Vì sao Lễ hội thịt chó giữa đại dịch Covid-19 của Trung Quốc bị "ném đá"?

(PLVN) - Dù Trung Quốc đang triển khai chiến dịch bảo vệ động vật cũng như các biện pháp giảm thiểu nguy cơ ảnh hưởng xấu tới sức khỏe giữa mùa đại dịch  nhưng lễ hội thịt chó vẫn được tổ chức.
Vì sao Lễ hội thịt chó giữa đại dịch Covid-19 của Trung Quốc bị "ném đá"?

Lễ hội gây tranh cãi 

Lễ hội thịt chó diễn ra từ ngày 21/6 kéo dài cho đến hết tháng 6/2020 tại Ngọc Lâm (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc). Hoạt động được người dân địa phương tổ chức mỗi năm một lần để mừng ngày Hạ chí. Tuy nhiên, lễ hội đang gặp chỉ trích dữ dội của dư luận toàn cầu, đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 vẫn chưa chấm dứt. Cả ngàn con chó bị nhốt để mang đi diễu hành và giết thịt, thậm chí đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch trở lại.

Lễ hội từ lâu là “cái gai” trong mắt những người yêu chó hay các tổ chức bảo vệ động vật tại Trung Quốc và nhiều nước trên thế giới. Trong những năm qua, nhiều nhà hoạt động đã tổ chức các vụ “đột kích” vào lò mổ, chặn các xe chở chó để hạn chế phần nào việc giết mổ trong mùa lễ hội. 

Tranh cãi và xung đột thường xuyên xảy ra giữa các nhà bảo vệ động vật và những người muốn bảo vệ phong tục địa phương. Đối với họ, thịt chó đơn giản chỉ là một món ăn truyền thống tại nhiều vùng ở phía nam Trung Quốc. Kinh nghiệm dân gian cho các món ăn này có lợi cho cơ thể vào mùa nóng. Nhiều người tại Ngọc Lâm còn chỉ trích các nhóm phản đối lễ hội là gây rối trật tự công cộng.

“Về những cảnh giết mổ đẫm máu mà các bạn nhìn thấy trên mạng, theo tôi thì giết con vật nào cũng sẽ máu me như thế cả. Tôi hy vọng mọi người có thể nhìn nhận lễ hội này một cách khách quan”, Wang Yue, một người sống tại Ngọc Lâm, cho biết.

Bất chấp lệnh cấm, lễ hội thịt chó vẫn diễn ra
 Bất chấp lệnh cấm, lễ hội thịt chó vẫn diễn ra

Trong khi đó, các nhà hoạt động lên án việc giết mổ, mua bán và tiêu thụ thịt chó là vô nhân đạo và không hợp vệ sinh. Các nhóm bảo vệ động vật đau lòng khi nhìn thấy hình ảnh loài vật trung thành với con người lại bị bắt trói bằng dây thừng, nhồi nhét trong những cũi sắt chật hẹp và bị đánh chết bằng gậy sắt.

Ông Zhang Huahua (Giảng viên Đại học Công nghệ Hoa Nam) đã khiếu nại với các cơ quan chức năng thành phố Ngọc Lâm rằng lễ hội vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường. “Việc giết mổ vô tội vạ chó từ bên ngoài đưa vào Ngọc Lâm mà không qua các bước kiểm tra có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự xã hội, phong tục địa phương và môi trường”, ông cho biết. 

Phớt lờ lệnh cấm

Vào hồi tháng 5 vừa qua, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc đã cấm nuôi chó để lấy thịt, và nói rằng “chó là thú cưng, không phải là thức ăn”. Ủng hộ lệnh cấm này, một số thành phố ở phía nam của Trung Quốc trong đó có Thâm Quyến và Chu Hải đã ra lệnh cấm ăn, mua bán thịt chó và mèo. 

Thế nhưng luật cấm của Trung Quốc chưa chặt chẽ, bởi luật này chỉ cấm nuôi chó lấy thịt chứ không cấm ăn thịt chó, mèo và việc tiêu thụ loại “thực phẩm” này, do vậy các hoạt động mua bán, giết thịt vẫn đang tiếp diễn ở nhiều nơi trên cả nước.

Các nhà hoạt động bảo vệ động vật nói rằng, thịt chó được bán trên thị trường hầu hết đến từ những con chó bị đánh trộm hoặc đi lạc, đôi khi bị giết hại bằng cách hạ độc. Họ kêu gọi chính quyền Trung Quốc phải có những biện pháp phù hợp nhằm chấm dứt hành vi ăn thịt chó mèo này.

Lệnh cấm là vậy, thế nhưng lễ hội thịt chó vẫn diễn ra ngang nhiên, bất chấp lời kêu gọi của chính phủ về việc người dân nên coi chó là bạn đồng hành. Hình ảnh những chú chó tội nghiệp bị nhốt trong các lồng sắt gỉ sét, đang chờ giết mổ công khai giữa ban ngày để lấy thịt tươi, khiến người xem không khỏi xót xa.

Để giải cứu những chú chó tội nghiệp, cô Du - một thành viên của đội giải cứu động vật đã mua tổng cộng 30 con chó còn sống từ các thương lái Nam Ninh, sau đó thuê một chiếc xe để đưa những chú chó đến nơi an toàn, cách Tứ Xuyên khoảng 900 dặm.

Cô Du chia sẻ, cô sẽ cần thực hiện nhiều chuyến mới có thể đưa hết những chú chó từ khu chợ ngoại ô Nam Ninh đi đến Quảng Nguyên. Những chú chó này sẽ tạm thời cư trú tại Trung tâm bảo vệ động vật Bồ Á, được thành lập bởi chính cô Du.

Lễ hội thịt chó này bị lên án và chỉ trích rất nhiều, trong đó có Tổ chức Bảo vệ động vật toàn cầu đang lên tiếng đề nghị chính quyền Trung Quốc cần chấm dứt hoạt động này. Ước tính, có khoảng 1.000 con chó sẽ bị giết mổ và ăn thịt tại lễ hội thịt chó tại thành phố Ngọc Lâm vào năm nay. Việc giết mổ chó diễn ra rầm rộ, ẩn chứa nguy cơ tái bùng phát dịch Covid-19.

Nhiều người phản đối việc giết và ăn thịt chó
 Nhiều người phản đối việc giết và ăn thịt chó

“Một điều đáng thất vọng là lễ hội này tiếp tục nhận được sự cho phép từ chính quyền. Giới chức thành phố cho biết lễ hội là một hoạt động tự phát, không do chính quyền địa phương đứng ra tổ chức. Dường như quyết định của Trung Quốc ngừng phân loại chó là vật nuôi rõ ràng mới chỉ là lời nói mà chưa có hành động cụ thể.

Nếu chính quyền ở Ngọc Lâm không can thiệp, họ sẽ không chỉ chịu trách nhiệm về việc tàn sát hàng ngàn con chó, mà còn gây nguy hiểm nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng”, Tiến sĩ Karanvir Kukreja - Bác sĩ thú y, Giám đốc Dự án chiến dịch “Chấm dứt thương mại thịt chó mèo” khẳng định. 

Tiến sĩ Kukreja cho biết thêm: “Những con chó bị nhốt và giết mổ trong điều kiện không vệ sinh tại lễ hội có thể dẫn đến sự bùng phát của bệnh dại và bệnh tả, cũng như sự xuất hiện của virus gây bệnh chết người mới, như chúng ta đã thấy với Covid-19. Trung Quốc đã có cơ hội trở thành một tấm gương, nhưng việc cho phép lễ hội này tiếp tục cho thấy họ không nghiêm túc trong việc giải quyết các rủi ro sức khỏe mà việc buôn bán thịt chó mèo gây ra”.

Việc buôn bán thịt chó mèo không chỉ ở Trung Quốc. Nghiên cứu của FOUR PAWS cho thấy tại Việt Nam, Campuchia và Indonesia, khoảng 10 triệu con chó và mèo bị giết để lấy thịt mỗi năm mặc dù chỉ có một số ít người dân địa phương tiêu thụ thịt. Để chấm dứt hoàn toàn việc buôn bán thịt chó mèo tàn bạo ở Đông Nam Á, FOUR PAWS đã đưa ra một chiến dịch ở cấp độ quốc tế và quốc gia. 

“Thông qua việc giáo dục và hợp tác với các cơ quan có trách nhiệm, cộng đồng địa phương và ngành du lịch, mục tiêu của FOUR PAWS là để các Chính phủ ở Đông Nam Á giới thiệu, củng cố và thực thi luật bảo vệ động vật, chấm dứt việc bắt giữ, giết mổ và tiêu thụ chó mèo”, bác sĩ Kukreja cho biết.

Hơn nữa, FOUR PAWS cũng hỗ trợ các tổ chức và cộng đồng bảo vệ động vật địa phương với các chương trình chăm sóc động vật đi lạc. FOUR PAWS cũng là một phần của liên minh bảo vệ động vật DMFI (Dog Meat Free Indonesia) và ACPA (Liên minh bảo vệ chó châu Á), vận động chống lại thương mại chó mèo ở Đông Nam Á, cũng như Liên minh động vật châu Á, hoạt động để cải thiện phúc lợi của động vật trên khắp châu Á. Chiến dịch kêu gọi chấm dứt nạn buôn bán tàn khốc này đã nhận được sức hút toàn cầu và đã nhận được hơn 770.000 chữ ký kể từ khi  chiến dịch bắt đầu vào cuối năm ngoái.

Đọc thêm