Tòa dùng lệ làm luật

(PLVN) - Ở nước Pháp, Tòa án thành phố Marseille vừa đưa ra phán quyết cuối cùng trong một vụ xét xử khiến thiên hạ không biết nên thở dài ngao ngán theo kiểu nào và đến mức độ nào thì mới thoả đáng. Vụ xét xử này liên quan đến khiếu kiện của người vợ trong một vụ ly hôn. 
Thành phố Marseille (Pháp).
Thành phố Marseille (Pháp).

Tòa án phán rằng người vợ đã có lỗi khiến cuộc hôn nhân tan rã và lý do là người vợ cự tuyệt quan hệ tình dục với người chồng. 

Tòa cho rằng người vợ này đã không thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người vợ trong hôn nhân. Tòa giữ nguyên phán quyết này kể cả sau khi người vợ quả quyết rằng chồng đã dùng vũ lực để buộc mình phải quan hệ tình dục và đánh đập bà mỗi khi không được đáp ứng. Người vợ năm nay 65 tuổi và kiên quyết yêu cầu toà xử ly hôn sau cuộc hôn nhân 27 năm với người chồng kia. Phán xử của tòa án phân định ai có lỗi trong cuộc hôn nhân và người này sẽ phải trả mọi án phí và chịu thua thiệt trong phân chia tài sản chung.

Vấn đề ở đây là tòa án Pháp không dựa vào luật pháp hiện hành để xét xử vụ việc này mà dựa vào án lệ trong một vụ ly hôn tương tự xảy ra hồi năm 2005. Khi ấy, tòa án đã đưa ra phán quyết bất lợi cho người vợ vì người vợ không chấp nhận đòi hỏi quan hệ tình dục của người chồng.

Tòa án này lập luận rằng nếu vì lý do khách quan hay chủ quan nào đấy thì việc người vợ không để cho người chồng quan hệ tình dục là chuyện bình thường, có thể hiểu và giải thích được, nhưng không thể cự tuyệt người chồng quan hệ tình dục trong thời gian dài, cụ thể là từ 1 năm trở lên.

Trong luật pháp hiện hành ở nước Pháp không có quy định về nghĩa vụ quan hệ tình dục giữa vợ chồng trong hôn nhân. Luật pháp hiện hành cũng không quy định cụ thể người vợ hay người chồng có quyền cự tuyệt quan hệ tình dục trong hôn nhân. Dù vậy vẫn có thể hiểu luật pháp đề cao tính tự nguyện quan hệ tình dục trong hôn nhân và không cho phép cưỡng bức tình dục trong hôn nhân. 

Ở nhiều quốc gia trên thế giới cho đến nay đã có hẳn luật riêng quy định rất cụ thể những tiêu chí để xác định và đảm bảo tính tự nguyện quan hệ tình dục trong hôn nhân. Trong số này đã có những quy định đi xa tới mức cụ thể hóa cách xác nhận và chứng minh tính tự nguyện quan hệ tình dục trong hôn nhân đến mức trước mỗi lần quan hệ với nhau, người nào chủ động phải có được và chứng minh được sự tự nguyện đồng ý của người kia.

Luật pháp thì như thế nhưng tòa án ở thành phố Marseille vừa rồi lại dùng án lệ trong một vụ việc trước đấy vốn cả trên danh nghĩa lẫn trong thực chất đều không đúng với luật pháp hiện hành để làm cơ sở lập luận và lệ để đưa ra phán quyết. Cho dù có biện luận rằng tòa án xét xử theo cách dùng án lệ thì cũng không thể chấp nhận được khi bản thân án lệ đã sai. 

Tính tự nguyện quan hệ tình dục trong hôn nhân được nâng thành tiêu chí và điều kiện nhằm đảm bảo yêu cầu đòi hỏi về bảo vệ nhân phẩm của phụ nữ và bình đẳng giới đặc biệt trong hôn nhân. Các quốc gia trên thế giới xây dựng hệ thống luật pháp liên quan ngày càng hoàn chỉnh và nhất quán hơn để đạt được mục tiêu này. Vậy mà tòa án ở Pháp lại dùng lệ để làm luật và sử dụng để ra phán quyết là phản luật.

Vụ việc này càng khó hiểu và càng thêm bi hài khi thiên hạ lưu ý đến thực tế người Pháp và nước Pháp xưa nay luôn tự hào về những cụm từ như “tự do, bình đẳng và bác ái”. Quyền con người được coi là một trong những cốt lõi cơ bản của dân chủ. Bình đẳng giới và được bảo vệ nhân phẩm thuộc về những quyền con người ấy. Một khi ở đâu đó có toà án dùng lệ làm luật như ở Pháp thì không thể không nói và không thấy nền dân chủ ở đó có vấn đề.

Đọc thêm