46.000 người trong hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội bị ảnh hưởng do dịch bệnh

(PLVN) - Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho rằng cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho lĩnh vực y tế, giáo dục do nguồn thu bị sụt giảm vì dịch.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại điểm cầu Hà Nội.

Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại Hội nghị trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương sáng 10/4, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ cho biết, quý I/2020 mặc dù có nhiều khó khăn nhưng tăng trưởng của Thủ đô vẫn đạt 3,72%; ngân sách nhà nước đạt khoảng 72.600 tỷ, bằng 26,5% tổng dự toán.

Bí thư Thành ủy cũng cho biết, đầu năm nay, Hà Nội đã chuyển 650 tỷ đồng ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội để triển khai cho vay vốn, giải quyết việc làm, thúc đẩy nông thôn phát triển và các công trình hạ tầng khác, bảo đảm cho mục tiêu tăng trưởng nông nghiệp đề ra.

Các lĩnh vực khác như thực phẩm, sản xuất thiết bị y tế, ngành công nghệ thông tin liên quan đến 4.0… Hà Nội cũng đang đẩy mạnh triển khai, đặc biệt về dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4.

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ khẳng định, đối với các kịch bản tăng trưởng, Hà Nội phấn đấu để giảm thiệt hại do dịch bệnh Covid-19 ở mức thấp nhất và phấn đấu tăng trưởng ở mức cao hơn cả nước là 1,3%; bảo đảm cân đối thu chi ngân sách.

Theo Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ, cần song hành việc tập trung nguồn lực, thời gian cho công tác tác phòng chống dịch bệnh Covid-19 với bảo đảm vận hành thông suốt hệ thống chính trị, chuẩn bị cho đại hội đảng các cấp, giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại kinh tế, đồng thời tìm những dư địa để duy trì tăng trưởng như Thủ tướng đã nói khi tình hình dịch bệnh ổn định thì “nền kinh tế sẽ bật mạnh như lò xo nén lâu ngày”.

Về hỗ trợ người dân gặp khó khăn vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, Bí thư Thành ủy khẳng định: “Hà Nội cam kết với Thủ tướng, Chính phủ sẽ phối hợp với các bộ, ngành Trung ương trên địa bàn để triển khai quyết liệt, kịp thời, công khai, minh bạch và đúng đối tượng các chính sách mà chính phủ, Thủ tướng ban hành”.

Tại Hội nghị, Bí thư Thành ủy đề nghị Chính phủ chỉ đạo Bộ Giao thông vận tải cùng các bộ, ngành tháo gỡ khó khăn, sớm đưa vào hoạt động của dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông cũng như một số dự án trọng điểm về giao thông khác.

Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, Hà Nội đề xuất Thủ tướng cho phép Hà Nội áp dụng cơ chế đặc thù về giải phóng mặt bằng như đã áp dụng ở TP HCM thực hiện.

Về kiến nghị một số vấn đề để tháo gỡ những vướng mắc ở Thủ đô để đảm bảo phát triển, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: “Những kiến nghị của Hà Nội rất xác đáng”.

Hà Nội cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành sớm trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nghị định sửa đổi Nghị định 63 về một số cơ chế tài chính đặc thù cho Thủ đô, tạo điều kiện để đẩy nhanh phát triển kinh tế và kết cấu hạ tầng trong thời gian tới…

Đáng chú ý, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ đề nghị Chính phủ cho phép Hà Nội lựa chọn một số các công trình lớn và cấp bách liên quan đến y tế, giáo dục, môi trường, an sinh xã hội, giao thông… để được lựa chọn nhà đầu tư theo Điều 26 của Luật Đấu thầu, trên cơ sở có thể kiểm toán, rà soát, thẩm định trước dự toán và cắt giảm khoảng 5-7% chi phí dự toán để đẩy nhanh tiến độ.

Bên cạnh đó, tại Hội nghị, Chính phủ xem xét tổ chức hội nghị giáo dục và đào tạo để tập trung giải quyết hai nội dung: cho ý kiến nhất quán và cập nhật liên quan đến rút ngắn thời gian và chương trình về tổ chức học tập, đánh giá kết quả học trong điều kiện thực tiễn hiện nay, điều kiện thi... 

Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhấn mạnh sự cần thiết giải quyết 2 nội dung trên bởi đây là vấn đề liên quan đến hàng triệu học sinh và giáo viên.

Bí thư Thành ủy Hà Nội còn dẫn chứng, ở TP, riêng hệ thống giáo dục ngoài công lập của Hà Nội có 46.000 người bị ảnh hưởng do dịch bệnh.

Vì vậy, theo ông, cần nghiên cứu để có những chính sách hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục, giáo viên, nhất là các cơ sở giáo dục công lập hiện nay đã thực hiện tự chủ tài chính do nguồn thu bị sụt giảm và cả các lĩnh vực y tế và giáo dục sự nghiệp ngoài công lập.

Đọc thêm