Trung Quốc ban hành quy tắc cứng rắn nhằm loại bỏ “võ sư” mèo cào (Kỳ cuối)

(PLVN) - Sau sự việc Thích Vĩnh Húc bị bắt vì hoạt động xã hội đen gây chấn động làng võ thuật cổ truyền Trung Hoa năm 2019, những nhà quản lý trong lĩnh vực thể dục thể thao Trung Quốc đã có những động thái xốc lại bằng việc ban hành những quy tắc cứng rắn nhằm loại bỏ những võ sư dởm, võ sư "bẩn" nhằm thanh lọc hoạt động thể thao...
Võ sư cao thủ Thái Cực Quyền  Mã Bảo Quốc chấp nhận bị đánh bầm dập để nhận thù lao khủng.
Võ sư cao thủ Thái Cực Quyền Mã Bảo Quốc chấp nhận bị đánh bầm dập để nhận thù lao khủng.

Mới đây, thêm một lần nữa làng võ Trung Quốc chứng kiến thất bại thảm hại của một đại diện võ cổ truyền khi môn đồ Hình Ý Quyền thi đấu kiểu “mèo cào”, chạy khắp sàn vẫn bị đánh túi bụi, gục sau 30 giây. Theo đó, ngày 15/7, một số diễn đàn võ thuật ở Trung Quốc đã đăng tải đoạn phim về trận tỉ thí giữa một môn đồ phái Hình Ý Quyền gặp đối thủ môn Muay Thái, cả hai đều là dân phong trào nhưng không rõ danh tính. 

Trận đấu diễn ra theo kịch bản khá hài hước. Sau vài động tác vờn trên võ đài, môn đồ phái Hình Ý Quyền bất ngờ đẩy ngã đối thủ, khi mà võ sĩ Muay Thái còn tỏ ra chủ quan và chưa sẵn sàng. Thế nhưng, sau tình huống đó, có vẻ như võ sĩ Muay Thái đã “nóng mặt”. Tay đấm này liên tục dồn lên tấn công khiến môn đồ Hình Ý Quyền chỉ còn biết thoái lui và… chạy trên võ đài. 

Vị môn đồ phái Hình Ý Quyền phòng thủ bằng cách vờn theo phong cách “mèo cào” và điều đó tất nhiên không thể mang lại tác dụng trước những đòn tấn công dồn dập của võ sĩ Muay Thái. Hệ quả là môn đồ phái Hình Ý Quyền đã dính rất nhiều đòn và gục ngã sau chưa tới 1 phút. 

Sau khi clip trận đấu được lan truyền, nhiều người hâm mộ võ thuật ở Trung Quốc đã dè bỉu phong cách chiến đấu của môn đồ phái Hình Ý Quyền. Một cư dân mạng bình luận: “Anh ta đánh không khác gì mèo cào. Không thể hiểu vì sao một người yếu kém như thế cũng bước lên đài để đấu với một võ sĩ Muay Thái”. 

“Võ sĩ Muay Thái vẫn chưa hề bung sức ở trận đấu này. Nếu anh ta đánh hết sức, chắc chắn đối thủ sẽ gặp phải chấn thương rất nặng”, một người khác nhận xét. “Võ sĩ cổ truyền không hề có chút kỹ năng đánh đài nào. Nhìn cách phòng thủ và di chuyển của anh ta là quá tệ. Anh ta nên làm một diễn viên hài thay vì trở thành một võ sĩ”, một ý kiến mỉa mai thất bại của môn đồ phái Hình Ý Quyền. 

Gương mặt bầm dập của Mã Bảo Quốc sau trận đấu.
Gương mặt bầm dập của Mã Bảo Quốc sau trận đấu.  

Liên quan tới võ cổ truyền Trung Quốc, mới đây Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc sau khi nhận văn bản từ Hiệp hội Wushu nước này đã ban hành một số quy chế nhằm chấn hưng nền võ thuật cổ truyền, trong đó cấm người luyện võ tự phong hoặc tự xưng là võ sư, đại sư, chưởng môn…; cấm tổ chức các trận đấu võ “bất thường” như không phân biệt cân nặng, tuổi tác… 

Tuy nhiên, theo nhiều cư dân mạng thì những trận đấu theo kiểu tự phát, không nằm ở một giải đấu chính thức như màn so găng mới nhất giữa môn đồ phái Hình Ý Quyền và võ sĩ Muay nghiệp dư vẫn sẽ lặp lại và ngành thể thao Trung Quốc rất khó để kiểm soát những trận đấu “chui” giống như vậy. 

Cụ thể, ngày 9/7 vừa qua, một loạt phương tiện truyền thông nổi tiếng ở Trung Quốc như Tân Hoa Xã, Sina, China News… đã đăng tải thông tin quan trọng liên quan tới nền võ cổ truyền ở nước này. Tân Hoa Xã đặt tiêu đề: "Hiệp hội Wushu Trung Quốc: Các học viên võ thuật không được phép tự xưng, tự phong là võ sư, đại sư, chưởng môn…”. 

Theo đó, cách đây không lâu, Hiệp hội Wushu Trung Quốc gửi công văn lên Tổng cục Thể dục Thể thao nước này, đề xuất “tăng cường kỷ luật để thúc đẩy nền võ thuật Trung Quốc”. Một trong những nội dung quan trọng được Hiệp hội Wushu Trung Quốc đưa ra, đó là cấm những học viên võ thuật tự xưng hoặc tự phong cách danh xưng là võ sư, đại sư, Chưởng môn; huyền thoại võ thuật… ; không được phép tham gia những cuộc thi võ thuật bất thường vi phạm các quy tắc thể thao về giới tính, tuổi tác, cân nặng… 

Theo các cơ quan truyền thông Trung Quốc trong đó có Tân Hoa Xã, những quy tắc chưa từng có này đã chính thức được Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc thông qua. Trong văn bản của Hiệp hội Wushu Trung Quốc cũng nhắc tới thực trạng gây nhức nhối đang tồn tại ở nước này, đó là có quá nhiều những “võ sư giả mạo” đang làm hủy hoại nền võ thuật dân tộc. 

“Võ thuật truyền thống có một lịch sử lâu dài và rất sâu sắc, là một di sản văn hóa tuyệt vời của Trung Quốc. Từ lâu, Hiệp hội Wushu Trung Quốc đã trở thành tổ chức kết nối, tập hợp những người tập luyện võ thuật từ khắp nơi trên cả nước với mục đích kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp mà võ thuật truyền thống mang lại. 

Tuy nhiên, thời gian gần đây, vì mục đích theo đuổi danh tiếng và trục lợi cá nhân, có nhiều võ sư giả mạo đã tự đặt ra những danh xưng không có thật như võ sư, đại sư, chưởng môn… Họ đã lợi dụng tình yêu võ thuật của người hâm mộ để thực hiện những hành vi đi ngược lại với những giá trị truyền thống của nền võ thuật. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới hình ảnh của nền võ thuật truyền thống Trung Quốc”. 

Đề xuất của Hiệp hội Wushu Trung Quốc sau đó đã được Tổng cục Thể dục Thể thao Trung Quốc ban hành cũng bao gồm nhiều giải pháp, trong đó có một lĩnh vực rất quan trọng đó là hệ thống hóa việc xếp hạng cho các HLV, võ sư ở Trung Quốc và công tác tổ chức các giải đấu võ thuật truyền thống ở Trung Quốc. 

“Quá trình xếp hạng, phân loại trình độ của tất cả các huấn luyện viên, võ sư phải được hệ thống lại. Chỉ những người có đóng góp xuất sắc mới được trao những cấp bậc danh dự. Các học viên võ thuật sẽ không được phép tự xưng là võ sư, đại sư, chưởng môn… hoặc sử dụng bằng cấp, chứng chỉ giả, thẻ trọng tài giả và những những giấy tờ bị làm giả khác…”. 

Hiệp hội Wushu Trung Quốc sẽ là đơn vị đầu mối hỗ trợ người tập luyện võ thuật tham gia các cuộc thi mang tính chính thức. Họ không được phép tham gia các giải đấu thiếu chuẩn mực, vi phạm những quy tắc về giới tính, tuổi tác, cân nặng. 

Ban tổ chức các giải đấu không được phép sử dụng tuyên truyền một cách sai lệch, cường điệu và các biện pháp khác để trục lợi bất chính. Tất cả những trường hợp vi phạm sẽ đều bị xử lý ng¬hiêm”. 

Có thể thấy, suốt mấy năm qua, võ thuật truyền thông Trung Quốc liên tục trở thành đề tài gây tranh cãi xôn xao, sau khi nhiều võ sư cổ truyền để thua ê chề trên võ đài. Với việc những quy tắc mới được ban hành, chắc chắn trong thời gian tới, sẽ không thể có chuyện một võ sĩ được mang… côn nhị khúc lên võ đài để thi đấu giống như trường hợp của võ sĩ Đàm Long đấu Lý Huyền Vũ hồi năm ngoái. 

Cách đây khoảng hai tháng, “đại hội võ lâm” dự kiến được tổ chức ở tỉnh An Huy với những thể lệ chưa từng có, cho phép mọi người đều có thể tham gia, không phân biệt tuổi tác, giới tính, cân nặng… Để quảng bá cho giải đấu này, ban tổ chức đã dựng lên hình tượng võ sư Hà Hưng Quả với danh xưng là “Hậu duệ duy nhất của Hàng Long Thập Bát Chưởng”. Tuy nhiên, sau đó giải đấu này đã bị “tuýt còi” nên vẫn đang bị hoãn vô thời hạn.

Đọc thêm