Trung Hoa bí sử- (Bài 9): Giai thoại về vị Hoàng đế chung tình nhất lịch sử Trung Quốc

(PLVN) - Hoàng đế Minh Hiếu Tông và Hoàng hậu Trương Thị đã tạo nên một chuyện tình thanh mai trúc mã hiếm có và đẹp nhất trốn thâm cung. Những đau khổ phải trải việc phụ thân có quá nhiều phi tần đã tác động mạnh mẽ tới Minh Hiếu Tông khiến ông nguyện cả đời chỉ yêu và bên cạnh một người cùng ông vượt qua sóng gió. 
Vua Minh Hiếu Tông vì tình yêu đã có nhiều ân sủng thậm chí bao che cho sai phạm của nhà vợ.
Vua Minh Hiếu Tông vì tình yêu đã có nhiều ân sủng thậm chí bao che cho sai phạm của nhà vợ.

* Bài 8: Những mảnh đời ai oán trong chốn lãnh cung Tử Cấm Thành

* Bài 7: Những cuộc tuyển chọn và thị tẩm phi tần với hàng trăm quy tắc trong Tử Cấm thành

Vì vợ phá vỡ quy tắc thị tẩm 

Minh Hiếu Tông (1470-1505) là vị Hoàng đế thứ 10 của triều đại nhà Minh. Ông trị vì 18 năm từ 1487 đến 1505, niên hiệu Hoằng Trị, nên cũng gọi là Hoằng Trị Đế. Mặc dù là thân cửu ngũ chí tôn và được quyền có cho mình Tam cung Lục viện nhưng Hoằng Trị Đế lại chỉ có duy nhất một người vợ là Hiếu Thành Kính Hoàng hậu Trương thị. Trương Hoàng hậu trở thành vợ của Hoằng Trị Đế từ năm 1487, khi ông vẫn đang là Hoàng thái tử. 

Ở thời đại phong kiến, việc đàn ông có năm thê bảy thiếp hay các vị vua có tam cung lục viện cũng không lấy gì làm lạ. Tuy nhiên, cả đời vua Minh Hiếu Tông chỉ có một người vợ duy nhất. Nếu nhìn theo cách nhìn của hiện đại, khi mà hôn nhân chỉ là 1 chồng 1 vợ thì lịch sử Trung Quốc chỉ có duy nhất 1 vị vua làm được điều đó mà thôi.

Theo ghi chép chân thực trong quyển “Minh Thực Lục” về các Hoàng đế triều Minh có câu chuyện kể lại về tình cảm yêu thương gắn bó, hiếm có của Minh Hiếu Tông và vợ. 

Hoàng hậu Trương Thị chính là người phụ nữ đã hết lòng vì chồng, cùng ông đồng hành kể từ khi còn nhỏ. Hoàng hậuTrương thịlà một người có tính cách vui vẻ, sôi nổi và rất đáng yêu. Cả hai người đã quen biết nhau ngay từ nhỏ và đích thực là một cặp thanh mai trúc mã. 

Hình ảnh Minh Hiếu Tông trên phim ảnh - vị vua chung thủy bậc nhất thời đại phong kiến Trung Quốc.
Hình ảnh Minh Hiếu Tông trên phim ảnh - vị vua chung thủy bậc nhất thời đại phong kiến Trung Quốc. 

Một trong những lý do khiến vua Minh Hiếu Tông một lòng chung thủy với Trương Thị có lẽ bởi bà chính là người đã giúp ông vượt qua hàng loạt vấn đề tâm lý khi mới là Hoàng tử. Bà đã cùng ông vượt qua thời kỳ bất ổn đó,tình yêu của họ dần dần nảy sinh một cách hết sức tự nhiên và bền chặt theo năm tháng. 

Cũng bởi tình yêu quá lớn đó mà Minh Hiếu Tông đã không ngần ngại vì vợ mà phá bỏ cả nguyên tắc của chốn hoàng cung. Trong lịch sử Trung Hoa, Hoàng đế và Hoàng hậu các triều đại không thể ở cùng một nơi. Thời Minh, Hoàng đế ở Càn Thanh cung, Hoàng hậu ở Khôn Trừ cung. Mỗi đêm sau khi Hoàng đế lâm hạnh xong thì sẽ có người đưa Hoàng hậu về cung của mình. Tuy nhiên, Minh Hiếu Tôngthì khác, ông và Trương Thị Hoàng hậu sinh sống như những cặp vợ chồng bình thườngkhác.

Theo sử sách ghi lại, có một lần Trương Hoàng hậu bị sưng miệng, Hoằng Trị Đế đã tự tay bưng nước, truyền thuốc cho bà. Thậm chí, ông còn không dám ho vì sợ làm phiền bà nghỉ ngơi. Những hành động của ông với vợ luôn ân cần chu đáo hết mức.

Gia đình của Trương Thị cũng được nhiều ân sủng bởi con gái là bậc mẫu nghi thiên hạ. Hoàng đế đã phong Bá cho cha của Hoàng hậu. Sau khi ông chết đi được truy phong là Xương Quốc Công.Con trai đầu lòng Chu Hậu Chiếu vừa sinh ra đã được tấn phong làm Hầu và sau này trở thành Thái tử. Hai người em của Hoàng hậu cũng được phong Hầu.

Gia đình Trương Thị được sủng ái nên đã làm những điều sai trái. Tuy vậy, Hoàng đế “yêu ai yêu cả đường đi lối về”nên hết sức dung túng. Vua Hoằng Trị từng mắc một số sai lầm nghiêm trọng do thiếu nhất quán trong việc thanh trừ và trừng phạt hoàng thân quốc thích không chấp hành theo pháp luật, mà người gây trở ngại là Trương hoàng hậu.

Năm 1505, anh em của Trương Thị là quốc cữu đã bị Hộ bộ chủ sự Lý Mộng Dương vạch trần tội ác. Hoằng Trị sợ làm mất thể diện của Trương hoàng hậu, đã giam Lý Mộng Dương vào ngục, song các triều thần đã đua nhau dâng sớ xin tha cho ông ta, Sau đó, vua nghĩ lại, thấy bản thân đã quá nhân nhượng với khuyết điểm của người nhà Trương hoàng hậu, nên cuối cùng đã thả Lý Mộng Dương và trách mắng răn dạy anh em Trương Thị.

Thời Minh triều, mẫu thân của Hoàng hậu rất ít khi được vào cung thăm con gái. Thế nhưng đến đời của Trương Thị. mẹ bà được vào hoàng cung chơi với con cháu như nhà mình. Thậm chí Hoàng đế còn xây dựng cho mẹ vợ một cung điện trong cung để tiện bề sang thăm nom.Được biết, trước mặt Hoàng đế, Trương Hoàng hậu thoải mái xưng “ta” chứ không phải “thiếp” như tất cả các vị Hoàng hậu khác. Hai người có hai con trai và một cô con gái. 

Chung thủy để tránh cảnh tranh sủng

Minh Hiếu Tông là con trai thứ ba của Minh Hiến Tông - Chu Kiến Thâm, mẹ là Hiếu Mục Hoàng hậuKỷ thị, một cung phi xuất thân hàn vi, phong hiệu bấy giờ là Thục phi. Khi đó, Hiến Tông có con trai với Vạn Quý phi và Đoan Thuận Hiền phi Bách thị nhưng cả hai đều chết sớm.

Theo một số truyền thuyết dã sử, lúc đó, trong cung có Vạn Quý phi, vốn được vua hết mực sủng ái. Khi Vạn Quý phi sinh hạ cho vua một vị hoàng tử, bà càng nhận được ân sủng hết mực nhưng vị hoàng tử đó không may đã chết yểu khi chưa đầy 1 tuổi. 

Vốn là một người tính tình hiểm độc nên khi mất con, lòng dạ Vạn Quý phi lo sợ người khác có thể cướp mất vị trí của mình nên đã lập dã tâm không để cho bất cứ phi tần nào được sinh con. Bà giết tất cả những đứa trẻ là con của Hoàng đế với các phi tần khác. Chỉ cần phát hiện phi tần nào mang thai, bà lập tức bỏ thuốc độc, ép phá thai, thậm chí còn giết chết người đó, thủ đoạn vô cùng thâm độc.

Sau này Kỷ Thục phi mang thai và chuyện đến tai Vạn Quý phi. Bà đã tìm cách hãm hại Kỷ Thục phi. Lúc đó, Thục phi vì quá sợ hãi mà bảo rằng bụng mình lớn lên do khối u chứ không phải mang thai. Vạn Quý phi không tin, tống Kỷ Thục phi vào lãnh cung và chờ đợi.

Thế nhưng số trời đã định, chỉ có một đứa trẻ thoát khỏi nanh vuốt của Vạn Quý phi chính là Chu Hựu Đường (Hoằng Trị Đế sau này). Với sự giúp đỡ của một thái giám thân tín và Hoàng hậu Hiếu Trinh Thuần, Kỷ Thục Phi đã khéo léo che giấu sự tồn tại của con trai mình trong suốt 5 năm trời mà không bị phát hiện. Suốt 5 năm, Chu Hựu Đường phải sống trong cảnh không người thân và nỗi lo sợ bị ám sát rình rập không lúc nào ngơi nghỉ. 

Khi thấy tình thế được cải thiện hơn, Chu Hựu Đường được xuất hiện. Sau khi các con của vua Minh Hiến Tông liên tục chết yểu, ông đã vô cùng đau buồn và hoảng loạn. Sự xuất hiện của Chu Hựu Đường như “nắng hạn gặp mưa rào”, khiến Minh Hiến Tông vui mừng khôn xiết.

Đến lúc này, Vạn Quý phi muốn mưu sát Hựu Đường cũng không được nên bèn quay sang giết Kỷ Thục phi. Có lẽ cái chết của mẹ cũng như những cuộc tàn sát, tranh giành quyền lực chốn hậu cung đã trở thành nỗi ám ảnh thường trực trong tâm trí của Chu Hựu Đường. Vì vậy, ngay sau khi lên ngôi, Hoàng đế Hoằng Trị đã quyết định chỉ chung tình với một người vợ duy nhất.

Theo “Minh sử: Hiếu Tông bản kỷ” Chu Hựu Đường sinh vào tháng 7 năm Thành Hóa thứ 6, lúc ấy vì Vạn Quý phi đang được sủng ái nên không ai dám báo tin này lên hoàng đế. Sang năm sau khi Điệu Cung thái tử chết Hiến Tông mới biết, cho Chu thái hậu nuôi. Năm 1475, tháng 6 Thục phi Kỷ thị bạo bệnh qua đời. Tháng 11 cùng năm Chu Hựu Đường được lập làm Hoàng thái tử.

Đọc thêm