Vì sao Napoleon Bonaparte bại trận ở Waterloo? (Kỳ cuối)

(PLVN) - Trong lịch sử chiến tranh thế giới và lịch sử cận đại, trận đánh Waterloo được coi là một trận đánh nổi tiếng, nơi thiên tài quân sự Napoleon đã bại trận, đồng thời cũng là mốc đánh dấu kết thúc thời đại oai hùng khắp châu Âu của Hoàng đế nước Pháp. Vậy nguyên nhân nào khiến Napoleon phải “ngậm đắng nuốt cay” thua trận, sau đó là chịu phận đi đày sau trận đánh này? Cho đến nay, vẫn có rất nhiều lý giải.
Vì sao Napoleon Bonaparte bại trận ở Waterloo? (Kỳ cuối)

Kết cục không mong đợi

Như đã phản ánh ở bài trước, quân Pháp tiến công La Haye ngày càng mãnh liệt. Bốn sư đoàn dàn hàng ngang, 200 người dùng trận thế dày đặc, nhất loạt tiến công. Sau khi quan sát, Wellington chỉ huy các sư đoàn kỵ binh xông ra quyết chiến. Napoleon bèn phái kỵ binh, cận vệ đẩy lùi quân Anh nhưng vẫn không đột phá được phòng tuyến này.

15h30 chiều, cuộc chiến đấu lại tiếp tục. Nguyên soái Ney bị Napoleon khiển trách vì thất bại trong trận Quatre Bras quyết tâm lập công chuộc tội. Vừa nổ súng, ông ta đã phi ngựa lên trước dẫn một vạn kỵ binh tấn công quân Anh. Mặc dù bị pháo Anh bắn ngã ngựa 3 lần, ông ta vẫn dẫn quân Pháp tiến lên không chút nao núng. Nhờ vậy, quân Pháp tỉến vào được trung tâm nông trang La Haye.

15h30 chiều, quân Pháp chiếm được nông trang này. Bây giờ, Ney chỉ cần tổ chức một lần xung phong nữa, phòng tuyến trung tâm đã suy yếu của Wellington sẽ sụp đổ. Nhưng do trận chiến đấu quá ác liệt, kéo dài, tổn thất quá lớn, Ney điểm lại quân số và xin Napoleon tăng viện. Nhưng Napoleon đang khổ não vì không biết quân của Grouchy đang ở đâu bèn quát: “Ông bảo ta lấy đâu ra quân lính tăng viện, chẳng lẽ ta có thể sản xuất ra lính hay sao?”.

Quân Anh và quân Pháp giao chiến ở Waterloo suốt 8 giờ đồng hồ. Đã đến lúc hai bên sức cùng lực tận, tướng lĩnh hai bên đều nhìn đồng hồ sốt ruột, số phận cả hai bên đều phụ thuộc vào viện binh. 

Napoleon Bonaparte, vị hoàng đế đồng thời cũng là thiên tài quân sự của nước Pháp.
Napoleon Bonaparte, vị hoàng đế đồng thời cũng là thiên tài quân sự của nước Pháp.  

Về phần Wellington có phần an tâm vì ông ta đã biết nguyên Soái Blucher dẫn viện binh đang đến gần. Trước tình huống này, ông ta chỉ cần tìm cách duy trì cục diện 1 giờ nữa, viện binh sẽ đến nơi. Còn Napoleon lại cố nén giận trong lòng thầm mắng: “Grouchy, tên ngốc này đang dẫn quân đi đâu?”

Lúc đó, Grouchy còn đang tấn công quân Phổ ở Wavre. Ông ta hoàn toàn không biết hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc của quân Pháp ở Waterloo. Việc chiếm được Wavre của Grouchy hoàn toàn vô nghĩa và vô hại bởi ông ta cũng không biết đại quân của Blucher đã sớm rời Wavre kéo đi chi viện cho tướng Wellington, chỉ còn để lại một số quân nhỏ lẻ trông giữ.

Hơn 20h tối, quân Blucher đến chiến trường, chia hai cánh đánh vào hai bên nách trận địa đang giằng co của quân Pháp. Tình thế gọng kìm đó, quân Pháp hoàn toàn lâm nguy... Kết cục trận đánh có thể nhận thấy rõ khi liên quân Đồng minh chiếm ưu thế, chuyển sang phản công.

Trong khi đó, Napoleon thấy khả năng bị bao vây, hạ lệnh Ney cầm quân phản kích. Nhưng mấy lần phản kích, tướng Ney đều không sao ngăn được quân Phổ. Lúc bấy giờ, lực lượng phòng thủ của Wellington thấy quân Phổ đã tiến công quân Pháp, bèn phấn khởi thét lớn: “Hỡi ba quân, viện binh đã đến rồi! Tất cả xung phong!”. Quân Anh đang mệt mỏi, nghe nói có viện binh đến bèn hồ hởi phản công.

Bấy giờ, cả trước mặt và hai bên sườn đều có địch, không còn cách gì chống đỡ nữa, Napoleon bèn hạ lệnh rút quân. Trên đường rút chạy, nhằm bảo toàn lực lượng, vị Hoàng đế nước Pháp vẫn tìm địa hình thuận lợi dồn binh tái chiến. Nhưng, cả 7 lần đều thất bại.

Về cơ bản, gần như quân đội Pháp bị tiêu diệt tại Waterloo, các sư đoàn thiện chiến đều bị đánh tan, chỉ còn lực lượng cận vệ trung thành với Napoleon vừa chiến đấu, vừa rút lui cho vị hoàng đế.

Sự thất bại ở Waterloo, Napoleon hoàn toàn tuyệt vọng, đành tuyên bố thoái vị, chấp nhận rời Paris, đến đảo St Heléne tận phía Nam Đại Tây Dương sống nốt quãng đời cuối cùng của mình. Không ai ngờ rằng, một thiên tài quân sự, một vị tướng tung hoành vó ngựa và tiếng đại bác trên khắp các chiến trường châu Âu đã phải nhận một kết cục bi thảm đến thế. Có lẽ vì vậy, trận đánh Waterloo đã được coi là một trang sử không thể nào quên, nó ghi dấu chấm hết cho một giai đoạn huy hoàng của nước Pháp có Napoleon.

Vì sao thất bại?

Nguyên nhân vì sao Napoleon thất bại ở Waterloo luôn là đề tài được các nhà quân sự và sử học thế giới bàn luận. Có người cho rằng, chính Grouchy không đến kịp đã hủy diệt quân Pháp. Bởi lúc dó, quân Pháp 7,2 vạn người, quân Anh cũng có khoảng 7 vạn lính. Hai bên lực lượng cân bằng. Yếu tố quyết định chính là viện binh của ai đến trước, bên đó sẽ thắng. Có người cho rằng, trời mưa to đã làm Napoleon thất bại. Có người lại nói rằng, Ney và thuộc hạ của ông ta đã khiến quân Pháp thua trận Waterloo.

Phần lớn các nhà quân sự cho rằng, Napoleon không còn các thống chế tài giỏi để chỉ huy: Thống chế Davu đang bị vây ở Hamburg, Thống chế Muyra đang ở Napoli, Thống chế Matsena đang chinh chiến ở Tây Ban Nha... Tuy có nhiều tướng tài khác, nhưng trong lúc quan trọng này, Thống chế Ney và thuộc hạ đã làm hỏng mọi chuyện.

Có người quy kết nguyên nhân thất bại, do chính bản thân Napoleon. Cho dù Napoleon có là thiên tài quân sự nhưng ông ta đã mất đi một yếu tố vô cùng quan trọng. Cái này đối với một Thống soái thậm chí còn quan trọng hơn thiên tài quân sự, đó chính là niềm tin đối với thắng lợi chiến tranh. Chính nguyên nhân này đã khiến ông ta thua trận Waterloo. Có lẽ Napoleon đã ý thức được thời đại của mình đã kết thúc, cho nên khi nói đến chiến dịch Waterloo, ông ta nói rằng: “Ta đã không còn niềm tự tin trước kia”.

Một vài hình ảnh về trận đánh nổi tiếng lịch sử cận đại, Waterloo.
Một vài hình ảnh về trận đánh nổi tiếng lịch sử cận đại, Waterloo.  

Có người cho rằng trước trận Waterloo, Napoleon có dấu hiệu về trí lực, thể lực suy yếu nghiêm trọng: “Hai mắt lờ đờ, bước đi loạng choạng, cử chỉ khó hiểu, tâm trạng thờ thẫn”. Bằng chứng là trong trận Waterloo, nhiều lần thuộc cấp thấy Napoleon tinh thần suy sụp, mấy lần mệt mỏi buồn ngủ. Chính Napoleon từng thừa nhận: “Đây là do số mệnh đã định, bởi nếu kể về mọi nguyên nhân, trận đánh này, phần thắng phải thuộc về ta”.

Có lẽ tất cả các nhân tố cùng tác động, khiến cho Napoleon đành chịu thất bại thảm hại ở Waterloo. Ông ta đã mất cả thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Ngay cả Thống chế Ney cũng phạm sai lầm chiến lược, bỏ lỡ thời cơ tiêu diệt quân Anh.

Các nhà sử học cho rằng, dù giải thích ra sao, Thống chế Ney không thể biện hộ được hành động gần như phản bội của mình trong chiến dịch này. Bản thân ông ta đã hai lần bỏ lỡ cơ hội tiêu diệt quân Anh. Trong chiến tranh cận đại, chỉ cần phạm một lần sai lầm như vậy, cũng không thể giành chiến thắng được. Thống chế Ney, kẻ đã hợp tác với kẻ thù của Napoleon trong thời gian Napoleon bị đi đầy ở đảo Elba. Khi biết tin Napoleon trở về Pháp, vua Louis XVIII cử Thống chế Ney đem quân đi bắt Napoleon. Vì tình thế, Thống chế Ney buộc phải theo binh lính hoan hô Hoàng đế Napoleon trở về.

Sai lầm lịch sử của Napoleon đã sử dụng Ney và bọn thuộc hạ của ông ta, một kẻ đã theo vua Louis, phản bội lại cách mạng. Chính điều này đã khiến cho Napoleon thất bại ở Waterloo. Cho dù Napoleon có đánh thắng ở Waterloo, nhưng với tướng lĩnh như Ney, ông cũng bị thất bại từ bên trong nội bộ quân đội của mình.

Còn nguyên nhân sâu xa, một mình nước Pháp với cuộc cách mạng của Napoleon nhằm lật đổ chế độ phong kiến không thể nào chống chọi lại toàn bộ châu Âu với các vị vua chúa luôn muốn duy trì quyền lợi của mình. Ngoài chế độ hôn nhân ngoại giao, các vương thân quý tộc các nước lấy nhau. Khi có chiến tranh, đương nhiên hôn nhân ngoại giao sẽ phát huy tác dụng. Ở góc độ khác, giai đoạn này, sự bùng nổ của cách mạng Pháp có thể lan ra toàn cõi châu Âu nên các nước tìm mọi cách dập tắt ngọn lửa cách mạng. 

Chính vì thế, Waterloo hay một địa danh bất kỳ nào đó cũng sẽ trở thành nổi tiếng khi nó chính là trận đánh cuối cùng của vị hoàng đế nước Pháp. Đây vẫn là đề tài mà các sử gia và các nhà nghiên cứu quân sự còn bàn luận và coi là một trong những nghệ thuật chiến tranh cũng như bài học mà nó để lại.

(Đón đọc kỳ tới: Hoàng đế Napoleon Bonaparte - Thiên tài quân sự, đệ nhất si tình)

Đọc thêm