Vị Hoàng hậu xấu xí nhất mọi thời đại khiến nhà Tây Tấn diệt vong

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Tấn Thư ghi lại, Hoàng hậu Giả Nam Phong có nhan sắc khiến người khác phải rùng mình: ngũ quan không cân đối, da đen, răng hô, khuôn mặt dữ tợn. Dù bị nhiều người chê cười vì ngoại hình xấu xí nhưng với bản tính tàn ác và đam mê quyền lực, Giả Nam Phong đã là nguyên nhân chính khiến nhà Tây Tấn suy yếu rồi diệt vong.
Hoàng hậu Giả Nam Phong thấp lùn và có một tấm lưng gù xấu xí (Ảnh minh họa).
Hoàng hậu Giả Nam Phong thấp lùn và có một tấm lưng gù xấu xí (Ảnh minh họa).

“Thay mận đổi đào”

Khi nói đến các vị Hoàng hậu của các triều đại phong kiến Trung Hoa, người ta sẽ luôn mường tượng đó luôn là một tuyệt sắc giai nhân khiến người đời phải trầm trồ khen ngợi. Tuy nhiên, Giả Nam Phong là vị Hoàng hậu duy nhất phá vỡ quy chuẩn về cái đẹp đó để đường đường chính chính bước lên ngôi vị mẫu nghi thiên hạ. 

Những lời đồn đoán về nhan sắc của Hoàng hậu Giả Nam Phong được lịch sử và dân gian Trung Hoa truyền lại như sau: “Dáng người thấp lùn, ngũ quan không cân đối, hơn nữa sắc da lại rất đen, răng hô, chân to và cục mịch. Không những thế lưng còn gù và khuôn mặt trông rất dữ tợn...”. 

Việc một người phụ nữ có nhan sắc dưới mức tầm thường trở thành Hoàng hậu khiến nhiều người không khỏi thắc mắc. Mọi chuyện phải bắt đầu từ gia thế của vị Hoàng hậu này. Cha của Giả Nam Phong là Giả Sung, một công thần khai quốc thời nhà Tây Tấn. Ông đã có công giúp cha con Tư Mã Chiêu và Tư Mã Viêm lật đổ nhà Tào Ngụy. 

Giả Sung có 2 người con gái là Giả Nam Phong và Giả Ngọ, tuy là hai chị em ruột nhưng nhan sắc của họ thì hoàn toàn trái ngược nhau. Nếu Giả Nam Phong nhan sắc “ma chê quỷ hờn”, thì Giả Ngọ lại là một cô bé xinh xắn, ngoan ngoãn, hiền lành. Chính bởi lẽ đó, Giả Ngọ đã sớm lọt vào mắt xanh của Hoàng đế Vũ Đế khi tuyển vợ cho con trai mình. 

Năm 271, lúc đó Thái tử Trung lên 13 tuổi, vua Tấn Vũ Đế yêu cầu lập Giả Ngọ làm Thái tử phi cho người con trai bị bệnh chậm phát triển của mình là Tư Mã Trung. Tuy nhiên, trớ trêu rằng lúc đó Giả Ngọ còn quá bé, mới 12 tuổi nên không thể mặc vừa y phục cô dâu mà đội may mặc của nhà vua chuẩn bị sẵn. Vì lẽ này, Giả Sung mới giới thiệu cho hoàng đế con gái lớn của mình là Giả Nam Phong để thế chân em.

Dù vua Tấn Vũ Đế khi đó vô cùng tức giận tuy nhiên niệm tình gia đình ông có công, lại thuộc hàng có thế lực nên Hoàng đế “cắn răng” rước Giả Nam Phong vào cung làm Thái tử phi. Tuy nhiên, ít ai ngờ rằng đó chính là một mầm họa làm tan tác triều đình Tây Tấn sau này.  

Tấn Huệ Đế là một ông vua đần độn nên bị Hoàng hậu Giả Nam Phong qua mặt (Ảnh minh họa).
Tấn Huệ Đế là một ông vua đần độn nên bị Hoàng hậu Giả Nam Phong qua mặt (Ảnh minh họa). 

Trước khi cưới Giả Nam Phong, Tư Mã Trung đã được vua cha ban cho cung nhân Tạ Cửu. Tạ Cửu được phong làm Tài Nhân. Giả Nam Phong chỉ sinh được 4 công chúa, còn Tài nhân Tạ Cửu lại sinh được người con trai là Tư Mã Duật. Có lẽ vì vậy mà Giả Nam Phong sinh ra buồn chán, bà luôn có thái độ ghen ghét, đố kỵ và tìm mọi cách để hãm hại những phi tần trong cung, nhất là những phi tần đang mang thai. Bà lo sợ những phi tần này sẽ sinh được con trai thì bà sẽ không thể chiếm được ngôi vị Hoàng hậu.

Nhận thấy con dâu không chỉ xấu xí mà còn độc ác, Tấn Vũ Đế nhiều lần tìm cách phế bỏ nhưng vì nể cha của Giả Nam Phong có công lớn trong triều đình nên ông đã tiếp tục cho tại vị.

Không chỉ dừng lại ở đó, Giả Hoàng hậu còn nổi tiếng là một người hoang dâm vô độ. Lợi dụng việc chồng là một người không được khôn ngoan, để thỏa mãn nhu cầu, Giả hậu sai người ra ngoài cung, tìm kiếm đàn ông cường tráng để phục vụ bà ta. Thế nhưng, chuyện này không bị bại lộ, bởi vì mỗi lần “dùng xong”, bà đều giết chết bạn tình để diệt khẩu.

Tuy nhiên, cái kim trong bọc lâu không thể giấu mãi, trong số nam nhân của Giả Hoàng hậu có một kẻ tên Lạc Nam được bà ta coi là “vật báu”. Bởi Lạc Nam sở hữu diện mạo cuốn hút cùng “kỹ thuật phòng the” siêu đẳng. Hắn thường được Giả hậu ban tặng rất nhiều vàng bạc châu báu, điều này khiến các quan lại trong triều sinh nghi.

Một đêm nọ, quân lính trong cung được lệnh canh chừng Lạc Nam đem của quý từ trong cung ra ngoài thì lập tức bắt giữ với tội danh “ăn trộm châu báu”. Vì muốn bảo vệ tính mạng, Lạc Nam đã khai ra việc gian díu với Giả Nam Phong, chuyện này sau đó lan truyền khắp kinh thành. Tuy vậy, với thế lực trong tay, Giả hậu đã che lấp được vụ việc tày đình này.

Kết thảm cho lòng tham

Sau khi diệt được Đông Ngô (là một trong 3 quốc gia thời Tam Quốc, 220-280) Tấn Vũ Đế thấy Tư Mã Trung trí tuệ kém nên lo ngại về người kế vị, bèn thử giao cho con phê thử một tập tấu sớ của các quan. Giả Nam Phong lo sợ chồng bị phế sẽ mất ngôi hoàng hậu trong tương lai nên tìm cách sai người làm hộ cho Tư Mã Trung.

Giả Nam Phong nhờ Trương Hoằng khéo léo dùng lối văn chân phương nông cạn để diễn đạt. Tư Mã Trung cứ thế theo bài mẫu chép lại và mang nộp cho vua cha. Tấn Vũ Đế cho rằng Trung cũng ít nhiều có hiểu biết nên tạm gác việc thay Thái tử.

Năm 290, Tấn Vũ Đế mất, Tư Mã Trung lên nối ngôi, tức là Tấn Huệ Đế. Giả phi được làm Hoàng hậu. Cha Dương thái hậu là Dương Tuấn, tức là người họ bên ngoại của Huệ Đế làm chức Thái phó phụ chính. 

Giả hậu thấy vua Huệ Đế ngây ngô, muốn đoạt quyền hành. Nhân các vương họ Tư Mã bất bình vì ngoại thích Dương Tuấn nắm quyền, Giả Hoàng hậu bèn cùng một số gian thần bàn mưu kết tội Dương Tuấn chuyên quyền.

Năm 292, Giả Hoàng hậu cùng tay sai vây bắt Dương Tuấn. Dương thái hậu trong lúc nguy cấp bèn viết thư vào vải gấm, sai buộc vào tên bắn ra ngoài để kêu gọi người đến cứu cha. Nhưng bức thư bị quân của Giả Nam Phong bắt được. Giả hậu lấy bức thư gấm để kết tội Dương thái hậu cùng mưu phản nghịch với Dương Tuấn, vì vậy Dương thái hậu cũng bị kết tội và bị phế, còn Dương Tuấn bị giết.

Một số quần thần thấy Giả hậu thù địch với Thái tử nên rất lo lắng, sợ trong triều sẽ xảy ra biến loạn, bèn tìm cách phế bỏ Giả hậu, lập Tạ Thục phi là mẹ ruột của thái tử Duật lên thay. Tuy nhiên, việc này đã không được một lão thần trong triều ủng hộ, cùng với đó, bản thân thái tử Duật cũng không quyết đoán việc binh biến. Do đó việc lật đổ không được thực hiện.

Tháng 12/299, Giả Hoàng hậu bày cách sai người dụ Thái tử uống rượu say rồi lừa viết bức thư phản nghịch. Thái tử Duật vì quá say không biết gì nên cứ thế chép lại nội dung do Giả Hoàng hậu soạn sẵn. Giả Hoàng hậu mang thư cho Huệ Đế xem để có cớ bỏ Thái tử. Huệ Đế nghe theo, bèn phế Tư Mã Duật làm thứ dân, bất chấp những lời can ngăn của cận thần. Sau này, Thái tử Duật cũng bị giết chết. Mẹ thái tử là Tạ phi cũng bị tống giam và tra tấn tới chết. Nhiều đại thần muốn phục ngôi cho Thái tử Duật cũng bị Giả Hoàng hậu ra tay sát hại. 

Tháng 4/300, Tư Mã Luân (vị vua thứ ba của nhà Tấn) thấy Giả Hoàng hậu giết Thái tử, đã có cớ để khởi binh. Luân hợp sức với Tề vương Tư Mã Quýnh là cháu gọi Vũ Đế bằng bác. Hai người mang quân vào cung bắt sống Giả hậu và giết các phe cánh của bà ta. Giả hậu bị phế làm thứ nhân và bị giam ở thành Kim Dung. Ngày 9 tháng 4 năm đó, bà bị Tư Mã Luân sai người mang rượu độc đến ép tự vẫn. Năm đó bà 44 tuổi.

Loạn bát vương (là loạn do 8 vị vương họ Tư Mã thuộc hoàng tộc nhà Tây Tấn gây ra từ năm 291 tới năm 306) vẫn tiếp diễn nhiều năm sau dẫn tới sự suy sụp của nhà Tây Tấn.

Đọc thêm