Vụ ám sát 30 năm không tìm ra thủ phạm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ở nước Đức cách đây đúng 30 năm xảy ra một vụ ám sát mà đến nay vẫn chưa được phá giải. Nghi phạm không thiếu và chứng cứ cũng có nhưng tất cả vẫn chưa thể đủ để xác định thủ phạm. 
Ông Detlef Rohwedder bị ám sát nhưng đến giờ vẫn chưa thể khẳng định hung thủ là ai.
Ông Detlef Rohwedder bị ám sát nhưng đến giờ vẫn chưa thể khẳng định hung thủ là ai.

Vụ ám sát này còn đặc biệt ở thời điểm nước Đức ở trong giai đoạn đầu của quá trình thống nhất giữa Cộng hòa Liên bang Đức và Cộng hòa Dân chủ Đức. Một người bị ám sát nhưng vụ án không bị nhìn nhận là chuyện hình sự hay trả thù đơn thuần mà mang tính chính trị.

Vụ ám sát xảy ra vào dịp Lễ Phục sinh năm 1991. Người bị ám sát là ông Detlef Rohwedder. Người này được chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức giao cho nhiệm vụ xử lý toàn bộ tài sản của nước Cộng hòa Dân chủ Đức, tức là toàn quyền quyết định giữ lại nhà máy nào hay xóa sổ công ty nào trên lãnh thổ Cộng hòa Dân chủ Đức trước đây.

Chính sách của chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức khi ấy là trong khuôn khổ quá trình thống nhất nước Đức hủy hoại hoàn toàn mọi thành tựu phát triển của Cộng hòa Dân chủ Đức để chứng minh là chế độ chính trị và nền kinh tế ở Cộng hòa Liên bang Đức ưu việt hơn hẳn Cộng hòa Dân chủ Đức. Ông Rohwedder vì thế thuộc diện người được bảo vệ rất cẩn trọng.

Người này bị ám sát vào lúc nửa đêm. Ông Rohwedder ngồi làm việc ở tầng hai tại nhà riêng ở thành phố Duesseldorf. Cửa sổ phòng đóng nhưng không buông rèm che. Khi ông Rohwedder đứng dậy thì có 3 tiếng súng nổ. Ông Rohwedder bị hai viên đạn găm vào ngực và tay. Viên đạn thứ 3 găm vào giá sách. Nửa giờ sau, người này qua đời. 

Từ hướng đi của những viên đạn, cảnh sát Đức lùng ra vị trí hung thủ đã đứng bắn ở trong một công viên gần đấy. Tại nơi đó, cảnh sát Đức thu lượm được một chiếc ghế nhựa, một cái khăn mặt nhỏ vướng một sợi tóc, một túi ni-lông, 3 vỏ đạn và một mảnh giấy với thông tin lực lượng Quân đoàn đỏ (RAF) tự nhận đã tiến hành vụ ám sát. 

RAF bị liệt vào danh sách những tổ chức và lực lượng khủng bố cánh tả ở Đức. Kết quả điều tra không thể khẳng định chính xác hoàn toàn tờ giấy ấy thực sự là RAF, nhưng xác nhận những viên đạn được bắn ra cùng khẩu súng đã được sử dụng trước đấy một tuần để bắn vào đại sứ quán Mỹ ở Bonn (khi ấy vẫn còn là thủ đô Đức). Xa hơn một chút, cảnh sát Đức tìm thấy 3 đầu thuốc lá mà về sau xác định được người hút thuộc nhóm máu A. 

Mọi nghi vấn đều đổ dồn về RAF nhưng cụ thể là thành viên nào của RAF thì lại không thể xác định được. Tuy nhiên cũng còn có không thiếu thuyết âm mưu như Mafia hay cơ quan mật vụ của bên ngoài nào đấy. Cảnh sát Đức tiến hành cuộc điều tra và truy lùng với quy mô thuộc diện lớn chưa từng thấy trong lịch sử nước Đức. Nhưng thủ phạm vẫn hoàn toàn bí ẩn.

10 năm sau, nhờ công nghệ xét nghiệm ADN mà cảnh sát Đức có được kết quả là sợi tóc trùng với ADN của một thành viên của RAF. Nhưng người này đã bị cảnh sát Đức bắn chết trong một lần truy lùng và đụng độ cách đấy mấy năm và người này không thuộc nhóm máu A. Có thêm được tiến triển này vẫn chưa thể đủ để cảnh sát Đức nhận diện thủ phạm.

Vụ án này vì thế tiếp tục bế tắc và đến nay bế tắc đã 30 năm. RAF đã tự giải thể từ lâu. Một số thành viên của RAF đã biệt tăm biệt tích cũng từ nhiều năm nay. Nước Đức đã tái thống nhất từ nhiều năm nay. Và vụ án càng thêm bí ẩn theo thời gian.

Đọc thêm