm kỳ cầm quyền của ông Biden, JCPOA hiện thật sự có được cơ hội và cả triển vọng thực tế lại được tất cả các bên tham gia ký kết thực hiện đầy đủ. Chỉ khi JCPOA được tiếp tục tuân thủ thì phía Iran mới có thể sẵn sàng đàm phán thoả thuận mới với Mỹ.

Đọc thêm