Vì sao 2 ứng viên sáng giá rời cuộc đua bầu cử tổng thống Mỹ?

(PLVN) - Sau cuộc bầu cử sơ bộ của đảng Dân chủ được tiến hành trong ngày “Siêu thứ Ba” 3/3 vừa qua, lần lượt hai nhân vật từng được xem là những gương mặt sáng giá cho vị trí đề cử của đảng Dân chủ để cạnh tranh với Tổng thống Donald Trump tại cuộc bầu cử tổng thống Mỹ tới đây đã “tuyên bố dừng cuộc chơi”.
Nữ Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren tuyên bố rời cuộc đua vào Nhà trắng hôm 5/3
Nữ Thượng nghị sỹ Elizabeth Warren tuyên bố rời cuộc đua vào Nhà trắng hôm 5/3

Cuộc “dạo chơi” của vị tỷ phú

Chỉ 1 ngày sau cuộc bầu cử, tỷ phú Michael Bloomberg – cựu Thị trưởng thành phố New York và là một trong những người giàu nhất nước Mỹ - đã thông báo ngừng chiến dịch vận động tranh cử để giành đề cử của đảng Dân chủ. Quyết định của ông Bloomberg được đưa ra sau kết quả tệ hại, cụ thể là chỉ giành được chiến thắng tại vùng Samoa thuộc Mỹ, trong các cuộc bầu cử sơ bộ giữa các ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ được tổ chức đồng thời tại 14 bang.

Ông Bloomberg chính thức thông báo việc tham gia cuộc đua vào Nhà Trắng từ ngày 24/11/2019 - muộn hơn đáng kể so với các đối thủ khác. Khi đó, cựu Thị trưởng New York khẳng định ông ra tranh cử “để đánh bại ông Donald Trump và tái xây dựng nước Mỹ”. Cùng với việc là người giàu thứ 8 ở Mỹ với tài sản ước tính lên tới hơn 53 tỉ USD, ông Bloomberg còn có tên trong danh sách 10 người giàu nhất thế giới.Với tiềm lực tài chính như vậy, ông được cho là có lợi thế trong cuộc đua vào Nhà Trắng sẽ diễn ra tại Mỹ vào năm tới.

Tỷ phú truyền thống Bloomberg bất ngờ dừng tranh cử tổng thống Mỹ
Tỷ phú truyền thống Bloomberg bất ngờ dừng tranh cử tổng thống Mỹ  

Các trợ lý khẳng định ông Bloomberg sẽ không nhận quyên góp bầu cử và sẽ không nhận lương nếu thắng cử. Ông Howard Wolfson (Cố vấn trưởng của ông Bloomberg) cũng tuyên bố ông Bloomberg sẽ chỉ nhận mức lương 1 USD/năm nếu trở thành tổng thống, tương tự như khi ông là Thị trưởng New York. Kể từ khi tuyên bố tranh cử, ông Bloomberg đã chi tới hơn 500 triệu USD tiền túi cho một chiến dịch quảng cáo rầm rộ cũng như thuê hàng ngàn nhân viên phục vụ cho nỗ lực tranh cử của mình. Tuy nhiên, các chuyên gia cho biết, chiến dịch tranh cử của ông Bloomberg đã vấp phải những chỉ trích về các chính sách bị nhiều người cho là phân biệt chủng tộc khi ông làm Thị trưởng New York.

Ngoài ra, ông này cũng bị chỉ trích về những nhận xét liên quan đến vấn đề giới tính trước đây. Cùng với việc rút khỏi cuộc đua, tỷ phú Mỹ cũng tuyên bố chuyển từ một ứng cử viên trở thành người ủng hộ cựu Phó Tổng thống Joe Biden - người đã thống trị cuộc bỏ phiếu sơ bộ của đảng Dân chủ ngày 3/3. “Ba tháng trước, tôi tham gia cuộc đua để đánh bại Donald Trump. Hôm nay tôi ra đi vì lý do tương tự. Chiến thắng trước ông Trump bắt đầu bằng việc đoàn kết với ứng cử viên với cơ hội lớn nhất để đạt được điều này. Rõ ràng đây là bạn của tôi và người Mỹ vĩ đại Joe Biden”, ông Bloomberg đã viết trên trang Twitter cá nhân. “Tôi sẽ làm mọi việc để giúp ông ấy trở thành Tổng thống tiếp theo của Mỹ”, vị tỷ phú nói thêm.

Nghị lực đáng nể

Ông Michael Bloomberg sinh ngày 14/2/1942 tại bang Masachusetts của Mỹ. Đến tuổi trưởng thành, khi theo học ngành kỹ thuật điện tại trường Đại học Johns Hopkins, ông đã phải làm việc ở bãi giữ xe để kiếm tiền đóng học phí. Ngoài ra, ông cũng phải nhận khoản vay sinh viên có tên National Defense để theo đuổi “giấc mơ Mỹ”. Điều này lý giải việc sau này, khi đã thành đạt, ông đã quyên tặng 1,8 tỷ USD cho trường Đại học Johns Hopkins.

“Tôi muốn đảm bảo rằng ngôi trường từng cho tôi một cơ hội có thể mở ra cánh cửa cơ hội đó cho những người khác”, ông nói về đóng góp cho ngôi trường mình từng theo học. Sau khi tốt nghiệp vào năm 1964, ông tiếp tục học và lấy bằng được bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của trường Đại học Harvard danh tiếng. Hoàn thành việc học hành, năm 1966, Bloomberg nộp đơn ứng tuyển vào trường đào tạo sỹ quan không quân nhưng bị từ chối. Vỡ mộng, ông đến Phố Wall để tìm việc.

Dù có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh của một trường danh tiếng nhưng khi được đề nghị nhận công việc kiểm kê sổ sách cho Ngân hàng Salomon Brothers, ông vẫn vui vẻ nhận lời. Xuất phát điểm thấp như vậy nhưng Bloomberg vẫn đã thăng tiến nhanh chóng nhờ làm việc tích cực và hiệu quả. Có điều, giữa lúc sự nghiệp đang tiến triển, tháng 7/1981, ông bất ngờ bị sa thải khi công ty chủ quản gặp khó khăn trong kinh doanh. Rời nơi đã cống hiến trong suốt những năm tháng thanh niên ở tuổi không còn trẻ, Bloomberg nhận được khoản tiền trợ cấp thôi việc 10 triệu USD. Với số tiền này, ông quyết định dùng 4 triệu USD để khởi nghiệp.

Ông cùng 4 người khác lập công ty Innovative Market Solutions, hoạt động với ý tưởng phát triển một hệ thống máy tính giúp các nhà giao dịch khai thác dữ liệu dễ dàng hơn trên thị trường chứng khoán. Tiếp sau đó, ông tiếp tục phát triển thành công thiết bị đầu cuối Bloomberg, ban đầu có tên gọi MarketMaster, về sau đổi tên thành Bloomberg LP. Vận dụng những bài học và kinh nghiệm trên thương trường, Bloomberg đã đưa Bloomberg LP thành một trong những công ty có ảnh hưởng vào những năm 80.

Đến nay, các công ty do ông sáng lập có văn phòng trên khắp thế giới, hoạt động tại hàng chục thị trường với số thuê bao sử dụng dịch vụ cung cấp thông tin tài chính đã lên tới hàng trăm ngàn. Khi có được sự nghiệp và khối tài sản đáng nể, đến đầu những năm 2000, Bloomberg quyết định tham gia chính trường với việc tranh cử chức Thị trưởng thành phố New York. Đắc cử, ông nhậm chức vào năm 2002, khi thành phố này đang phải khắc phục hậu quả của cuộc tấn công 11/9.

Sau 12 năm, năm 2013, ông rời khỏi ghế Thị trưởng New York. 1 năm sau đó, ông trở lại với vai trò CEO của Bloomberg LP, tiếp tục đưa công ty trở thành một đế chế truyền thông. Năm 2015, ông từ chức, tập trung nhiều thời gian cho công tác từ thiện. Hiện, ông đang nắm giữ 88% cổ phần của Bloomberg L.P - công ty có mức doanh thu năm 2018 đạt 10 tỷ USD.

Nữ ứng viên nặng ký ra đi

Một ngày sau quyết định của ông Bloomberg, ngày 5/3, Thượng nghị sĩ Elizabeth Warren - người cũng từng được xem là ứng viên tiềm năng cho vị trí đề cử của đảng Dân chủ tham gia cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ tới đây cũng đã quyết định từ bỏ cuộc đua. Tuyên bố dừng chiến dịch tranh cử Tổng thống được đưa ra khi bà Warren chỉ đứng thứ 3, sau Phó Tổng thống Joe Biden và Thượng nghị sĩ bang Vermont Bernie Sanders ngay tại bang nhà Massachusetts trong cuộc bỏ phiếu sơ bộ vào ngày 3/3 của đảng Dân chủ.

Bà Elizabeth Warren đắc cử Thượng nghị sỹ Mỹ năm 2012, là một trong những kiến trúc sư trưởng trong xây dựng các đạo luật bảo vệ người tiêu dùng dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama. Bà công bố quyết định tranh cử tổng thống vào đầu tháng 2/2019 với thông điệp chủ đạo là phản đối tình trạng bất bình đẳng kinh tế ở Mỹ hiện nay với hy vọng thông điệp này sẽ tạo nên sự nổi bật giữa hàng loạt ứng viên của đảng Dân chủ.

Trong thông báo dừng chiến dịch tranh cử, bà Warren cho biết chưa quyết định sẽ tiếp tục ủng hộ ứng cử viên nào của đảng Dân chủ. Với diễn biến này, trong số các ứng viên của đảng Dân chủ chỉ còn 1 người là nữ nhưng bà này chưa từng được đánh giá là có triển vọng cạnh tranh trực tiếp với ông Trump. Vào tháng 7 tới, đảng Dân chủ sẽ tiến hành đại hội, bầu một ứng viên duy nhất - người sẽ thách thức Tổng thống của Đảng Cộng hòa Donald Trump tại cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ được tổ chức vào ngày 3/11.

Đọc thêm